|
Múa rồng phổ biến ở tất cả những lễ hội, ngày kỷ niệm... ở nhiều tỉnh thành phía Bắc - Ảnh Internet |
Là một trong bốn loài linh vật: long (rồng), lân, quy (rùa) và phụng (phượng), rồng là linh vật tượng trưng cho sự cao quý và uy quyền của bậc vua chúa, gắn liền với các truyền thuyết của văn hóa Việt Nam.
Trong tất cả các truyền thuyết đó, rồng là hình ảnh cội nguồn của dân tộc, là niềm tự hào Con Rồng cháu Tiên với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Không chỉ có vậy, rồng còn là hình ảnh mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống no cơm, ấm áo cho nhân dân.
Từ hình ảnh linh vật rồng trong dân gian, cha ông ta tìm tòi phát triển thành nghệ thuật múa rồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Nhiều nghiên cứu cho thấy múa rồng có từ thế kỷ thứ X, vào thời Lý. Múa rồng phổ biến khắp đồng bằng sông Hồng, trong các lễ hội mùa xuân.
Theo các nghiên cứu về văn hoá dân gian Việt Nam, hiện nay có hơn 30 điệu múa rồng, tiêu biểu có thể kể như: Bàn long, Thủy ba, Phong đằng, Phong chuyển, Phi long, Chồng tháp, Dao bãi, Thanh long xuất trận, Long quá vũ môn, Hoàng long chúc phúc, Kim long xuất động, Hồng long đảo thủy, Uyên ương dạ quang long, Dạ quang long (con Rồng cháu Tiên)...
|
Bí quyết của múa rồng là sự đồng đều, tính tập thể rất thống nhất cao - Ảnh Internet |
Múa lân sư chỉ cần 2 người, nhưng múa rồng phải có ít nhất 6 người, trung bình 15-20 người, thậm chí 30 người, cùng điều khiển để con rồng phô diễn thần oai. Múa rồng đòi hỏi người múa luyện tập rất công phu mới có thể phối hợp nhịp nhàng khi rồng uốn lượn, rồng phóng tới, rồng đảo lại... Bí quyết của múa rồng là sự đồng đều, tính tập thể thống nhất cao. Các động tác múa rồng dù đơn giản hay phức tạp cũng đều đòi hỏi tất cả thành viên phải có đầy đủ thể lực, kỹ năng và trên hết là tính kỷ luật. Nếu múa loạn nhịp thì sẽ làm mất đi cái hồn, cái uy dũng, thần sắc của rồng. Nghệ thuật múa rồng ngoài sự dẻo dai mang tính nghệ thuật, còn đòi hỏi người tham gia có sức khỏe tốt, đặc biệt là người điều khiển đầu rồng và đuôi rồng.
Trong nghệ thuật múa rồng thì kỹ năng thôi là chưa đủ, mà khâu tạo hình rồng cũng quan trọng không kém, góp phần tạo nên một tiết mục biểu diễn múa rồng đẹp, hoàn hảo. Người làm rồng phải biết tạo hình khéo léo, biết tạo ra các điểm nhấn rõ nét để vừa mang lại hình ảnh sinh động, uyển chuyển, vừa oai nghiêm khi biểu diễn. Những nghệ nhân tạo hình giàu kinh nghiệm còn có thể chế tạo phần đầu rồng nhẹ hơn bằng các nguyên liệu thay thế, giúp người biểu diễn thực hiện các động tác dễ dàng, rồng múa lượn cũng sẽ thanh thoát và uyển chuyển hơn.
Mỗi màu sắc của rồng mang ý nghĩa riêng. Theo quan niệm xưa, rồng có thân màu đỏ sẽ đem lại sức mạnh, sự may mắn cho tất cả người xem múa rồng. Rồng có thân màu vàng và màu bạc mang lại lộc vàng, sự sung túc cho gia chủ. Rồng có thân màu xanh da trời sẽ mang lại sức mạnh cho sự hoà bình, thanh bình, an lạc.
|
Múa rồng đã và đang trở thành một điểm nhấn ấn tượng trong việc gắn hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật ngoài trời với phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội - Ảnh Internet |
Ở Hà Nội, múa rồng đặc biệt phát triển mạnh ở Sơn Tây, làng Triều Khúc, Thanh Trì, Ngọc Hồi, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Từ Liêm… Nhiều làng vào dịp hội hè, lễ tết còn tổ chức thi múa rồng với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… nhằm tạo cho không khí cho lễ hội và gửi gắm cả ước mong mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà…
Ngày nay, không chỉ xuất hiện rộn ràng trong những dịp hội hè, lễ tết, múa rồng đã và đang trở thành một điểm nhấn trong việc gắn hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật ngoài trời với phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội. Từ nhiều năm nay, Hà Nội và một số huyện ngoại thành đã tổ chức các liên hoan, hội thi múa rồng hàng năm. Mỗi hội thi thu hút hàng chục đội múa rồng tham gia.
Múa rồng rắn Một hình thức dân gian độc đáo khác là múa rồng rắn (hay còn gọi là Lộn tồng vồng) được tổ chức vào ngày giã đám của lễ hội đình làng Tiểu Than (xã Vạn Ninh, Gia Bình) nhằm diễn lại sự tích tướng quân Cao Lỗ Vương hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc Triệu Đà. Người cao tuổi ở làng Tiểu Than kể rằng, múa rồng rắn nhằm diễn lại sự tích bà Đỗ Thị (mẹ của Cao Lỗ Vương) mơ thấy rồng rắn quấn quanh giường, sau đó bà mang thai và sinh ra Cao Lỗ. Đoàn rồng rắn chỉ có nam thanh niên của làng tham gia, được hóa trang với những bộ quần áo đỏ vàng sặc sỡ, đầu quấn khăn, thắt bao lưng ngang bụng. Người sau nắm lấy dây lưng của người trước tạo thành một hàng dài, người đứng đầu tiên đội đầu Rồng, người cuối cùng thì đeo đuôi Rắn. Đoàn rồng rắn kéo nhau lượn ngoằn ngoèo từ ngoài vào trong Tiền tế, lượn quanh đình 3 vòng rồi kéo ra sân và lên đê. Múa rồng rắn đòi hỏi những người tham gia phải khỏe, dẻo dai và không được rời nhau trong khi múa. Người nọ cầm dây lưng của người kia, vừa đi vừa kéo tạo thành những đoạn thân rồng rắn uốn lượn, vui nhộn, mang đến tiếng cười sảng khoái cho nhân dân. Cùng với Múa bông, đuổi bệt (đuổi hổ), múa rồng rắn được truyền giữ qua hàng ngàn năm. Những trò diễn đặc sắc này vẫn được các thế hệ người dân làng Tiểu Than gìn giữ đến ngày nay, trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo, ý nghĩa trong đời sống tinh thần người dân làng Tiểu Than. |
Thảo Nguyên