Mua sừng tê giác để rước độc?

16/04/2015 - 16:28

PNO - PN - “Thuốc tiên” từ sừng tê giác rất được ưa chuộng tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng biết rằng sừng tê giác có nguy cơ trở thành thuốc độc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mua sung te giac de ruoc doc?

Ảnh: Tiến sĩ Lorinda Hern cảnh báo nguy cơ mắc bệnh đối với những người tiêu dùng sừng tê giác - Ảnh: Andrew Parker

Nhu cầu cao về sử dụng bột sừng tê giác tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam đã và đang đẩy loài động vật châu Phi này đến bờ vực tuyệt chủng. Ước tính 85% trong tổng số 25.000 con tê giác châu Phi đang sinh sống ở Nam Phi. Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), năm 2014 có hơn 1.200 con tê giác bị sát hại ở Nam Phi, một năm trước đó là hơn 1.000 con. Trung bình ở Nam Phi cứ mỗi ngày có 3-4 con tê giác bị giết để lấy sừng.

Trong chiến dịch bảo vệ loài động vật này, các chuyên gia của Dự án Giải cứu tê giác đã và đang áp dụng giải pháp tẩm độc vào sừng tê giác. Theo đó những người tiêu dùng sử dụng bột sừng tê giác sẽ bị nhiễm chất kịch độc dẫn đến bệnh tật thậm chí có nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, thuốc độc này không ảnh hưởng đến sức khỏe của con vật.

Giải pháp này được xem là một cuộc đột phá nhằm vô hiệu hóa “thuốc tiên” của nhiều người dân châu Á, từ đó làm giảm sức mua. Dự án Giải cứu tê giác được triển khai ở hơn 25 khu bảo tồn thiên nhiên nhà nước và tư nhân tại Nam Phi.

Song ít người tiêu dùng biết được điều này. Tiến sĩ Lorinda Hern - chuyên ngành Quản lý Chiến lược của Đại học Pretoria (Nam Phi), một trong những nhà đồng sáng lập Dự án Giải cứu tê giác cảnh báo rằng người tiêu dùng có khả năng rước bệnh vào thân nếu tiếp tục sử dụng các bài thuốc từ sừng tê giác.

Tiến sĩ Lorinda Hern cũng nhấn mạnh rằng nhiều người tiêu dùng không biết mình đang bị những kẻ phạm tội lợi dụng, do đó tiến sĩ cũng kêu gọi mọi người dân không nên mạo hiểm sức khỏe của mình và không nên tin bất cứ lời nào từ những kẻ săn trộm và người bán sừng tê giác. “Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên dùng sừng tê giác bởi đây chính là chất độc gây suy hại đến sức khỏe của các bạn”, Lorinda Hern nói.

Cho đến nay, Dự án Giải cứu tê giác đã đạt được những thành quả đáng kể. Một số khu bảo tồn cho biết số vụ săn bắn trộm tại đây đã giảm đi tới con số 0 trong vòng hai năm qua (trước đó mỗi tháng có 9 con bị sát hại). “Những gì chúng tôi mong muốn chính là khuyến khích người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ loài động vật quý hiểm này. Ngày nay, chúng ta đã có điện thoại di động, do đó bạn có thể báo cáo với truyền thông hoặc các cơ quan chức năng nếu có xảy ra bất kỳ trường hợp buôn lậu nào”, Tiến sĩ Lorinda Hern nói.

PHƯƠNG ANH
(Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI