Mùa thu này, ngày 22, hành lang tầng trệt tòa nhà số 39 Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) rền vang lời hát đó. Tiến đến gần tiếng hát, tôi thấy một hội trường với hàng chục người cao niên. Vài người dựng cây nạng ngay bên ghế ngồi, có cụ ông ngồi trên xe lăn. Những mái đầu bạc điểm kín hội trường, tất cả vừa vỗ tay theo điệu nhạc vừa hát với bừng bừng khí thế.
“Hồi đó, tình nghĩa chính là sức mạnh kháng chiến”
Đó là không gian của buổi họp mặt kỷ niệm 74 năm ngày Nam bộ kháng chiến của câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM. Hàng chục người đàn ông, phụ nữ ngồi đó đều là những cán bộ của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ xưa. 74 năm đã qua, số thành viên đã vơi đi nhiều. Người ở lại cũng vào độ 80, 90 tuổi. Trên bục phát biểu, vị “thủ lĩnh” 91 tuổi của câu lạc bộ - ông Huỳnh Văn Cang - say sưa nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ với nhân dân miền Nam vào những ngày này của 74 năm trước:
“- Không làm việc, không đi lính cho Pháp.
- Không đưa đường, không báo tin, không bán lương thực cho Pháp.
- Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt. Hãy đốt sạch, phá sạch các cơ sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.
- Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa tiệm”.
Đọc lại lời kêu gọi trong cái giọng khàn đục, hùng hồn của người đàn ông tuổi đã ngoài 90, ông Huỳnh Văn Cang ngước lên, cười hiền như vừa ngẩng mặt khỏi quá khứ, nói với người hiện tại: “không đưa đường, không báo tin, không bán lương thực mà tìm diệt, đốt phá cơ sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của thực dân. Biến Sài Gòn bị Pháp chiếm thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa tiệm là giải pháp tình thế hồi 1945, nhưng sức mạnh xuyên suốt của người dân Nam bộ trong cuộc chiến đó chính là nghĩa tình cách mạng. Nghĩa tình nuôi chí người cán bộ, nghĩa tình là riềng mối quân dân”. |
“Nói vậy, câu chuyện lòng dân xưa nay chẳng khác mấy. Nó cũng từ cái chữ nghĩa tình mà anh em tui đã từng trải hồi đạn bom” - ông Cang chậm rãi nhắc lại cái “dấu nhấn” nghĩa tình sau buổi kỷ niệm. “Tui còn sống đây cũng nhờ tình thương của anh em. Hồi đó, nếu lãnh đạo mà không thương nhân viên thì tui đã chết bên dòng sông Bảy Háp rồi”.
“Nghĩa tình” - cái căn tính của con người Nam bộ dường như cũng là toàn bộ ký ức chiến tranh, là lý lẽ còn - mất của sinh mạng nơi người đàn ông từng đi qua hai trận chiến, rồi bước vào tuổi xế chiều trong cảnh non nước thanh bình.
Hồi năm 1946, ông Cang thoát ly gia đình, tham gia Thanh niên cứu quốc của xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi quê nhà. Năm 1948, ông thi vào Trường trung học kháng chiến Thái Văn Lung, rồi học lớp chính trị của Ủy ban kháng chiến Nam bộ trước khi về làm văn thư ở Cơ yếu Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ.
Năm 1953, đang công tác trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, đóng ở Cà Mau, trong một lần chèo xuồng dọc sông Bảy Háp để đi họp, ông bị đau bụng dữ dội. Về đến đơn vị ở hữu ngạn sông Bảy Háp, anh em thăm khám sơ qua thì xác định ông bị vỡ ruột thừa. Lúc đó, đơn vị không có bác sĩ. Cuộc phẫu thuật ruột thừa tại đơn vị là không tưởng. Tình trạng của ông lại quá xấu để có thể di chuyển đến nơi có cơ sở y tế.
Trong lúc tưởng chỉ còn cách chờ chết thì thông tin “đồng chí Cang vỡ ruột thừa” theo chuyến công tác của anh em lọt đến tai Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Kỉnh. Đang đóng quân ở tả ngạn sông Bảy Háp, lúc đó, ông Kỉnh cũng đang có bệnh và được cấp trên cử bác sĩ xuống tận nơi để phẫu thuật. Nghe tình trạng của Cang, ông Kỉnh đề nghị cho hai bác sĩ sang bên kia sông với lời quả quyết: “Bệnh tôi chưa cấp bách, các anh sang mổ cho chú Kiệt (tên gọi lúc đó của ông Cang - PV), nếu không chú ấy chết mất”.
Lúc ấy, thuốc thang khan hiếm, hành trang của các bác sĩ chỉ đủ cho một ca mổ. Việc chọn mổ cho ông Cang khiến kế hoạch điều trị cho ông Kỉnh bị dẹp bỏ. Từ mệnh lệnh đó của cấp trên, ông Cang được cứu sống.
Trong chuyến đò ngang sông Bảy Háp, sau cuộc phẫu thuật, ông Cang thoi thóp hồi sinh. “Tui nhớ, anh em chèo xuồng đưa tui qua bên kia để nằm hồi sức mà cứ chèo vài phút lại quăng mái, chạy lại sờ mũi coi tui còn sống không. Cái chết ở chiến trường cũng năm bảy đường, nhưng đường sống thì chỉ có một. Người ta còn sống được là nhờ cái lá chắn nghĩa tình của anh em”. Giọng nói của người lính già càng về sau càng khào khào, như thể đang rút ruột nói cho hết những đúc kết một đời người: “Giờ cũng vậy thôi. Ở đâu người ta sống có nghĩa có tình với nhau thì ở đó có một tập thể mạnh”.
|
Ông Huỳnh Văn Cang (áo vest) chuyện trò với đồng đội sau buổi họp mặt |
Thuận lòng dân là lý lẽ của mọi sự tồn vong
Buổi kỷ niệm diễn ra suốt sáng 22/9. Đến gần cuối chương trình, khi ông Võ Anh Tuấn - cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ - nói chuyện Biển Đông, cả hội trường lại hừng hực khí thế. Ông Tuấn điểm lại từng hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong giai đoạn gần đây, rồi kết luận: “Cuộc đấu tranh giữa ta và Trung Quốc sẽ còn nhiều gian nan. Ta phải kiên trì, khôn khéo, nhưng nhất định không buông xuôi”. Câu nói phía sau chữ “nhất định” bất ngờ nhấn mạnh từng chữ hùng hồn. Cả hội trường vỗ tay. Những gương mặt vốn in hằn dấu vết tuổi tác như bừng sáng.
Kết thúc buổi lễ, mọi người tản ra tìm người quen. Một cụ ông vội vã lăn chiếc xe lăn lại gần chỗ bà Nguyễn Thị Thảo (cựu thành viên Ban Giao liên của Liên quận 4), bắt chuyện: “Cô Thảo thấy Trung Quốc nó ngang ngược không? Tui đoán, dù nó giàu tới đâu mà nó cứ ngang ngược vầy là nó phải tự diệt”. Tôi chợt bị cuốn vào cái giọng nói tinh anh của người đàn ông trong vẻ ngoài già yếu này. Dường như nhận ra đồng đội cũ, ông Cang cũng tiến lại. Sẵn tâm tư, sẵn bè bạn, câu chuyện Biển Đông lại mở ra một cuộc thảo luận mới.
Sau cái bắt tay, bà Thảo mới từ tốn trả lời: “Tui nghĩ, thuận lòng dân thì sống, ngược lòng dân thì chết. Phải đến lúc người dân Trung Quốc thức tỉnh, nhận ra lãnh đạo của họ đang ngang ngược, không biết điều, thì chính quyền Trung Quốc sẽ tự diệt vong”. Nghe đến đây, ông Cang bất ngờ cầm lấy bàn tay đang để trên thành xe lăn của người đồng đội, nói: “Cái này má tui nói cách đây 70 năm rồi. Anh Hai Bạch (đồng chí Phạm Văn Bạch - PV) cũng rành chuyện này từ thời đó. Dân mình biết chuyện này lâu rồi, hổng lý dân Trung Quốc giờ hổng biết?”.
Nói rồi, ông Cang lại từ tốn kể chuyện thời kháng chiến. Hồi đó, những năm cuối thập niên 1960, Mỹ kéo vào ào ào, cuộc chiến Mậu Thân ác liệt, trong một lần gặp lại má ruột khi về địa phương công tác, ông hỏi: “Má thấy tình hình sao hả má?”. Má ông, lúc đó ở hậu phương, chứng kiến toàn bộ diễn biến của cả phía đế quốc lẫn cách mạng, đáp nhẹ: “Cái gì hợp với lòng dân, hợp lẽ phải, đạo lý, cái đó sẽ thắng”. Bà chỉ nói vậy, không phân tích cụ thể, không nêu đích danh. Nhưng, trải nghiệm từ thời tham gia Nam bộ kháng chiến chống Pháp khiến người thanh niên Huỳnh Văn Cang càng vững tin vào cách mạng.
Ông nhớ, những ngày đầu vào nhận công tác ở Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, ông được lãnh đạo là đồng chí Phạm Văn Bạch giao nhiệm vụ tìm hiểu tâm tư của người dân vùng giải phóng. Lúc đó, vùng chiếm đóng bị kiểm soát nghiêm ngặt. Cả hai phía đều thực hiện những chính sách ngặt nghèo để kiểm soát tình hình. Lúc xuống địa phương để tìm hiểu, ông Cang trò chuyện với ông Tư Đệ - một cựu tá điền vừa được cách mạng cấp đất, thoát ly khỏi địa chủ, về lập đồn điền ở bên sông Đồng Cùng, xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Vốn chỗ quen thân, ông Tư Đệ trải lòng: “Thú thực với cán bộ, hồi mới kháng chiến thì bao vây kinh tế địch là đúng đắn. Nhưng giờ nó chiếm tràn lan, chính sách bao vây kinh tế địch của mình trở thành bao vây kinh tế mình, nông dân tụi tui nghẹt thở, bức bách”.
Người nông dân chất phác, kiệm lời. Được chia sẻ, ông Cang cố tìm hiểu sâu đời sống của người dân trong vùng. Ngày đó, để cô lập địch, chính quyền cách mạng thực hiện chính sách bao vây kinh tế, ngăn cấm mọi hoạt động giao thương, không buôn bán trong vùng bị chiếm đóng. Nhưng cũng từ đó, ở vùng giải phóng, gạo làm ra không bán được, dừa thu hoạch phải bỏ khô. Nông dân không có tiền mua vải vóc, cuốc xẻng, thuốc men. Hiểu được tình hình, ông Cang càng trở nên dè dặt, vì biết bao vây kinh tế là một chính sách lớn, phải lựa lời góp ý với cấp trên. Chẳng ngờ, khi ông vừa trình bày, ông Hai Bạch đã vui vẻ cảm ơn và chỉ một thời gian ngắn sau, lệnh bao vây kinh tế được gỡ bỏ, đời sống người dân khấm khá hơn, uy thế cách mạng tăng lên, khoảng cách quân dân càng gần lại.
Mấy chuyện cũ nhắc lại chóng vánh, những mái đầu bạc trắng mà tinh anh vẫn nấn ná bên câu chuyện thời cuộc. Bà Thảo nhấn mạnh: “Hồi đó, hết cuộc kháng chiến này đến cuộc kháng chiến khác, cực biết bao nhiêu, mà vì lẽ phải rành rành nên chẳng ai quản ngại.”
Ông Cang vẫn giữ vẻ điềm đạm: “Giờ ta phải đấu tranh cho tới ngày chúng tự cải hóa. Sẽ tới ngày nhân dân Trung Quốc ngộ ra sự bất lương, kém văn minh của lãnh đạo mình. Chiến tranh mấy cuộc tui từng trải đều chứng minh một điều rằng, nhân nghĩa sẽ thắng hung tàn, trí nhân sẽ thay cường bạo. Chế độ nào đi theo chân lý của xã hội thì tồn vong. Chế độ nào lấy thịt đè người thì trước sau cũng chết”.
Khoảnh khắc đó, ở cái góc hội trường có ba mái đầu bạc, một chiếc nạng, một chiếc xe lăn - người ta như thấy lại cái khí thế của Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…
Thanh Tân