Mua rau, được khuyến mãi… rác

25/05/2018 - 11:15

PNO - Nhiều bà nội trợ rất bực bội khi mua rau củ về, phần nhặt bỏ nhiều hơn cả phần đem chế biến, chẳng khác nào phải trả tiền để mua… rác.

Phần bỏ đi chiếm gần phần nửa

Cà rốt, bông cải, mồng tơi, rau muống… và nhiều loại rau củ quả khác được rất nhiều người tham gia diễn đàn về nông sản tại TP.HCM mới đây “điểm mặt chỉ tên” về việc có khuyến mãi rác.

“Một bông cải (súp lơ) nặng nửa kg mua ở chợ về, cắt phần bông để chế biến, đưa lên cân thử chưa đầy ba lạng, còn hơn hai lạng là cuống, phải cắt bỏ. Người bán nói rằng, họ mua về sao, bán ra như vậy; nếu cắt bỏ cuống, họ sẽ không còn lời. Họ còn cho rằng, phần cuống cũng có thể gọt bỏ lớp ngoài cùng, ăn được” - chị Nguyệt Hằng, ngụ tại đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, phàn nàn. 

Mua rau, duoc khuyen mai… rac
Nhiều loại nông sản khi đến tay người tiêu dùng, vẫn còn y nguyên gốc, rễ, cuống, lá già.

Chị Hằng cho biết, ở nước ngoài, hầu hết rau củ quả khi bày bán đã được sơ chế, cắt bỏ những phần không thể nấu nướng như rễ, lá, cuống… từ nơi thu hoạch, người mua chỉ cần rửa lại và chế biến.

Còn ở Việt Nam, tại các chợ, thậm chí siêu thị, củ thì còn nguyên lá, rau ăn lá thì còn nguyên gốc, rễ, lá úa… và người tiêu dùng vẫn phải trả tiền cho những phần bỏ đi này.

Đồng quan điểm, bà Nhung - trú tại Q.10, TP.HCM - cho biết, bà được tiểu thương ở chợ chỉ cho cách phân biệt cà rốt Đà Lạt, Hà Nội với cà rốt Trung Quốc: được giữ nguyên phần cuống lá dù nhiều củ, phần lá đã dập nát.

Tương tự, bông cải Trung Quốc cũng chỉ có phần bông, được bọc trong lớp túi xốp tránh dập nát, hoàn toàn không có cuống dài cả gang tay hay lá nặng hơn cả phần bông. Nhiều loại nông sản khác của Việt Nam, khi bày bán, vẫn còn nguyên cả bùn đất.

“Hàng Trung Quốc, Thái Lan được sơ chế sạch sẽ hơn, bắt mắt hơn nhưng giá luôn thấp hơn hàng trong nước. Đó là lý do khiến những người có thu nhập lựa chọn nguồn hàng này, dù cũng có lo ngại về chất lượng” - bà Nhung nói. 

Một người tham gia diễn đàn trên nêu ý kiến: “Không thể hiểu tại sao người ta chỉ có thể ăn phần củ của cà rốt mà lại phải mua luôn cả phần cuống lá về chỉ để vứt đi, vừa tốn thêm tiền, vừa tốn thêm công lặt bỏ, lại làm tăng lượng rác thải ra môi trường”.

Hầu hết các loại nông sản đến tay người tiêu dùng đã trải qua ít nhất ba, bốn khâu thu mua, sơ chế. Đầu tiên là nông dân sơ chế khi thu hoạch, sau đó là đầu mối thu mua, đưa về điểm tập kết sơ chế rồi đưa về TP.HCM.

Tại các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm của TP.HCM, những loại nông sản này cũng được sơ chế trước khi về đến chợ lẻ và đến tay người tiêu dùng. Nhưng trên thị trường, những phần thừa thãi, vô dụng vẫn được “đính kèm” nông sản. 

Rất nhiều người tiêu dùng bày tỏ, họ sẵn sàng bỏ chi phí nhiều hơn để mua những sản phẩm rau củ quả được sơ chế sạch sẽ, đóng gói cẩn thận. Bằng chứng là số người tìm đến các cửa hàng rau củ được sơ chế đàng hoàng, đóng gói cẩn thận ngày một nhiều hơn. 

Chở rác về thành phố

Các loại nông sản, rau củ quả về TP.HCM tập trung chủ yếu tại ba chợ đầu mối, trong đó lớn nhất là chợ đầu mối Thủ Đức (trên 2.000 tấn/đêm), chợ Hóc Môn (trên 1.000 tấn/đêm) và Bình Điền. Tại khu vực tập kết rác của những khu chợ này, sau mỗi phiên giao dịch, lá, rễ, thân của rau củ quả các loại chất cao như núi. 

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, thành phố có thể giảm được hàng trăm tấn rác thải mỗi ngày nếu nông sản được sơ chế ngay tại nguồn. Ban cũng thấy rõ thực trạng này và đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương như Lâm Đồng, Long An để có được nguồn nông sản, thực phẩm chất lượng, đã qua sơ chế, bao gói cẩn thận. 

Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết, trung bình mỗi ngày, lượng rác từ rau củ tại chợ này khoảng 50-60 tấn, ban quản lý chợ phải chi tiền tỷ mỗi năm để thuê đơn vị vệ sinh môi trường xử lý nguồn rác này.

Đây là nguồn chi phí không đáng có vì lẽ ra, những phụ phẩm này đã trở thành phân hữu cơ ngay tại ruộng cho nông dân, những chuyến xe chở nông sản về TP.HCM và những địa phương khác có thể chở được lượng hàng nhiều hơn, tiết kiệm được chi phí vận chuyển, thành phố cũng không phải chịu thêm áp lực về rác thải.  

Nguyên nhân khiến nông sản luôn được “đính kèm” rác là do tiểu thương luôn tính phần này là tỷ lệ hao hụt, dập nát khi vận chuyển. Qua mỗi tầng nấc, lớp ngoài của nhiều loại nông sản luôn được lột bỏ để bắt mắt hơn.

Thêm vào đó, còn có nguyên nhân người bán muốn ăn gian trọng lượng. Cách nghĩ và làm này đang khiến nông sản trong nước giảm sức cạnh tranh. Có thể thấy, nông sản tươi nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan luôn được loại bỏ gần như toàn bộ phần thừa và được bao gói cẩn thận, nhờ vậy mà giảm thiểu được hư hỏng, lại vận chuyển được nhiều hơn nên tiết kiệm đáng kể chi phí, hạ được giá thành và giá bán. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI