Mùa... sốc nhiệt

07/04/2024 - 06:16

PNO - Thời tiết tại TPHCM bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh và nhà trường cần có biện pháp bảo vệ trẻ khi tham gia các hoạt động ngoài trời để tránh bị sốc nhiệt.

Trẻ cần được đội mũ, bôi kem chống nắng, mặc áo che chắn làn da trước ánh nắng mặt trời - Nguồn ảnh: Internet
Trẻ cần được đội mũ, bôi kem chống nắng, mặc áo che chắn làn da trước ánh nắng mặt trời - Nguồn ảnh: Internet

Phát ban, sốt, khát nước

Chị P.T.C.V. (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết cách đây 2 ngày, con gái chị là bé N.T.N. (12 tuổi) đi học về có biểu hiện nóng sốt, chóng mặt, mệt mỏi. Bé cho biết buổi chiều hôm ấy có tiết thể dục nên cả lớp phải hoạt động ngoài sân, lúc đó trời vẫn còn nắng gắt. Các bé hoạt động khá nhiều ở ngoài trời. Trong giờ thể dục, bé N. rất khát nước, mồ hôi ra nhiều nhưng không dám xin phép vào lớp uống nước vì sợ làm gián đoạn tiết học của cả lớp. Sau tiết thể dục, bé N. có cảm giác xây xẩm, mặt mũi đỏ bừng. Thấy con gái bỏ ăn tối, người nóng ran, mẹ bé đưa con đi khám ở phòng mạch tư gần nhà. Bác sĩ cho biết bé bị say nắng, khuyên về nhà lau nước mát, mặc đồ thoáng và uống thật nhiều nước. Nếu còn sốt cao khó hạ thì phải nhập viện để được kiểm tra và truyền nước. Sau đợt đó, bé N. phải nghỉ học 2 ngày mới hồi phục.

Trường hợp khác là bé T.N.P.A. (8 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM). Cách đây 1 tuần, bé bỗng nổi ban ngứa khắp người. Đang có dịch sởi nên mẹ bé lo lắng, tưởng con bị lây bệnh ở lớp. Nghe nói sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét giác mạc, viêm phổi, viêm não, mẹ bé vội vàng đưa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán, chị mới biết con mình bị phát ban do nhiệt hoặc liên quan kích ứng với hóa chất trong nước hồ bơi. Bé xuất hiện tình trạng này sau buổi đi bơi cuối tuần. Bác sĩ giải thích: vào mùa hè, tiết trời nắng nóng khiến cơ thể điều tiết bằng cách sản xuất nhiều mồ hôi hơn bình thường. Khi tiếp xúc cộng hưởng với khói bụi và nắng có thể gây ngứa ngáy, nổi mẩn. Nếu không xử trí đúng cách khi bị phát ban, bệnh nhân có nguy cơ bị sưng rộp, cào xước gây bội nhiễm.

Liên quan tới các trường hợp bị ảnh hưởng khi hoạt động ngoài trời nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, trường hợp điển hình liên quan tới ảnh hưởng của nắng nóng mà mình ghi nhận là bé trai N.Đ.T. (học sinh tiểu học, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) tới khám do bị sốt, da ửng đỏ. Sau khi kiểm tra, bác sĩ thấy bệnh nhi có biểu hiện khát nước, mạch máu dưới da giãn ra. Đây là cơ chế tự thải nhiệt của cơ thể. Trước đó, bé đi dã ngoại với trường. Bác sĩ đã hướng dẫn mẹ bé về cho con uống nhiều nước, áp dụng chế độ dinh dưỡng bổ sung nhiều rau củ, lau mát để hạ nhiệt cho
cơ thể.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cảnh báo, tuy chưa ghi nhận trường hợp nào nặng tới mức nguy hiểm tính mạng nhưng bắt đầu từ thời điểm này cho tới hè là giai đoạn cao điểm của nắng nóng. Nếu phụ huynh không biết cách bảo vệ con trước tác hại của thời tiết oi bức thì chắc chắn chỉ vài tuần nữa, số ca cấp cứu vì rối loạn điện giải do mất nước sẽ gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vấn đề đối với sức khỏe của trẻ ở thời điểm này là uống không đủ nước và hậu quả của tia cực tím khi tham gia các hoạt động ngoài trời.

Sơ cứu khi trẻ có biểu hiện mất nước vì nắng nóng

Theo bác sĩ Thùy Trang, khi hoạt động lâu ngoài trời dưới thời tiết nắng nóng, trẻ có thể bị say nắng, say nóng, rối loạn điện giải, thậm chí đột quỵ. Biểu hiện nhận biết trẻ bị say nắng, say nóng: thân nhiệt tăng cao trên 40 độ C. Với trẻ say nắng thì thân nhiệt tăng đột ngột khi trẻ hoạt động. Còn khi say nóng, thân nhiệt cũng tăng nhưng từ từ. Ngoài ra, trẻ còn vã mồ hôi nhiều, buồn nôn, chóng mặt, chuột rút; trường hợp nặng hơn sẽ thở nhanh, thậm chí rối loạn tri giác (lơ mơ, lú lẫn, kích động, co giật), tử vong. Cơ chế tác động của nắng nóng khiến trẻ tăng thân nhiệt dẫn đến tình trạng cơ thể vã nhiều mồ hôi làm mất các chất điện giải như natri, kali và llo... Mất natri trầm trọng gây tổn thương tế bào não, suy thận. Cơ thể thiếu kali sẽ bị yếu cơ, nhược cơ… Mất nước trầm trọng làm giảm thể tích tuần hoàn của cơ thể, ảnh hưởng tới các chức năng của cơ thể. Mất nước còn làm cô đặc máu, hình thành huyết khối gây tắc mạch, đột quỵ.

Bác sĩ Thùy Trang đang khám cho một trường hợp bị nổi ban, mẩn ngứa tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ Thùy Trang đang khám cho một trường hợp bị nổi ban, mẩn ngứa tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ẢNH: THANH HUYỀN

Nếu trẻ có biểu hiện nhẹ như khát nước, da đỏ, thân nhiệt tăng thì lập tức đưa trẻ vào nơi có bóng râm, cho uống nhiều nước (nếu trẻ còn uống được); không nên cho trẻ uống nước có chất cafein, nước có gas, có đường vì nguy cơ mất nước càng nặng hơn. Bên cạnh đó, có thể chườm mát ở các vùng nách, bẹn cho trẻ, dùng các biện pháp làm mát khác như quạt hoặc điều hòa. Nếu trẻ không thể tự uống nước, lơ mơ, ngất xỉu, mệt mỏi thì đó là dấu hiệu nguy hiểm, cần lập tức đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương khuyên rằng, khi trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, yếu tố thời tiết vô cùng quan trọng. Sức đề kháng của trẻ còn yếu nên rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Khoảng thời gian hoạt động ngoài trời trẻ em nên tránh là từ 10 - 15g. Trong thời điểm này, nắng nóng ở mức đỉnh điểm, tia cực tím cũng có chỉ số mạnh nhất. Khi tham gia hoạt động ngoài trời, trẻ cần bổ sung nước đầy đủ. Nếu có thể, hãy cho trẻ uống các loại nước chứa chất điện giải. Ở nước ngoài còn có nước biển khô đóng chai - thức uống những người ưa thích hoạt động thể thao ưa chuộng. Trẻ cần được đội mũ, bôi kem chống nắng, mặc áo che chắn làn da trước khi ra nắng. Mất nước không được bổ sung kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Nếu làn da không được che chắn, bảo vệ đúng cách, bé dễ bị phỏng nắng, phát ban vì nhiệt.

Đặc biệt, nhà trường nên sắp xếp lại các tiết học ngoài trời sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết, tránh để trẻ hoạt động lâu dưới ánh nắng mặt trời. Trẻ nhỏ ở độ tuổi tiểu học, đặc biệt cư trú tại các khu vực ngoại thành, là đối tượng dễ có nguy cơ bị ảnh hưởng của nắng nóng nhất. Ở độ tuổi này, trẻ rất hiếu động, hay chạy nhảy, ham chơi, thích dang nắng và thường không uống đủ nước. Lúc được tham gia các hoạt động ngoài trời, trẻ rất hào hứng, say mê tới mức mệt vẫn ráng sức thay vì dừng lại. Bởi vậy, khi cho trẻ đi tham quan, dã ngoại, phụ huynh cần chú ý các biểu hiện sức khỏe bất thường ở trẻ do tác động của nắng nóng, từ đó xử trí kịp thời, tránh để diễn tiến gây hậu quả nghiêm trọng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo rằng tình trạng nắng nóng ở khu vực Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Tình trạng này có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI