PNO - Nhiều phụ nữ vùng cao vẫn lặn lội vào rừng tìm măng về bán cho thương lái dù công việc này vô cùng vất vả, thu nhập lại không cao. Với nhiều người, đây là nguồn thu nhập chính của họ.
Trưa một ngày trung tuần tháng 8, bà Lô Thị Cúc (56 tuổi, trú xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cùng con gái mang một gùi măng từ bìa rừng ra, đi thẳng đến địa điểm thương lái đã chờ sẵn để bán. “Trừ gùi còn 15kg. Của bà được 150.000 đồng nhé” - người thu mua nói rồi đưa tiền cho mẹ con bà Cúc.
Bà Cúc cho biết, hai mẹ con bà vất vả đi hái măng suốt cả buổi sáng trong rừng. Cứ vào mùa măng nứa, măng mét (tháng 7 đến tháng 9), mẹ con bà lại vào rừng hái măng. Năm nay thời tiết không thuận lợi, nắng nhiều nên măng ít hơn mọi năm, thu nhập vì thế cũng không nhiều. Song với mẹ con bà Cúc, đây là nguồn thu nhập chính trong thời điểm này.
Chị Lữ Thị Minh (trú xã Hạnh Dịch) cho hay, măng sau khi thu hoạch được thương lái về tận bản thu mua với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Nếu may mắn, một ngày chị hái được 13 - 15kg măng, kiếm được 130.000 - 150.000 đồng.
Theo chị Minh, công việc hái măng rất vất vả. Riêng việc cõng cả gùi măng về đến tận nhà là cả một quá trình dài với biết bao công sức. Vào những ngày trời mưa, đường trơn trượt thì càng vất vả bội phần.
Với phần lớn chị em ở cụm Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), mùa này, nghề hái măng rừng đang là công việc đem lại thu nhập chính cho họ. Măng rừng được xem như thứ lộc của trời, giúp những người con núi rừng qua cơn đói.
Chị La Thị Mơ (44 tuổi) cho biết, chị thường vào rừng từ lúc còn sáng sớm để lấy măng, đến quá giờ trưa mới về. Công cụ mang theo mỗi chuyến bẻ măng của phụ nữ người Đan Lai ở cụm bản Khe Nóng chỉ có vài vật dụng thô sơ như gùi, rựa, bao, ủng và vài nắm cơm.
Sau khi hái, bóc bỏ vỏ măng để đưa về nhà.
Một số gia đình ở Khe Nóng luộc măng để làm măng khô. Măng nứa sau khi phơi khô được thương lái thu mua với giá 150.000 - 180.000 đồng/kg.
Ngoài làm măng khô để bán hoặc dự trữ cho mùa mưa, nhiều chị em tranh thủ làm măng muối để bán. Chị Nguyễn Thị Bé (trú xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, để làm măng muối, trước hết thái măng mỏng, ngâm nước sạch 1 đêm để loại bỏ chất đắng trong măng.
Sau đó, măng được bỏ vào các hũ nhỏ kèm một loại nước đặc biệt được làm từ ớt, tỏi...