Mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, sao cho hiệu quả?

04/10/2022 - 08:38

PNO - Mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, nhất là học sinh vùng cao là việc làm rất ý nghĩa và thiết thực. Nhưng nên thực hiện như thế nào để tránh lãng phí?

 

Cho học sinh nghèo mượn sách là chủ trương được nhiều người ủng hộ - Ảnh: Hoàng Lan
Cho học sinh nghèo mượn sách là chủ trương được nhiều người ủng hộ - Ảnh: Hoàng Lan

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết phương án trích ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học đã được Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Tài chính, sau khi thống nhất sẽ trình Chính phủ xem xét. 

Theo đó, sẽ đầu tư một lần 3.500 tỉ đồng để đáp ứng khoảng 70% nhu cầu về sách giáo khoa của học sinh cả nước. Sau đó, mỗi năm sẽ bổ sung khoảng 20%.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm, do không kịp thực hiện trong năm học này nên sẽ cố gắng để triển khai từ năm học 2023-2024.

Trước chủ trương trích ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh, thầy Hoàng Phúc Gọn - giáo viên dạy lớp 3 Trường tiểu học Đàm Thủy (huyện Trung Khánh, tỉnh Cao Bằng) rất vui mừng. Bởi, lớp của thầy có 13 học sinh, thì 5 em thuộc diện nghèo, 3 em cận nghèo, 1 em khuyết tật.

“Tôi cho rằng việc mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, nhất là học sinh vùng cao và ở gia đình có 2 con đang tuổi đến trường là việc làm rất ý nghĩa, thiết thực. Học sinh lớp tôi chủ yếu là người Tày, Nùng, phụ huynh đa số làm nông, đi bán củi thì mua sách giáo khoa vài trăm ngàn đồng/bộ không phải điều đơn giản, huống chi là gia đình có 2 con ở tuổi đi học”, thầy Gọn nói. 

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) - cũng đồng quan điểm trên; đồng thời thầy đề xuất: "Việc sử dụng sao cho phù hợp, không lãng phí kinh phí là vấn đề cần quan tâm".

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, những gia đình có điều kiện, việc bỏ tiền mua bộ sách giáo khoa cho con là điều dễ dàng nên họ thường không có nhu cầu mượn sách. Trong khi đó, với những phụ huynh có kinh tế gia đình khó khăn, việc mua một bộ sách cũng gây áp lực cho họ. "Vì thế, không nên áp dụng một giải pháp đồng loạt để tránh lãng phí", thầy Phú nói.

Ở một diễn biến khác, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - cho rằng, địa phương nào cũng có người có điều kiện khá giả, người có thu nhập trung bình và người nghèo.

“Vì thế, theo tôi không nên áp dụng một giải pháp "cào bằng". Ngân sách có thể dùng mua sách giáo khoa cung cấp vào thư viện các nhà trường đáp ứng nhu cầu mượn sách của một bộ phận người nghèo không có tiền mua sách.

Ngoài ra, các địa phương, nhà trường cũng cần chủ động có các hình thức quyên góp, vận động khác để có sách trong thư viện, đa dạng loại sách cho học sinh.

Nên khuyến khích có thêm các bộ sách giá rẻ hơn phù hợp với túi tiền của người có thu nhập thấp. Ngân sách nhà nước có thể mua các bộ sách giá rẻ hơn đưa vào thư viện", thầy Khang chia sẻ.

Cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) - cũng cho rằng, phương án trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa chỉ nên áp dụng cho vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn, còn những nơi như thành phố, trường học thuận lợi, việc này không cần thiết.

“Thực tế, ở vùng thuận lợi vẫn có học sinh khó khăn, tuy nhiên đa số cha mẹ cũng mong muốn được mua cho con bộ sách mới để tới trường. Thư viện nhà trường cũng không thể chứa cùng lúc 3.000 - 4.000 bộ sách”, cô Tô Thị Hải Yến nói.

Hoàng Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI