Mùa mưu sinh đâu của riêng người lớn
Không biết tự bao giờ, mùa nước nổi được nhắc đến như một “đặc sản” của miền Tây. Nước về mang theo bao nỗi lo nhưng cũng cho người miền Tây những niềm vui nho nhỏ.
Có người nghe đến lũ là sợ nhưng người miền Tây lại bình thản lắm, bởi “sống chung với lũ” đã thành câu nói quen thuộc. Dân miền Tây xem lũ như bạn, dẫu đôi lúc những mất mát khiến bụng dạ bồn chồn. Mùa nước về không chỉ là cuộc mưu sinh của người lớn mà còn là chuyện của những đứa trẻ nơi ruộng đồng.
Ngồi nhìn con nước lớn ngấp nghé mé bờ sông, chực chờ chảy tràn vào trong cái sân gạch, anh lớn của tôi nhớ lại mấy chuyện đã qua, cách đây ngót 30 năm.
Ngày đó, hầu như nhà nào cũng nghèo nên chuyện con trẻ phải phụ giúp cha mẹ để có cái ăn, cái mặc không quá lạ lẫm. Mà hễ cứ mùa nước về là đứa nào đứa nấy lại sướng rơn vì được bì bõm lội nước chơi đùa cho đã mà không bị đòn roi.
Trước những ngày nước lên, nông dân luôn phải tranh thủ thu hoạch hết rau màu để không bị úng. Mấy đứa trẻ cũng nhân dịp này trổ tài lượm mót.
|
Trên đồng mùa nước nổi người dân thường đặt dớn, căng lưới... để bắt cá |
Ngày đó, nhà tôi lúc nào cũng có vài cái bao cám được giặt sạch. Hết buổi học, anh tôi lật đật về nhà, ăn vội mấy chén cơm rồi tranh thủ ra ruộng mót khoai lang. Theo sau anh là chị tôi. Trong đám con nít đó còn có con Ngọc, thằng Tèo, thằng Thanh, thằng Nhí... mà bây giờ đứa nào cũng đã làm cha, làm mẹ.
Băng mấy cánh đồng, lội qua một con sông là đến điểm thu hoạch. Đứa nào đứa nấy tranh thủ mót cho đầy bao. Củ nào ngon, còn nguyên vẹn thì soạn ra bán lấy tiền phụ cha mẹ đóng học phí; củ nào nứt nẻ, bị sùng thì để lại, lùi vào bếp than hay hấp ăn cùng cơm.
Có hôm, anh tôi mót được tới vài chục ký, thế là đành phải chạy về nhà gọi cha mẹ hay chú thím phụ mang về bởi sức trẻ con không kham nổi. Ông bà nội tôi ngày đó la rầy hoài vì không muốn mấy đứa nhỏ lội nước, nguy hiểm…
Đầu tháng Bảy âm lịch, khi con nước nhảy khỏi bờ cũng là lúc nhịp sống miền quê sôi động hẳn. Nơm, lưới, chài, đăng, đó... đều có mặt trong mỗi gia đình; hầu hết do các nhà tự làm. Người lớn ngồi làm, con nít ngồi xem và làm theo.
Ngót 30 năm, đôi tay anh tôi vẫn thuần thục mấy thao tác ấy. Bây giờ, có nghề nghiệp ổn định nhưng cứ mỗi mùa lũ về, anh tôi lại bận rộn với những công việc quen thuộc đó, như một thói quen khó bỏ.
Nước lên xuống mỗi ngày hai lần, vì thế phải canh dòng nước để đặt ngư cụ cho phù hợp. Cứ mỗi buổi đi học về, anh tôi lại theo cha ra đồng, khi thì lội bộ, khi thì lướt băng băng trên chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu.
|
Một người nông dân với thùng cá thu hoạch được từ việc đẩy côn |
Giăng lưới thì phải canh đường cá chạy. Đặt lọp bắt tôm, cá thì phải có mồi nhử cho đúng ý của chúng và cần đặt ở độ sâu phù hợp. Ống trúm bắt lươn phải đặt sâu xuống bùn hoặc những bãi cỏ, lục bình lớn mới có thể nhử chúng vào... Những kỹ thuật này không làm khó được mấy đứa nhỏ thời đó.
Khi nước rút, chỉ với cái xô nhỏ hay thùng thiếc trên tay cùng cái cù móc, mấy đứa nhỏ miền quê thuở đó lại trở thành “dũng sĩ” bắt cua trên những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Cù móc để thăm dò đó có phải hang cua hay hang rắn, còn bắt cua thì hầu hết phải dùng tay.
Vì thế, chuyện cua kẹp còn nhiều hơn ăn cơm bữa. Mười đầu ngón tay của ông anh tôi cùng bọn trẻ ngày đó chưa bao giờ lành lặn. Nhưng lạ thay, chúng tôi chẳng hề cảm thấy cực khổ mà còn xem đó là niềm vui lớn trong những ngày thiếu thốn.
Sau mỗi chuyến giăng lưới, khi về, anh tôi thường không quên ngụp lặn hái một mớ bông súng đồng để mang ra chợ cho kịp sớm mai.
Đêm nào mưa lớn, anh lại theo cha tôi ra đồng hay mấy con mương quanh nhà để soi ếch. Hôm nào trúng mánh vừa có thêm tiền phụ ba má, vừa được ăn ngon.
Chị tôi hễ nghe tiếng cha và anh trai trở về là lật đật nhảy khỏi giường để lục giỏ xem có gì. Mớ cua, tép, tôm, cá to được lựa riêng ra để bán; mớ cá hủn hỉn thì để kho khô, cho thêm tóp mỡ là vét hết nồi cơm.
|
Nước lên cũng tạo điều kiện cho việc chăn vịt |
Hôm nào cuối tuần, sau khi gỡ lưới xong, chúng tôi lại hí hửng cùng mẹ ra chợ. Cua cá, tôm tép ngày đó rẻ bèo, 200 đồng một ký cua kình càng, vài ba trăm đồng một ký cá linh, tép đồng...
Vì thế, có nhọc công đến mấy thì cũng chỉ đủ ăn hoặc dư chút đỉnh để bươn chải qua mấy tháng nước lên.
Còn ai trông chờ mùa nước
Nhưng đó chỉ còn là những nét vẽ sôi động trong hồi ức. Với đám con nít ngày nay, mùa nước nổi vẫn về nhưng đã khác xưa nhiều. Đôi lúc, chúng dường như thờ ơ, xa lạ với nơi mà chúng thuộc về.
Nếu như ngày trước, lũ trẻ trong xóm đã ào ào rủ nhau xuống đồng, ra ruộng để kịp con nước mà bắt tôm cá thì nay cảnh đó gần như không còn.
Đâu đó trong tiếng mưa rả rích, tôi nghe văng vẳng mấy đứa nhỏ bên kia bờ đang hát karaoke mấy bài nhạc trẻ đang thịnh hành. Còn mấy đứa nhỏ nhà cạnh bên đang ngồi bấm điện thoại, chơi máy tính.
Cái cảnh gần gũi nhất, tắm sông, cũng không còn. Thế nên chuyện ra đồng mưu sinh mùa nước có lẽ chỉ còn trong ký ức.
Dĩ nhiên, chuyện mỗi thời mỗi khác nhưng cũng đủ khiến người ta chạnh lòng.
Nhiều năm về trước, nước về như một cuộc hẹn được định sẵn. Cứ đến đầu tháng Bảy âm lịch, người ta lại tất bật đón nước về, như đón một người bạn lâu năm.
|
Xuồng là phương tiện di chuyển quen thuộc của người dân mùa nước nổi |
Nhưng mấy năm gần đây, chuyện làm thủy điện ở bên ngoài lãnh thổ khiến nước về muộn. Năm nay, người dân chờ đỏ mắt mới thấy được con nước đầu tiên vào cuối tháng Tám âm lịch.
Người ở đồng dần “khát” cá đồng
Mấy ngày nay, xem thời sự, tôi thấy ở đồng nước Phú Hội (tỉnh An Giang), tình hình thu hoạch tôm cá kém hẳn so với mọi năm, dù đây từng là chợ cá nhộn nhịp bậc nhất miền Tây mùa lũ về.
Nhà nào giỏi lắm cũng chỉ được phân nửa sản lượng so với mọi năm. Tôi có ông chú ở miệt Tam Nông, một trong những nơi đón lũ sớm nhất trong tỉnh.
Hỏi ra mới biết năm nay lũ về muộn nhưng mực nước thấp hơn mọi năm rất nhiều nên tôm cá cũng ít. Nhiều nhà làm nghề đóng đáy, bắt cá thất thu.
Trong khi đó, không ít nhà kéo nhau đi làm xa ở tận Bình Dương, Đồng Nai... thay vì gắn mình vào trong những may rủi của con nước.
Người lớn đã dần bỏ quên con nước thì lũ trẻ sau này sao mà biết đến chúng. Nhưng có lẽ, khi ngoại cảnh tác động thì lòng người khó thể có được sự lựa chọn tốt hơn bởi cơm áo, gạo tiền luôn là một gánh nặng.
Làm ruộng ít tiền mà lại nhọc công nên chừng chục năm đổ lại đây, người ta nâng ruộng thành vườn cây. Bởi vậy, cảnh ruộng đồng mênh mông nước cũng trở nên hiếm trong mùa lũ.
Chừng cuối những năm 90, xóm tôi toàn ruộng lúa nhưng nay phải chạy xa vào miệt trong, cách chừng mười mấy, hai mươi cây số mới nhìn thấy được. Cảnh con trẻ tưng bừng ngoài đồng, theo đó gần như không còn.
Mà phần nữa, cha mẹ của lũ trẻ ngày nay - những người từng đi qua nhọc nhằn trong quá khứ - cũng không mong con cháu mình quay lại thuở đó.
Tôi gặp anh Bảy trên khoảng ruộng mênh mông nước sau cơn mưa tầm tã, thấy anh đang gỡ mấy mẻ lưới giăng từ chiều hôm trước. Anh làm bảo vệ cho một trường học, hết giờ lại tranh thủ kiếm thêm mấy tháng mùa nước.
Thấy mấy đứa trẻ chạy theo, anh la mấy tiếng rồi bảo: “Đời mình cực rồi nên đừng để tụi nhỏ cực nữa”. Nghe vừa thương cho người nhưng cũng thương cho lòng mình khi vẫn hoài niệm về một thời đã qua.
Thành Lâm