Mua sắm cho ai?

09/12/2015 - 09:33

PNO - Tôi 36 tuổi, mới lập gia đình với một người từng ly hôn. Con gái riêng của anh 14 tuổi, tâm tính rất khó gần, đang ở với vợ chồng tôi...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi 36 tuổi, mới lập gia đình với một người từng ly hôn. Con gái riêng của anh 14 tuổi, tâm tính rất khó gần, đang ở với vợ chồng tôi. Tôi lập gia đình muộn nên muốn giữ gìn hạnh phúc, cố gắng không để xảy ra chuyện xào xáo trong nhà, nhưng tôi làm gì cũng gặp phải phản ứng tiêu cực của cháu.

Tôi mua áo quần cho cháu thì cháu vứt vào thùng rác trong bếp, còn đổ đồ ăn thừa và rác lên cho dơ bẩn, cố tình để tôi thấy. Tôi mua đồ gì cho ba cháu là cháu phá ngay cho hư, đem giấu đi mất, hoặc chê bai này nọ.

Việc làm tôi uất ức nhất là hôm sinh nhật chồng, tôi mua cho anh cái áo sơmi rất đẹp và đắt tiền, gói quà cẩn thận, vậy mà không hiểu sao khi mở gói quà ra thì chiếc áo đã bị ai dùng kéo cắt nát. Tôi quá giận, đã tát cháu một cái. Đó chỉ là cái tát bình thường, nhưng cháu khóc la ầm ĩ làm như ghê gớm lắm, nằm luôn mấy ngày không chịu ăn uống.

Chồng tôi buồn từ hôm sinh nhật, cứ bảo tôi phải xin lỗi cháu, phải đưa cháu đi bệnh viện xem có bị gì không. Tôi làm sao xây dựng hạnh phúc gia đình khi cháu luôn tỏ thái độ thù địch như vậy?

Nhị Bình (TP.HCM)

Mua sam cho ai?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Chị Nhị Bình thân mến,

Trẻ đang tuổi dậy thì thường có những biểu hiện tâm lý bất thường, ngay cả những đứa trẻ ngoan nhất cũng trở nên khó chịu, huống gì một đứa trẻ đã không có mẹ, ba lại vừa cưới vợ mới. Nói vậy để chị hiểu, giai đoạn khó khăn này có thể xảy ra ngay cả với con đẻ của mình, không nên cho rằng tất cả những phản ứng tiêu cực của cháu đều nhằm vào việc chia rẽ vợ chồng chị.

Giải pháp nào cho tình trạng này cũng khó trọn vẹn đôi đường, mình phải chọn cái nào là trọng, cái nào là nhẹ. Với chị bây giờ hạnh phúc gia đình là quan trọng, còn tình cảm của cháu với mẹ kế có thể sẽ cần thêm thời gian mới cải thiện được.

Chị đừng cố gắng “lấy lòng” con bé, vì trẻ con rất nhạy cảm, ai muốn mua chuộc chúng bằng cái này cái kia chúng đều nhận ra và có thể phản ứng tiêu cực. Chị không cần trực tiếp mua gì cho cháu, những gì cần chị bảo ba cháu mua, hoặc mua nhưng để ba cháu đưa cho cháu.

Chắc chắn cháu sẽ thay đổi thái độ đối với những món đồ ba mua cho mình. Chuyện mua sắm cho chồng chị cũng nên làm tế nhị kín đáo hơn, không cần phải bày tỏ sự quan tâm chăm sóc chồng nhiều quá trước mặt cô con gái riêng “xấu tính” này. Dần dần, cháu sẽ nhận ra khi vứt đồ vào thùng rác, người thiệt nhất vẫn là chính cháu mà thôi.

Không chỉ giảm chăm lo cho con bé, chị cứ “lơ” cháu một thời gian. Chị còn có hạnh phúc riêng, còn sinh con, chăm sóc bản thân, lo chuyện nhà cửa, những bận rộn này sẽ giúp chị khuây khỏa, không cần quá tập trung vào mối quan hệ mẹ kế con chồng.

Mặt khác, chị nên nói chuyện để chồng hiểu rõ hết những phản ứng tiêu cực của cháu, đề nghị anh thay mình chăm sóc cháu khi nó chưa muốn chia sẻ cùng chị. Anh có thể dỗ dành cháu chịu ăn, có thể đưa cháu đi bệnh viện nếu thấy cần, anh ấy có thể xin lỗi con thay chị…

Chồng chị phải chủ động làm nhịp cầu nối hai mẹ con, chứ không phải thụ động ngồi yên, trở thành cái cớ để hai người đàn bà tranh giành.

Bạn đồng hành của chị là thời gian. Mỗi người đều cần thời gian để trưởng thành. Qua cái tuổi ương bướng, cháu có thể sẽ khác. Mong chị kiên nhẫn hơn và chúc chị vui với hạnh phúc của mình.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI