Ngày 17/10/2017, anh Phạm Kim Tuấn (ở H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM trong tình trạng mắt mờ, yếu chi vì bị rắn chàm quạp cắn khi cạo mủ cao su. Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Kiều (ở H.Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) cũng nhập viện với bàn tay phải sưng tấy vì bị rắn cắn lúc nhổ đậu phộng.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi năm nơi đây tiếp nhận từ 750 đến trên 1.000 ca bị rắn cắn, cao điểm là mùa mưa lụt.
Rắn tấn công từ vườn đến nhà
Dù đã nhập viện một tháng nay, nhưng chị Phan Thị Thanh Thúy, 46 tuổi (ở xã Đồng Tâm, H.Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) vẫn bàng hoàng khi kể lại: “Khoảng 10g30 sáng 24/9, tôi đang ngồi ở sàn nước gọt trái cây, bỗng thấy chân phải đau điếng như có dao đâm.
Theo phản xạ, tôi lấy tay chụp xuống chân, nào ngờ nắm trọn đầu một con rắn hổ mèo to bằng cườm tay. Hoảng loạn, tôi la hét, kéo nó quăng mạnh ra xa. Gia đình đưa tôi vô bệnh viện (BV) tỉnh Bình Phước, sau đó, nơi đây chuyển xuống BV Chợ Rẫy.
Trên đường đi, tôi nghĩ mình không sống được vì người tê rần, chân như bị liệt, còn họng thì khô khốc, khó thở. Tới BV, tôi đã bị hôn mê. Hai ngày sau tôi tỉnh dậy, bàn chân đã bị hoại tử đen bầm, nay thì lan dần lên gối. Tôi thấy mình còn may mắn, vì lúc tỉnh lại thấy một bệnh nhân ở Đồng Tháp tử vong cũng do rắn cắn”.
|
Những vết thương sưng tấy, hoại tử do bị rắn cắn |
Hiện, số lượng bệnh nhân đang nằm điều trị do rắn cắn tại Khoa Nhiệt đới lên đến gần chục người. Chị Nguyệt, ở Tây Ninh, bị rắn cắn khi ra vườn đào củ nghệ. Bà Ánh, ở Đồng Nai, bị rắn cắn khi ra vườn cắt tàu lá chuối.
Ông Sáu, ở Q.9, TP.HCM, ra thăm chiếc máy nổ ở ngoài đê thì bị rắn lục đuôi đỏ mổ vào tay. Bên cạnh đó, còn có những người đi bán rắn, người làm rắn tại các nhà hàng và cả thực khách tò mò vào xem đầu bếp làm thịt loại rắn “độc” như hổ chúa, hổ đất… cũng bị rắn cắn.
Cưa chân vì quan niệm sai lầm
Theo bác sĩ (BS) Lê Quốc Hùng, bị vết rắn cắn, nhất là rắn độc cắn rất nguy hiểm, dễ dẫn đến rối loạn đông máu hay nhiễm độc thần kinh, suy hô hấp, vết thương bị hoại tử… nguy cơ tử vong rất cao nếu không cấp cứu kịp thời. Càng nguy hiểm khi nhiều người vẫn sơ cứu và chữa theo dân gian.
Có nhiều trường hợp bị rắn cắn, người dân lấy dao rạch vết thương để nặn máu độc, mà không biết cách này rất nguy hiểm. Vì nếu bị nhóm rắn gây rối loạn đông máu tấn công như rắn lục, chàm quạp sẽ làm vết thương chảy máu không ngừng. Khi đó, vi trùng dễ xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng huyết, dẫn đến tử vong, hoặc tử vong vì mất máu - chứ không phải chết do nọc độc của rắn.
Ngoài ra, một điều nhức nhối khác là có bệnh nhân đã vào bệnh viện điều trị, vết thương được kiểm soát, nhưng vẫn một mực xin xuất viện để về nhà “lấy nọc”, đến khi quay lại phải đoạn chi, như trường hợp của ông Nguyễn Văn B. (ở tỉnh Bình Phước).
Ông B. bị rắn hổ mèo cắn ở chân và được chuyển lên BV Chợ Rẫy điều trị. Các BS giải thích cho ông và gia đình hiểu: “Loại rắn này không có huyết thanh giải độc, cách điều trị là chăm sóc vết thương, dùng thuốc để hạn chế hoại tử lan rộng. Do đó, vết thương không hết ngay trong vài ngày, mà cần phải có thời gian”.
Thế nhưng, sau một tuần điều trị, thấy chân mình không hết sưng, lành lặn như những người bị rắn cạp nia, rắn hổ cắn, mà vết thương lan rộng nên ông B. đòi về quê lấy nọc. BS khuyên, giải thích đủ điều nhưng ông vẫn quyết về, vì tin rằng lấy nọc xong chân sẽ bình thường.
Tuy nhiên, chỉ năm ngày sau ông B. quay lại với cái chân hoại tử đã lan qua gối. BS buộc phải đoạn chi để giữ mạng sống cho ông. Nhìn cái chân cụt, ông B. thở dài, vợ ông tiếc nuối: “Phải chi đừng về nhờ thầy lang đắp thuốc lấy nọc thì đâu đến nỗi”.
Tương tự, chị Thúy (đề cập ở trên) cũng đang nhăm nhe xin xuất viện để về quê lấy nọc, dù chân chị bị tổn thương nặng, chuẩn bị cắt lọc da hoại tử lần thứ hai.
BS Hùng cho biết: “Mặc dù BS luôn giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ tình trạng bệnh của họ và phác đồ điều trị, nhưng có lẽ, cách chữa rắn cắn theo dân gian đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người, nên với những trường hợp không có huyết thanh giải độc, họ hay đòi về lấy nọc, đắp thuốc gia truyền, mà không biết rằng, nếu không được điều trị thì vết thương sẽ lan rộng gấp ba - bốn lần, sẽ hoại tử rất nhanh.
Việc nhiều người cho rằng lấy nọc độc rắn theo dân gian như rạch vết thương nặn máu, đắp lá, thuốc… có hiệu quả, theo BS Hùng, đây có thể là những trường hợp may mắn khi chỉ bị rắn thường cắn, nên sức khỏe bình thường. Còn trúng rắn độc như chàm quạp, lục, cạp nia, hổ mèo, hổ đất… đặc biệt là rắn hổ chúa thì nọc độc phát tán rất nhanh, gây tê liệt toàn thân, đến BV chậm trễ là tử vong.
Thùy Dương