Mưa tạnh rồi, vác cần ra suối câu cá

30/05/2021 - 06:48

PNO - Sài Gòn những ngày gần đây mưa liên tục, chợt nghĩ, chắc nước suối đã đổi màu, giờ vác cần đi câu cá là tuyệt nhất.

Cuối vườn ở quê có một con suối khá rộng. Có một cây cầu bắc ngang suối, nối người dân thị trấn và xã. Rảnh rảnh, đứng trên cầu nhìn xuống, có thể thấy rõ đàn cá vảy lóng lánh bơi lội. 

Sống ở dòng nước chảy, đá nhiều hơn bùn nên thịt cá suối săn, chắc, không tanh. Bắt cá về, làm sạch, chiên, nướng, kho hay nấu canh đều ngon. Nhưng cá suối nhát người nên chỉ có hai cách để bắt, một là dùng lưới giăng ngang suối. Xâm xẩm chiều, ra gỡ, thể nào cũng "bẫy" được những chú cá di chuyển theo dòng nước. Cách này đơn giản, tiện lợi nhưng với bọn con nít ngày đó, không vui và không "nhã" bằng việc vác cần ra bờ suối, buông câu.

1
Sống ở dòng nước chảy, đá nhiều hơn bùn nên thịt cá suối săn chắc và ít tanh - Ảnh: An Huỳnh

Mùa nước trong trong, cá suối thấy rõ mồi câu và bóng người nên có ngồi bao lâu, "cần thủ" vẫn có nguy cơ xách giỏ không về. Cá suối chỉ có thể câu vào ngày mưa hay mùa mưa. Khi nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về, cuốn theo hàng loạt thứ từ lá cây, củi, trái rừng đến lũ côn trùng... Lũ cá không nghe rõ tiếng người, lẫn lộn giữa những con côn trùng trôi theo dòng nước và mồi câu nên dễ câu. "Cần thủ" cao tay, câu vài tiếng, cũng được cả ký.

Vào ngày mưa, anh Năm sẽ vác cuốc ra sau vườn, tìm chỗ đất nhiều lá cây, đào vào nhát, vài con trùn hổ to gần bằng đũa ăn cơm đã loe ngoe xuất hiện. Anh bắt từng con bỏ vào lon sữa bò cũ, làm mồi câu cá. Trong nhà, anh Tư cột lại cái lưỡi câu vào dây cước. Cần câu cá ngày ấy đơn giản lắm, chỉ là một cây tre nhỏ, dài, thẳng, chặt ở bụi tre ven suối; đoạn dây cước một đầu cột vào cây tre, một đầu cột vào chiếc móc câu.

Cá suối bắt về, chiên, nướng, kho hay nấu canh đềun ngon. Ảnh: An Huỳnh
Cá suối bắt về, chiên, nướng, kho hay nấu canh đều ngon - Ảnh: An Huỳnh

Anh Tư và anh Năm vác đồ nghề đi câu thì lũ chúng tôi cũng vác những chiếc cần câu tự chế sứt sẹo, mang lon trùn con lúp xúp đi theo. Hai anh buông cần chỗ nào, chúng tôi cũng buông cần chỗ đó.

Câu cá cần kiên nhẫn, nhưng đám chúng tôi ngồi chưa được năm phút, đã nhấp nhổm kéo mồi lên kiểm tra, đứa giật giật cần câu của đứa ngồi cạnh. Đứa này chọt đứa kia, tiếng cười giỡn ồn hơn tiếng nước lũ đang ầm ầm đổ từ thượng nguồn về. Kết quả, càng ngồi lâu, càng không có cá. Sau 1001 lần bảo lũ em cùng bạn chúng yên lặng trong vô vọng, hai anh nhất quyết chuyển chỗ đồng thời cấm chúng tôi đi theo.

Ngồi một lúc chán, chúng tôi dùng đá suối, chèn cần câu, để đó, chơi trò khác. Vậy mà, đến khi trời sập tối hay mưa lớn hạt hơn, khi cái xô đựng cá của hai anh đã hòm hòm, bảo chúng tôi dỡ cần đi về thì trong từng ấy cái lưỡi câu, thể nào cũng có 2-3 cái dính cá. Có khi còn to hơn cá của hai anh Tư và anh Năm. Cần đứa nào có cá, đứa đó đều trang trọng gỡ khỏi lưỡi câu, kiếm một dây cỏ ven đường, xâu vào mang cá rồi hãnh diện xách cá về nhà, đưa cho mẹ như đưa báu vật. Rồi vài ngày sau còn khoe khoang với lũ bạn.

Nhìn mưa, tôi tự hỏi, không biết, với sự có mặt của ti vi, internet thì ngày mưa, những đứa trẻ ở quê có được niềm vui đào trùn, móc mồi vào lưỡi câu, có được niềm vui của việc cá cắn mồi hay không.

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI