Mua sắm Black Friday: Đừng để ăn dưa bở!

23/11/2018 - 15:19

PNO - Black Friday đang khiến cả thế giới chộn rộn mua sắm, người người háo hức mong săn được được nhiều món hàng chất lượng với giá hời. Nhưng, bẫy giá ảo cũng giăng khắp nơi chờ đợi người mua hàng sập bẫy….

Ti tỉ hàng giảm giá khắp nơi

Khi nói đến hàng hóa chất lượng, người Việt thường thích hàng Mỹ, Nhật, Đức... Vào dịp Black Friday, các trang thương mại điện tử, những nơi mua sắm tại các quốc gia này đều giảm giá kịch liệt. Tuy nhiên, sự giảm giá có đúng như vậy không?

Đúng là có giảm giá nhưng bạn sẽ thấy rằng không phải hàng hoá nào cũng giảm 50% - 70%. Rất nhiều món hàng hot, sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng chẳng bao giờ giảm giá. Nếu nhìn vô trang mua sắm Macys nổi tiếng của Mỹ, bạn sẽ thấy website này tung ra nhiều sản phẩm đặc biệt với giá rẻ cho dịp này. Còn với các sản phẩm khác, mức giá có giảm nhưng không đáng như bạn mong chờ.

Mua sam Black Friday: Dung de an dua bo!
Vào dịp Black Friday, nếu bạn biết cách mua sắm sao cho có lợi, hãy "săn sale"

Vậy bạn có nên mua? Nếu bạn biết cách mua sắm sao cho có lợi, hãy "săn sale". Tức là bạn có người mua hộ, nhận hộ ở Mỹ, có phương án chuyển hàng về Việt Nam với mức phí chấp nhận được, bạn hãy mua.

Như chị Thu Thuỷ, ngụ tại Q. 3, TP. HCM kể lại: "Mọi năm, thấy tụi bạn mua được đồ rẻ từ Macys và nhiều website khác như Target, mình thích quá cũng lần mò tìm sản phẩm. Nghe cô bạn bên Mỹ nói IP từ Việt Nam bị chặn vào các website bên Mỹ vì họ đề phòng các tội phạm công nghệ từ Việt Nam nên phải cài thêm mạng riêng ảo (VPN). Tôi nghe vậy mấy ngày trước cũng lần mò tìm ứng dụng VPN để cài vào điện thoại. Thấy ứng dụng bảo cho sử dụng thử vài ngày. Tôi cứ thế cài và chọn các sản phẩm như ý. Bẵng đi vài ngày, tôi thấy tin nhắn trừ tiền gần 300.000 đồng. Mà lúc đó đêm khuya nên kệ, nghĩ ai mà hack làm gì chỉ 300.000 đồng. Sáng hôm sau gọi điện tới ngân hàng, tôi mới biết là ứng dụng cài VPN trừ tiền."

Còn như trường hợp chị Quốc An, Q. 9, cũng mua các sản phẩm từ eBay và gửi về Việt Nam. Chị cho biết mình nghe nói ghi giá dưới 1 triệu đồng sẽ được giảm thuế nên chị khai hàng dưới một triệu đồng. Không ngờ thủ tục nhập ở hải quan không hề đơn giản khiến chị phải giải quyết mệt bở hơi tai.

“Hải quan kiểm hàng mỗi ngày và họ đoán giá khá chuẩn. Vì vậy, tôi phải gửi tên hàng, mã hàng và chứng từ hoá đơn rằng mua lại sản phẩm, hàng sale với mức giá rẻ thì mới được thông quan. Tôi chỉ mua chiếc nồi chiên không dầu nhưng kinh nghiệm chạy đi, chạy lại lo giấy tờ để thông quan sản phẩm khiến tôi mệt mỏi, chừa tới già...”, chị An kể.

Rõ ràng, chuyện mua hàng từ các website nước ngoài chưa bao giờ là đơn giản nếu bạn không thông thạo cách thức và đường đi nước bước. Việc đóng thuế cho nước sở tại, chi phí vận chuyển, đóng thuế cho hải quan tại Việt Nam... đôi khi còn khiến sản phẩm có mức giá cao hơn hẳn mua tại Việt Nam. Cái bạn "được" chỉ là biết đúng xuất xứ hàng hoá mà thôi. Vì vậy, hãy cân nhắc trước khi "nhấp chuột" rồi "check out" dịp Black Friday.

Đâu đâu cũng có… bẫy

Black Friday không chỉ có ở Mỹ mà diễn ra rất nhiều nơi – trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, các trung tâm mua sắm, các website thương mại điện tử cũng vô cùng náo nhiệt cho ngày Black Friday. Dù vậy, công thức chung là hàng tốt, hàng hot, giá giảm sâu thì chẳng bao giờ có.

Mua sam Black Friday: Dung de an dua bo!
Giá kệ chữ A chị Hường mua trên một trang bán hàng, không khuyến mại là 349,000 đồng

Các sản phẩm giảm giá trên 50% luôn là các sản phẩm bình thường, gần hết hạn, lạc xu hướng... Chẳng hạn như một website bán đồ trang trí nội thất quảng cáo bằng cách gửi tin nhắn Facebook về chương trình giảm giá lên đến 50%, nhưng các sản phẩm đẹp thì chỉ giảm từ 5% đến 10%.

Chị Quỳnh Tiên, ngụ tại Vũng Tàu, một mẹ bỉm sữa kể: "Tôi thấy dịp Black Friday các website giảm giá quá nhiều, mình tranh thủ mua tã sữa cho con. Hãng tã khá nổi tiếng bán trên trang Lazada quảng cáo “mua hai tặng một”. Một phút "tay nhanh hơn não", tôi chọn mua hai bịch tã quần để được tặng một và thanh toán ngay.

Khi thanh toán xong thì mới hay 920.000 đồng cho hai bịch tã nhưng sản phẩm tặng là một…. gói khăn ướt. Kể ra lần mua này bị hố rồi. Bình thường mình mua hai bịch tã chưa đến 800.000 đồng. Giờ Black Friday, mua hai tặng một mà giá còn cao hơn bình thường".

Một chiêu trò thường thấy khác trong mùa khuyến mại tập trung là chiêu giá ảo. Nhiều cửa hàng trước khuyến mại đã “lặng lẽ” thay giá mới, cao hơn bình thường để đến ngày đưa ra giá giảm sốc gọi là khuyến mại. Khách hàng không nắm giá sẽ “hí hửng” tưởng mua được hàng giá hời mà không ngờ thực ra họ vẫn đang chi trả cho món hàng bằng đúng giá ngày thường, hoặc nếu có giảm cũng chỉ giảm… chút đỉnh cho vui.

Mua sam Black Friday: Dung de an dua bo!
Cũng kệ chữ A cùng thương hiệu, mẫu mã bày bán trên Tiki sau khi đã giảm 35% giá vẫn cao hơn cửa hàng khác 10.000 đồng

Trên các trang thương mại điện tử, tình trạng giá nâng lên để hạ xuống gọi là khuyến mại diễn ra rất phổ biến. Mới đây, chị Thu Hường, ngụ quận 2, TP.HCM mua một kệ đồ chơi có nhạc dành cho em bé trên trang shoptretho với giá 349.000 đồng, không đi kèm khuyến mại.

Vài ngày sau, nhân Ngày độc thân (11/11) nhiều nơi bán hàng giảm giá, chị Hường lướt web xem hàng thì phát hiện trên trang Tiki có đăng bán chiếc kệ đồ chơi y mẫu kệ chị đã mua nhưng với giá 359.000 đồng. 

Điều đáng nói là sản phẩm này đã được cửa hàng đưa thông tin bán giảm giá đến 35% so với thị trường, mà mức giá thị trường do trang này cung cấp đến 550.000 đồng.

"Tôi mua ở cửa hàng kia có giảm giá gì đâu mà chỉ 349.000 đồng, trong khi gian hàng trên Tiki quảng cáo đã giảm đến 35% mà giá còn 359.000 đồng, cao hơn cả nơi tôi mua. Tôi đã kiểm tra thông tin sản phẩm cả hai nơi bán, đều y chang nhau, chỉ khác giá", chị Hường nói.

Từ thực tế nhiều người “dính” khuyến mại ảo dịp Black Friday, lưu ý người dùng cần phải so sánh giá cả cẩn thận giữa các cửa hàng trước khi quyết định móc ví trả tiền. Bởi vì xưa nay chỉ có người mua lầm chớ người bán nào có lầm bao giờ.

Dữ liệu của Google chỉ ra được rằng sự quan tâm của người người dùng internet đến sự kiện này tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Mỗi năm doanh thu bán hàng đều tạo nên một kỳ tích mới ở mỗi quốc gia.

Ở các cửa hàng tại Việt Nam thì sự kiện Black Friday bắt đầu thu hút người tiêu dùng từ năm 2013 và sự kiện này càng ngày càng phát triển sau 5 năm. Dựa theo số liệu khảo sát thì 5 trên 10 người Việt sẽ tham gia vào sự kiện khuyến mại Black Friday 2018 (tăng 16% so với năm ngoái).

Người tiêu dùng lựa chọn cách mua sắm tại các cửa hàng online cũng như ở các cửa hàng bình thường (36%), khoảng 27% người tiêu dùng sẽ chỉ tìm khuyến mại tại các cửa hàng online và 36% người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua hàng tại cửa hàng bình thường.

Bảo Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI