Mùa tát đìa

10/04/2015 - 19:19

PNO - PN - Ở quê tôi, vào khoảng tháng hai âm lịch là đến mùa tát đìa. Ngày trước, cuộc sống của người nông dân quê tôi quanh năm chỉ trông chờ vào một mùa lúa nước và những con cá đồng. Vào mùa mưa, ruộng đồng mênh mang nước, những cây lúa sinh sôi, trổ đòng, cũng là lúc các loại cá sinh trưởng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau Tết, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, đồng ruộng chỉ còn trơ gốc rạ và khô nước, cũng là lúc các loài cá tập trung xuống các con mương dẫn vào đìa cá ở giữa đồng. Đìa dài khoảng hai mươi đến ba mươi mét, rộng khoảng ba đến bốn mét, là phần ao được đào sâu nhất trên đồng. Đến khi những con mương cạn dần thì cũng là lúc cá tập trung hết vào đìa.

Gần đến ngày tát đìa, tôi thích nhất là được đi theo cha mẹ ra đồng vào những buổi chiều tà để “thăm đìa”. Mẹ tôi rất có kinh nghiệm trong việc ước đoán số lượng cá trong đìa. Chỉ cần ngồi yên lặng bên bờ đìa khoảng mười phút, quan sát những động tĩnh trên mặt nước, mẹ có thể đoán được đìa năm ấy có trúng (nhiều cá) hay không.

“Công nghệ” tác đìa cũng khá đơn giản, chỉ cần một cái máy bơm nước và một cái ống để dẫn nước ra khỏi đìa. Ngày tát đìa, ai cũng dậy thật sớm. Không chỉ các thành viên trong gia đình mà còn có sự giúp sức của bà con láng giềng. Mọi người hối hả khiêng máy, mang thau, chậu, giỏ … băng đồng để chuẩn bị tát đìa, bắt cá. Thông thường, máy bơm nước hoạt động khoảng hơn hai giờ đồng hồ thì đìa cạn nước, để trơ ra lớp bùn nhão dưới đáy đìa, và vô số các loài cá cố sức quẫy đạp: Cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc, cá thác lác… ôi thôi đủ loại.

Mua tat dia
 

Những người tham gia bắt cá đìa thường là những người trẻ, khoẻ, có kinh nghiệm. Bọn trẻ chúng tôi không lội xuống đìa bắt cá được thì đứng trên bờ đưa giỏ, thau, chuyền cá và … cổ vũ. Khi có người bắt được chú cá to, bọn trẻ chúng tôi vỗ tay reo hò thích thú. Ngược lại, khi ai đó lỡ để vuột khỏi tay chú cá to khoẻ, chúng tôi cũng ngẩn ngơ, tiếc nuối. Sau vài giờ đánh vật với lớp bùn đất, khi đáy đìa chỉ còn lớp bùn nhão tĩnh lặng, thì cũng là lúc mọi người thi nhau gánh cá về nhà.

Cá được phân ra nhiều loại: Những con to, khoẻ thì rộng vào thùng để bán cá sống. Những con cá quá nhỏ sẽ được thả xuống giếng để nuôi tiếp. Phần cá bị chết thì làm mắm hoặc phơi khô. Dù năm đó có trúng cá hay không, ngày tát đìa mọi người sẽ được ăn những con cá ngon nhất.

Các chú trong làng thường chọn con cá lóc to khoảng 2 - 3kg để nấu cháo hoặc đốt rơm nướng trui hay luộc hèm làm mồi nhậu, mẹ và các chị chọn những con cá thác lác to, nạo lấy thịt làm chả, hoặc cá trê chiên giòn chấm nước mắm gừng. Nhà nào tát đìa là xem như nhà đó có buổi tiệc nhỏ. Tát đìa cũng có “vần công” như đi cày, đi cấy. Những người hàng xóm sang giúp đều được chủ đìa mời cơm và còn được biếu cá mang về. Vì vậy, mà tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt hơn.

Tôi đi học xa nhà rồi lập nghiệp ở thành phố. Kể từ quê tôi chuyển dịch cơ cấu từ cây lúa sang con tôm, những mùa tát đìa chỉ còn trong ký ức. Đồng ruộng ngày nào giờ đây toàn nước mặn, mùa lúa nước và những chú cá đồng được thay thế bằng những con tôm, con cua. Mỗi lần về quê, ngắm nhìn những con kênh ngang dọc dẫn nước vào nuôi tôm, lòng bỗng chạnh lòng, nhớ da diết cái đìa nằm giữa đồng, mỗi năm một mùa xôn xao tát nước, bắt cá. Nhớ lắm tiếng gọi nhau í ới, tiếng máy bơm nước chạy xình xịch, tiếng gánh cá kĩu kịt, tiếng dao lộp cộp của mấy chị làm cá để phơi khô, làm mắm dưới bóng dừa mát rượi.

Ở thành phố, hầu như chợ nào cũng có bán cá đồng, nhưng có lẽ hầu hết là cá nuôi, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp nên thịt cá không dai, không ngon. Sáng nay ra chợ, ngang qua quầy cá đồng. Người bán đon đả mời chào: Mua đi em, đây là cá ruộng, tát đìa bắt lên chứ không phải cá nuôi, ngon lắm!. Tôi đứng tần ngần một lát, chợt ngẩn ngơ với những ký ức xa xăm. Hình ảnh quê hương yên bình, tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo lại hiện về thật dễ thương và ngọt ngào.

Nhớ lắm, mùa tát đìa thời thơ ấu.

NGUYỄN ĐÀO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI