Mua thiết bị “ăn cắp” điện, coi chừng hại mình

24/02/2017 - 11:47

PNO - Trên thị trường TP.HCM, nhiều nơi đang rao bán khá rầm rộ những thiết bị được cho là có công dụng làm giảm 10 - 30% lượng điện tiêu thụ.

Trên thị trường TP.HCM, nhiều nơi đang rao bán khá rầm rộ những thiết bị được cho là có công dụng làm giảm 10 - 30% lượng điện tiêu thụ.

Mua thiet bi “an cap” dien, coi chung hai minh
Thiết bị Tín bán có kết cấu khá đơn giản nhưng được quảng cáo làm giảm 10-30% điện năng tiêu thụ

Người bán còn quảng cáo thiết bị có thể làm “tê liệt” đồng hồ điện. Với những lời quảng cáo hấp dẫn, các thiết bị “ăn cắp” điện thu hút đông đảo người dân. Trong khi đó, cơ quan chức năng cho biết, việc mua bán, sử dụng thiết bị này không những phạm pháp mà còn có thể gây họa cho người dùng.

Giảm hàng triệu đồng tiền điện mỗi tháng?

Những ngày gần đây, một số nông dân trồng rau ở H.Hóc Môn, TP.HCM “mách nước” nhau tìm mua một loại thiết bị có công dụng “siêu tiết kiệm điện”. Thiết bị này được cho là có thể giúp người dân tiết kiệm được từ 10 - 30% lượng điện tiêu thụ hàng ngày.

Theo đó, loại thiết bị mà nhiều người dân tìm kiếm có hình dáng như con chuột máy tính, phía dưới có gắn đầu cắm để kết nối với ổ cắm trong nhà. Theo hướng dẫn, chỉ cần cắm thiết bị này vào ổ điện trong nhà, mỗi tháng sẽ tiết kiệm được một lượng điện tiêu thụ đáng kể.

Bà H. (ngụ xã Trung Chánh, H.Hóc Môn) cho hay: “Tôi thấy mấy người dân trồng rau dưới này nói về thiết bị tiết kiệm điện (TBTKĐ) nhiều lắm. Họ nói thiết bị đó chỉ có giá khoảng 500.000đ, cắm vô ổ điện thì mỗi tháng giảm được cả triệu đồng tiền điện. Tôi nghe họ nói có lợi quá nên cũng tính gửi tiền nhờ người quen đi tìm mua dùm vài cái về xài thử”.

Không chỉ mua để dùng, nhiều người còn đặt mua số lượng lớn thiết bị để gửi cho người thân ở các tỉnh như: Bình Phước, Bến Tre, Đồng Nai… có nhu cầu tiêu thụ điện lớn.

Ngày 21/2, phóng viên tìm đến cửa hàng của người đàn ông tên Bảo nằm trong hẻm 660 Điện Biên Phủ (P.11, Q.10). Ông Bảo cho biết, cửa hàng của ông đang cung cấp TBTKĐ có tên Electricity - saving box. Thiết bị có thiết kế rất đơn giản nhưng có công năng tiết kiệm điện rất hiệu quả. Nếu dùng thiết bị này mỗi tháng sẽ giảm được từ 10 - 30% lượng điện tiêu thụ.

“Tôi bán 269.000đ, ông mua về dùng bảo đảm sẽ hiệu quả. Ở nhà tôi cũng đang dùng thiết bị này. Hiện tôi còn nợ hơn 50 đơn hàng của khách chưa giao kịp”, ông Bảo khoe.

Trước khi chúng tôi đặt mua sản phẩm, ông Bảo dặn dò: “Khi mua về thì nên cắm thiết bị này ở chỗ khuất, ít người thấy. Khi có điện lực kiểm tra thì nên giấu đi vì họ thấy sẽ xử phạt mình, chỉ sợ vậy thôi còn các vấn đề khác về độ an toàn thì không phải lo”.

Người này còn cho biết, với những trường hợp khách cần mua số lượng lớn hoặc ở ngoài tỉnh, phải để lại số điện thoại, khoảng từ hai - ba ngày sau, sẽ có người giao hàng tận nơi.

Một đầu nậu khác là Tín (khoảng 30 tuổi, ngụ đường số 11, P.11, Q.Gò Vấp), giới thiệu mình là một trong những người kinh doanh TBTKĐ sớm nhất ở TP.HCM. Tín có rất nhiều đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây, Bình Phước, Đồng Nai, thậm chí ra đến các tỉnh miền Trung.

“Từ trước đến nay tôi đã bán cho khách hơn hai triệu cái rồi nhưng chưa ai phàn nàn về chất lượng. Ngay cả người trong công ty điện lực còn mua hàng của tôi về sử dụng trong nhà… Nếu ông muốn mua dùng thử, tôi để giá hữu nghị 300.000đ/cái. Nếu ông muốn mua về bán lại thì tôi bớt cho chút đỉnh làm quen. Mai mốt lấy mối quen rồi tôi để giá mềm cho”, Tín chào hàng.

Hoạt động mua bán TBTKĐ trên mạng xã hội cũng khá rầm rộ. Người mua chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện”, lập tức hiển thị hàng trăm trang rao bán. Để thu hút người mua, nhiều người bán hàng trên mạng còn khẳng định họ bán cả thiết bị làm “tê liệt” đồng hồ điện. Những trang mạng mua bán TBTKĐ có lượng tương tác khá cao. Thậm chí, nhiều người bán còn để lại số điện thoại và cam kết sẽ hoàn trả tiền nếu khách mua hàng sử dụng không
hiệu quả.

Chiều 21/2, phóng viên gọi vào số điện thoại 0933xxxx66 được ghi trên một trang mạng chuyên mua bán TBTKĐ, người phụ nữ tên Dung cho biết: “Chỗ chị đang bán một TBTKĐ được nhập từ nước ngoài. Nói là tiết kiệm điện nhưng thực chất khi lắp thiết bị này vào nguồn điện thì sẽ làm tê liệt đồng hồ. Cứ thời điểm nào trong ngày nhà em tiêu thụ điện nhiều mà gắn thiết bị này vào thì giống như không xài gì hết”.

Sau một lúc trao đổi, bà Dung tiết lộ, loại hàng mà bà đang rao bán là thiết bị “ăn cắp” điện xuất xứ từ Trung Quốc, có giá 1,2 triệu đồng. “Thiết bị này các hộ kinh doanh có lượng tiêu thụ điện lớn ở miền Bắc sử dụng rất phổ biến. Nếu em ở TP.HCM thì chỉ cần đặt hàng, trong vòng hai ngày chị sẽ giao hàng, nhận hàng mới đưa tiền. Nếu sử dụng không hiệu quả thì cứ gọi lại đây phản ánh, bên chị sẽ bồi thường gấp đôi. Bên chị là công ty lớn nên làm ăn rất uy tín”, Dung cam kết.

Mua thiet bi “an cap” dien, coi chung hai minh
Tín- đầu nậu chuyên cung cấp thiết bị tiết kiệm điện ở quận Gò Vấp đang thuyết phục phóng viên mua hàng

Nhiều nguy cơ mất an toàn

Thị trường bán TBTKĐ ở TP.HCM đang hoạt động khá sôi nổi. Người bán liên tục quảng cáo về công dụng “thần kỳ” của loại thiết bị này. Trong khi đó, người mua hàng chỉ biết công dụng của sản phẩm qua lời quảng cáo. Ngoài ra, không có bất kỳ thông tin gì về nguồn gốc hay mức độ nguy hại của những sản phẩm lạ đang bán trôi nổi trên thị trường này.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban quan hệ cộng đồng - Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết, từ trước đến nay ông chưa từng nghe đến thiết bị nào có tên “Electricity - saving box” có công dụng tiết kiệm điện “thần kỳ” như vậy. Có thể đây là thiết bị dỏm mà các đối tượng bán hàng quảng cáo để lừa gạt.

“Việc có thiết bị làm giảm điện năng tiêu thụ đến 40% không có cơ sở khoa học. Nếu có thì chỉ một số thiết bị tác động đến thiết bị đo đếm điện năng nhưng khách hàng nên cẩn thận với các thiết bị này. Bởi khi sử dụng, chúng sẽ tác động lên hệ thống đo đếm, làm chậm hoặc tua ngược vòng quay của đồng hồ điện. Đây thực chất là hành vi vi phạm sử dụng điện. Hành vi này sẽ bị truy thu tiền điện, phạt vi phạm”, ông Vũ cho hay.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Công Minh (kỹ sư ngành điện đang làm việc tại TP.HCM) cũng nhấn mạnh, trên thực tế, những thiết bị được cho là “tiết kiệm điện” 10-40% hay làm giảm lượng tiêu thụ điện, nếu có, thì có thể là thiết bị “ăn cắp” điện. Trên thực tế, trên thị trường có một số thiết bị tự chế hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc được một số người sử dụng để gian lận việc tiêu thụ điện.

Tuy nhiên, việc gắn các thiết bị này can thiệp vào dòng điện là rất nguy hiểm. Ngoài việc bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử phạt thì các thiết bị này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

“Một thiết bị không rõ nguồn gốc gắn lâu ngày vào dòng điện thì rất dễ xảy ra cháy nổ. Một số người không có kỹ năng, nghiệp vụ gì về ngành điện nhưng vẫn lén lút chỉnh sửa nguồn điện để gắn thiết bị gian lận vào. Những trường hợp này có thể bị điện giật mất mạng hoặc có thể gây ra sự cố về điện, tạo ra những hậu quả khôn lường”, ông Minh cho hay.

Mua bán, sử dụng thiết bị ăn cắp điện là phạm pháp

Khi sử dụng điện, bên cung cấp điện và bên sử dụng điện phải giao kết hợp đồng dân sự cụ thể về việc cung cấp và sử dụng điện. Trong đó nghĩa vụ của người sử dụng điện phải thanh toán đầy đủ giá trị đúng số lượng điện đã tiêu thụ. Nếu sử dụng các thiết bị nhằm làm giảm hoặc cản trở thiết bị đo lường điện sử dụng của bên cung cấp điện nhằm làm giảm tiền điện đã sử dụng, gây thiệt hại cho bên cung cấp điện là có dấu hiệu phá hoại các trang thiết bị điện và trộm cắp điện. Ðây là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Luật điện lực năm 2012.

Cụ thể tại điều 7 các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện như: phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực; vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện; trộm cắp điện...

Tại điều 46 quy định quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện: phải bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện; bồi thường khi gây thiệt hại cho bên bán điện theo quy định của pháp luật... Do đó nếu phát hiện người sử dụng điện trang bị thiết bị nhằm trộm cắp điện thì sẽ bị xử lý và bồi thường khi gây thiệt hại cho bên bán điện theo quy định
pháp luật.

Ðối với người bán thiết bị có công dụng làm chậm đồng hồ điện cũng vi phạm với vai trò đồng phạm phá hoại các trang thiết bị điện và trộm cắp điện, là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ bên cung cấp điện bị thiệt hại mà người bán thiết bị sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TP.HCM)

 Sơn Vinh - Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI