Mua sắm tết tăng... đẩy CPI tháng 1/2025 tăng gần 1%

06/02/2025 - 14:50

PNO - Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 6/2 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 3,63% so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chỉ số CPI tháng 1 tăng là do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng (do nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ)...

Báo cáo cũng cho thấy, trong mức tăng 0,98% của CPI tháng 1/2025 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng cao đẩy CPI tháng 1/2025 tăng
Nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng cao đẩy CPI tháng 1/2025 tăng

Trong 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 9,47% so với tháng trước. Tiếp đến là nhóm giao thông tăng 0,95%. Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%, trong đó lương thực tăng 0,3%; thực phẩm tăng 0,97%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,33%.

Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,69% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp tết Nguyên đán khiến giá rượu bia tăng 0,8%; thuốc hút tăng 0,7%; đồ uống không cồn tăng 0,36%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%, chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng: Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, đồ trang sức, dịch vụ về cưới hỏi, vật dụng thờ…

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 1/2025 tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê nhận định, lạm phát cơ bản tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,63%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI