Mùa quýt, mùa để trở về

28/01/2021 - 17:00

PNO - Không ít người đã chọn Lai Vung làm điểm đến trong những ngày cuối năm để được đắm mình trong những vườn quýt trĩu quả, thơm lừng.

Tỉnh lộ 851, đoạn qua huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp những ngày này lại trở nên nhộn nhịp. Hai bên đường, không khí mua bán của những vựa trái cây lớn nhỏ vô cùng náo nhiệt. Tiếng ngã giá, tiếng xuồng ghe, tiếng người í ới gọi nhau xen lẫn tiếng máy xe lúc ành ạch, lúc ầm ầm…

Mùa quýt hồng bắt đầu ửng chín

Đó cũng là khi bức tranh ngày tết của người dân nơi đây được tô điểm bởi sắc cam rực rỡ pha ánh vàng của những quả quýt hồng đang vào độ chín mọng. Người thì bày chúng trên những chiếc rổ nhỏ trông rất đáng yêu. Nhà thì chất thành từng đống cao có lót rơm làm nền trên chiếc bàn gỗ đặt ven đường để mời gọi người mua.

Còn ở những vựa lớn, sắc cam ấy dần thế chỗ cho màu xanh pha vàng của quýt đường, cam mật, cam xoàn có mặt quanh năm suốt tháng. Chỉ trong chốc lát nữa, chúng sẽ rời quê hương để đi khắp các tỉnh miền Tây hay đến với Sài Gòn nhộn nhịp, có mặt trên những sạp hàng cao cấp, bắt mắt hoặc chỉ xuất hiện ở một góc chợ nhỏ bình dân nào đó. Nhưng dẫu ở đâu, chỉ cần nhìn sơ qua, người ta đều biết đó là quýt hồng Lai Vung, không thể lẫn lộn.

Không ít người đã chọn Lai Vung làm điểm đến trong những ngày cuối năm để được đắm mình trong những vườn quýt trĩu quả, thơm lừng. Nhiều bức ảnh được du khách chụp tại những vườn quýt nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Người ta vẫn hay gọi mảnh đất này là vương quốc quýt hồng như một lời khen tặng. Còn người Lai Vung xa quê cứ thấp thoáng thấy quýt hồng bắt đầu ửng chín lại biết đã đến lúc trở về để đoàn viên, sum họp gia đình.

Đỏng đảnh như gái đôi mươi

Gọi là đặc sản Lai Vung nhưng quýt hồng chỉ trồng được tại ba xã: Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành. Nhưng tại ba xã, chỉ chín ấp mới có đất đai phù hợp với cây quýt hồng. Chỉ cần ra khỏi địa phận kể trên, quýt hồng đều không phát triển được hoặc cho trái kém đẹp, không đạt tiêu chuẩn. Vì thế, quýt hồng như được sinh ra để dành cho vùng đất này.

Ngoài kén thổ nhưỡng, quýt hồng cũng thuộc loại khó trồng. Đây là loại cây ưa nắng, ưa nước nhưng chỉ cần quá mức cho phép, chúng sẽ cằn cỗi hoặc chết úng. Thế nên người miền quê vẫn thường so sánh chúng với sự đỏng đảnh, khó chiều của những cô gái đôi mươi.

Du khách tham quan, chụp ảnh ở vườn quýt Hai Kiệt
Du khách tham quan, chụp ảnh ở vườn quýt Hai Kiệt

Những bờ đất trồng quýt luôn phải cao hơn đường mương rất nhiều để tránh tình trạng ngập úng trong mùa nước lên, đặc biệt khi Lai Vung nằm sát hai bờ sông Tiền và sông Hậu, chịu sự tác động rất lớn từ hai dòng chảy này. Chưa kể, mỗi năm, nhà vườn luôn phải thay lớp đất mặt để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất cho cây.

Năm nay, theo dự kiến, tổng sản lượng quýt hồng của Lai Vung chỉ khoảng 4.000 tấn, trong khi những năm trước con số này từng là 40.000 tấn. Nhiều nhà vườn có sản lượng giảm đến 60-70%. Hiện tại, giá quýt tại vườn đã dao động từ 70.000-75.000 đồng/kg. Mức giá này khá cao. Thế nhưng giai đoạn này, quả quýt lại dễ bị côn trùng, sâu bọ tấn công nên sản lượng đầu ra “rất khó nói”. 

Từ khi quýt hồng ra hoa đến lúc quả chín kéo dài khoảng tám tháng. Vì thế, tùy theo mục đích, nhà vườn hoặc mở cửa cho tham quan, hoặc bán tết, phải canh thời gian làm trái cho phù hợp.

Thường, với nhà vườn cho tham quan, việc làm trái sẽ diễn ra khoảng cuối tháng Ba âm lịch, còn với nhà vườn chỉ để bán tết, sẽ sang tháng Tư. Những vườn quýt mới, sau hơn hai năm sẽ cho lứa trái đầu tiên, nếu chăm sóc tốt. Phù sa chở nặng từ hai dòng sông Tiền, sông Hậu đã tưới mát cho những vườn quýt bao đời. Có lẽ, cũng chính chúng đã góp phần tạo ra hương vị hết sức đặc biệt cho loại quả này.

 “Trồng quýt không khác chăm con nhỏ, phải theo dõi thường xuyên để xử lý ngay. Nếu không, chỉ cần da quýt xấu sẽ rớt giá, chứ đừng nói đến những hư hại khác. So với nhiều loại trái khác cùng nằm trong nhóm như: quýt đường, cam sành, cam mật, bưởi… quýt hồng là loại khó trồng, khó chăm nhất”, ông Hai Kiệt - chủ vườn quýt hồng tại xã Long Hậu - tâm sự.

Từ đàn ông đến phụ nữ khi gắn bó với quýt hồng, ai cũng có làn da rám nắng mặn mòi. Đó chỉ là sự khắc nghiệt của thiên nhiên, là sự vất vả trải dài theo ngày tháng biểu hiện ra bên ngoài, trong khi thành quả chỉ được tận hưởng trong thời gian ngắn ngủi. Nhưng, dẫu có nhọc nhằn đến mấy, họ vẫn sẵn lòng nói về quýt hồng bằng cả niềm vui và tự hào. 

Niềm vui và nước mắt

Quýt hồng là loại trái rất được ưa chuộng trong dịp tết vì màu sắc đẹp mắt, mùi vị đặc trưng, lại có thể giữ tương đối lâu. Ngoài thịt quả thì vỏ quả cũng được tận dụng lấy tinh dầu, làm mứt. Vì thế, đây là loại quả có giá trị kinh tế cao. 

Nhà trồng ít cũng 5-6 công đất, còn nhiều có thể hơn chục cho đến vài chục công (mỗi công bằng 1/10 héc-ta). Năm nào quýt trúng mùa, trúng giá, xem như có cái tết no ấm còn năm nào rớt giá, người nông dân khóc ròng. 

Chị Hồng - chủ một vườn quýt - nhớ lại: “Có năm quýt rớt giá, nhìn thương lái đổ đi thành từng đống, tôi xót vô cùng. Năm nào trúng mùa, sản lượng cao thì giá thành đầu ra lại thấp. Quy luật thị trường là thế trong khi công sức người trồng bỏ ra rất nhiều, không tiếc, không tự thương mình sao được”.

Những năm gần đây, khi phát triển du lịch gắn với mùa quýt chín, gánh nặng kinh tế giảm đi đôi phần trên vai người nông dân. Tại vườn quýt Hồng Danh, ngày cao điểm cuối tuần có thể đón hơn 1.000 khách với giá vé vào cổng là 50.000 đồng/người. Trừ đi chi phí, mỗi vé nhà vườn lãi khoảng 20.000 đồng. Dịch vụ này chỉ kéo dài khoảng một tháng trước tết.

Trên chuyến xe chiều xuôi về Sa Đéc, người đàn ông trạc 60 tuổi, ở Lai Vung, cho biết trước kia, nhà ông trồng năm công quýt hồng, mỗi mùa tết thu lãi khoảng 30-40 triệu đồng. Song, khi vườn cây đổ bệnh vàng lá thối rễ thì mất trắng, trong khi mỗi năm chỉ có một mùa. Sau hai năm ráng cầm cự, cuối cùng, ông quyết định chặt bỏ hết để trồng rau màu. 

“Bỏ thì tiếc nhưng cố gắng lắm cũng không cầm cự được nữa. Trong khi mảnh đất đó là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi”, ông nói. Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều hộ dân nơi đây, khiến tổng diện tích quýt hồng hiện chỉ còn quanh mốc 300ha, trong khi trước đó hơn 1.200ha.
Chỉ tay về những khu vườn lân cận, ông Hai Kiệt cho biết đó từng là những vườn quýt hồng trải xanh đến hút tầm mắt nhưng nay đã được thay thế bởi mít, nhãn, chuối… 

Cách vườn chị Hồng chỉ một đường mương nhỏ, anh rể chị cũng từng lao đao vì vườn quýt bỗng chết sạch. Vốn liếng tích góp được, cộng với khoản vay ngân hàng biến thành tro bụi. 

Ông Nguyễn Văn Hồng (xã Long Hậu) cho biết theo tính toán, bảy công quýt của gia đình ông sẽ cho đến 30 tấn trái nhưng năm nay chỉ thu hoạch được khoảng sáu tấn, giảm gần 80%. Coi như mùa tết này của gia đình sẽ kém vui. 

Ánh nắng buổi chiều tà càng khiến sắc cam của quýt hồng trở nên rực rỡ, cuốn hút. Cơn gió hiu hiu lạnh ngày cuối năm khiến nỗi niềm của người dân nơi đây dường như càng trĩu nặng. Tuy nhiên, người Lai Vung vẫn luôn muốn nói về quýt hồng, bằng những niềm vui. 
 

Thành Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI