PNO - “Tinh túy của đời là quan tâm. Cơ hội của đời là phụng sự. Hương vị của đời là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời là cho đi”. Nhà giáo dục William Arthur Ward đã nói như vậy.
Nhà chị D.Th. ở Q.Tân Bình, TPHCM có tiệm tạp hóa, nhưng mấy ngày qua, chị đóng cửa. Hồi đầu tuần trước, xóm làng bắt gặp chị cứ lâu lâu lại chở về một bao hàng, đem cất. Ai hỏi, chị úp mở: “Ngày 3/1/2020, đến Công viên Làng Hoa Gò Vấp là thấy tui với mớ hàng này”. Để “sở hữu” gần 20 bao tải chứa đủ các mặt hàng từ xoong, thau, ly, chén cho đến cái cột tóc, cây bút bi, chị Th. đã lùng mua khắp các điểm bán sỉ của Sài Gòn.
Chiều 5/1, chương trình “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” ở Công viên Làng Hoa Gò Vấp kết thúc sau ba ngày tổ chức. Chị Th. ngồi nhẩm: “Tại tui gắn câu “đồng giá 5.000” lên gian hàng của mình sớm quá nên bị lỗ, nhưng vui lắm! Ngay từ đầu, tui đã xác định bán cho người nghèo, nên không tính chuyện lời”. “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” là hoạt động do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, nhằm bán hàng giảm giá cho người lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, người có hoàn cảnh khó khăn. Gian hàng của chị Th. là một trong 80 gian hàng tham gia hoạt động này.
Lần đầu tham gia một hội chợ, nhưng gian hàng của chị Th. được khách ghé nhiều nhất, do có nhiều mặt hàng bán lẻ với giá sỉ. Chị Th. tâm sự: “Ngày xưa, tui cũng nghèo. Ai từng nghèo cũng từng mong được mua hàng với giá rẻ”. Đứng cách vài bước chân, nghe chị Th. tâm sự, chị Kiều Oanh - công nhân khu công nghiệp Tân Bình - mở túi, lấy ra hai xấp vải: “Tui mua hai xấp gấm này ở gian hàng vải Thái Tuấn, chỉ 70.000 đồng/mét; bình thường, họ bán đến 300.000 đồng/mét”. Đoạn, chị đưa tay dụi mắt: “Làm công nhân, tiền đâu mà mua gấm mua hoa. Nay thấy vải gấm ở phiên chợ này, nghĩ ngay đến quà tết cho mẹ”. Sáng mai, hai xấp vải này sẽ được chị Oanh gửi xe đưa về Quảng Bình cho người mẹ ruột 80 tuổi và mẹ chồng 73 tuổi kịp may hai bộ đồ đón tết.
Ngoài hoạt động trên, những ngày này, còn có rất nhiều phiên chợ giảm giá dành cho công nhân, người nghèo. Sáng 5/1, bà Ngọc đứng trước khu chung cư Phú Mỹ, Q.7, dáng vẻ tần ngần. Sự tần ngần chỉ được cởi bỏ khi bà Ngọc biết “Phiên chợ Xuân” không chỉ dành cho cư dân chung cư. Dựng chiếc xe đạp vào góc tường, giấu vội xấp vé số vào giỏ, bà ái ngại bước vào. Dừng lại ở quầy văn phòng phẩm, bà chọn hai cây viết, mỗi cây 2.000 đồng cùng mấy cuốn truyện. Ghé qua quầy quần áo, bà chọn được chiếc sơ-mi nam, giá 20.000 đồng.
Bà Ngọc khoe: “Bút, truyện cho cháu nội, còn áo cho con trai”. Nâng niu chiếc áo, bà hài lòng. Nhìn tấm bảng ghi “đồ cũ từ thiện”, bà định mua một chiếc áo cho con trai mặc phụ hồ, nhưng áo vẫn còn mới toanh, nên bà sẽ mua cho con trai mặc chơi tết. Biết việc mua hàng cũng góp phần chia sẻ cùng trẻ nghèo, bà Ngọc mua thêm một đôi dép cho mình.
Là quần áo cũ, nhưng ban tổ chức “Phiên chợ Xuân” đã tỉ mẩn giặt sạch, ủi phẳng, bán với giá 20.000-30.000 đồng/món. Phiên chợ còn có gần 20 quầy bán các mặt hàng gia dụng mới với giá chỉ bằng nửa giá thị trường. Toàn bộ lợi nhuận của phiên chợ sẽ được dành hết cho Quỹ từ thiện Bông Sen, với dự án “Nụ cười 3 - Em đến trường”, một hoạt động hỗ trợ việc học chữ, học nghề và chăm lo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Phiên chợ tết gồm 20 quầy hàng thu hút đông đảo khách tham dự, với giá bán rẻ hơn 50-70% so với thị trường. Toàn bộ lợi nhuận được chuyển vào Quỹ từ thiện Bông Sen, cho dự án “Nụ cười 3 - Em đến trường”, giúp các em có gia cảnh khó khăn được đi học
Niềm vui từ cây cầu, cuốn sổ tiết kiệm
Từ xã Thạnh Quới, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Anh Khoa - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Quới - gửi đến câu lạc bộ (CLB) Nữ luật sư TPHCM hình một cây cầu đã cũ. Cây cầu 20 năm tuổi này bắc qua con kênh rộng, không lan can, nay đã rệu rã. Mấy năm rồi, người dân không dám bước lên cầu, nhưng chính quyền xã không kiếm được kinh phí xây mới. Ngày về hiện trường, các chị trong ban chủ nhiệm CLB quyết định, phải lập tức xây cầu.
Ngày 4/1, cây cầu được khánh thành, rộng gấp đôi cầu cũ, với tổng kinh phí 175 triệu đồng, trong đó, CLB Nữ luật sư TPHCM góp 140 triệu đồng, người dân trong vùng đóng góp 35 triệu đồng còn lại.
Luật sư Trần Mỹ Thoa - Chủ nhiệm CLB Nữ luật sư TPHCM - cho hay, ngoài xây tặng cây cầu này, ngày 11/1, CLB còn tặng 50 suất quà, trị giá 600.000 đồng/suất cho các hộ nghèo ở H.Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và H.Cần Giờ, TPHCM.
Dịp tết năm nay, ngân sách TPHCM dự kiến chi 827 tỷ đồng chăm lo các đối tượng, tăng 69 tỷ đồng so với năm trước. Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thiện nguyện cũng dự kiến chăm lo tết cho các đối tượng với tổng số tiền xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Riêng Hội Nông dân TPHCM dự kiến vận động hơn 12 tỷ đồng thông qua chương trình “Tết nghĩa tình - Xuân Canh Tý 2020”, ước tính sẽ trao tặng 300 bộ công cụ sản xuất, hơn 1.000 phần quà tết, 1.500 suất học bổng, 5 căn nhà tình thương và 100 sổ tiết kiệm cho gia đình các hội viên nghèo.
Chiều 5/1, trong căn nhà tình thương đã xiêu vẹo, ông Lê Văn Út - 76 tuổi, ở P.Thạnh Xuân, Q.12, TPHCM - reo lên khi biết mình được đề xuất nhận một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng từ chương trình “Tết nghĩa tình - Xuân Canh Tý 2020” này. Nhà ông Út lọt thỏm giữa một khoảnh đất rộng cuối con đường, nơi nước sạch không đến được. Hơn 10 năm ròng, chữ “hộ nghèo” chưa thôi đeo bám ông.
Tám năm trước, cô con gái của ông vốn bị bệnh thần kinh bỗng mắc thêm bệnh ung thư vú, giờ lại thêm ung thư buồng trứng. Do vậy, vợ chồng ông Út đã gắng sức làm lụng, nhưng nghèo vẫn cứ nghèo. Ông Út nói, nếu được nhận 10 triệu đồng, ông sẽ dành để chữa bệnh cho con gái. Một cán bộ Hội Nông dân P.Thạnh Xuân nói: “Tết này, chúng tôi sẽ cố gắng giúp nhà ông Út có thêm một phần quà để ông bà cũng có cái ăn tết”.
Điều lạ là, gia đình ông Út nghèo “có tiếng”, nhưng vẫn cưu mang được cả một gia đình lâm cảnh ngặt. 36 năm trước, bà Nguyễn Thị Kim Anh sống một cuộc sống “địa ngục” bên người chồng thường xuyên bạo hành vợ con. Một ngày nọ, bà buộc phải ôm bốn đứa con bỏ nhà đi. May mắn, trong tình cảnh đó, mẹ con bà được ông Út cho ở nhờ đến tận bây giờ.