Mua nhà Sài Gòn: Dễ hay khó, do mình!

24/09/2020 - 14:25

PNO - Ai cũng nói mua nhà Sài Gòn rất khó, thật ra không hề khó. Ai cũng bảo hành trình trả nợ sau khi mua nhà rất… kinh dị, thật ra không hẳn.

Tôi mua nhà sau khi ra trường 8 năm, lập gia đình 2 năm và có một bé trai, hoàn toàn bằng lương rất “cọc còi” của hai vợ chồng. Phải nói như thế để thấy, việc mua nhà của tôi không hề diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, có “nền tảng” sẵn như nhiều người vẫn nghĩ thế khi đánh giá “dân tỉnh” mua nhà ở Sài Gòn.

Thời điểm đó, lương nhân viên kế toán ở công ty tư nhân của tôi chỉ 11 triệu đồng, chồng tôi làm kỹ thuật ở một công ty nhà nước với mức lương 9 triệu đồng. Chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng thu nhập, lại “cõng thêm” đứa con 2 tuổi, nên việc tôi mua nhà trở thành đề tài chấn động đối với đám bạn cùng quê, thậm chí là với những người bạn ở Sài Gòn.

Có người không tin, ám chỉ rằng “chắc nó có gia đình hậu thuẫn”, người tin thì nhận định “rồi nó sẽ mệt mỏi với việc trả nợ”. Thực tế, tất cả đều đúng và tất cả đều cũng... sai.

Sau cưới, số vốn 2 vợ chồng có được chỉ vỏn vẹn 300 triệu đồng, nên việc mua nhà là điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng chị gái tôi thì nghĩ khác. Sự “xúi giục” của chị chính là hậu thuẫn lớn nhất tôi nhận được từ gia đình.

Không chỉ “xúi”, chị cùng một số anh chị, mỗi người gom góp vài chục triệu, được 220 triệu đồng để cho chúng tôi mượn. Sếp tôi thấy thế liền cho tôi ứng lương 80 triệu đồng, và tôi có thể trừ dần vào tiền lương hàng tháng, mỗi tháng 3 triệu đồng. Tổng cộng tôi có trong tay 600 triệu đồng - con số quá ít ỏi để mua một căn nhà phố (chồng tôi không thích chung cư).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khó, thì mình tìm theo cách khó vậy. Để tìm được căn nhà vừa với túi tiền hạn hẹp, chúng tôi phải tích cực săn lùng, tìm kiếm ở nhiều nơi, từ lời rao trên các trang mua bán đến người quen làm trong lĩnh vực bất động sản. Sau cùng, ông chú họ giới thiệu một căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, diện tích 42 mét vuông ở quận Tân Phú. Sau khi thương lượng được giá 1,2 tỷ đồng, chúng tôi quyết làm liều một phen, vay ngân hàng 600 triệu đồng trong thời hạn 20 năm.

Cho đến bây giờ, với tôi, đó vẫn là quyết định liều lĩnh nhất kể từ khi tôi ra đời. Mỗi lần nhìn căn nhà khang trang, tôi vẫn không thể tin nổi mình đã có nhà ở Sài Gòn. Điều khó tin nhất là trên thực tế 6 năm qua, hành trình tích góp để trả nợ và trang trải chi phí của vợ chồng tôi diễn ra khá nhẹ nhàng, không hề “tăm tối” như nhiều người vẫn tưởng.

Sau khi mua nhà, chúng tôi mượn thêm bạn bè 20 triệu đồng để sửa sang cho có vẻ tươm tất, rồi… cho thuê. Vì căn nhà cấp 4 và vì đó là quận vùng ven, nên giá thuê không cao, chỉ 4,7 triệu mỗi tháng, nhưng ít nhất cũng giúp chúng tôi dư thêm 1,9 triệu sau khi đã trả tiền căn phòng trọ đang ở. Có lẽ vì nhu cầu của chúng tôi không cao chăng, mà sau khi trừ đi 10 triệu mỗi tháng để trả ngân hàng và tiền nhà trọ, tôi thấy cuộc sống của mình vẫn ổn. Còn lại, các khoản tiền thưởng của hai vợ chồng trong năm, dù không nhiều lắm, cũng thành khoản dư nho nhỏ. Sau một năm cho thuê, chúng tôi sửa căn nhà một lần nữa, bằng khoản dư nhỏ xíu ấy, rồi dọn về ở, chính thức tận hưởng cuộc sống của người “có nhà ở Sài Gòn”.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta cứ bảo “an cư” đi, thì mới có dư được. Kỳ lạ lắm, từ khi có nhà, mọi chi phí sinh hoạt của chúng tôi dường như nhẹ đi hẳn. Chúng tôi không còn phải trả tiền nước, tiền điện với giá cao ngất ngưởng nữa. Có nhà, bà ngoại bà nội thay phiên nhau vào chăm cháu, những lần “tiếp tế” thực phẩm quê cũng nhiều hơn mà trước đó, vì nhà trọ bé, chúng tôi chỉ sắm tủ lạnh mini, nên không ông bà không thể gửi thường xuyên được.

Sau 6 năm, tôi đã trả được ngân hàng 200 triệu đồng tiền gốc, dứt điểm xong 20 triệu của bạn bè và trả thêm cho anh chị được 80 triệu. Lương của 2 vợ chồng khi này đã tăng lên 29 triệu đồng mỗi tháng, tôi cũng đã hoàn thành xong khoản ứng trước của công ty.

Tuy nhiên, thời điểm này, biên độ lãi suất của ngân hàng lại tăng, số tiền lãi mỗi tháng chúng tôi phải trả lại nhiều hơn xưa. Thấy thế, mới đây, sếp tôi quyết định cho chúng tôi mượn tạm 400 triệu để tất toán khoản vay, nhằm giúp chúng tôi “chuyển” ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn. Như lần trước, trong khoản 400 triệu này, tôi được ứng trước 100 triệu và trừ dần vào lương hàng tháng. Tôi chuyển ngân hàng, vay 300 triệu đồng để trả sếp, vẫn chọn thời hạn vay là 20 năm nhằm để khoản trả nợ ngân hàng hằng tháng không trở thành gánh nặng. Tôi tính, thà mình trả ít hơn và hàng tháng có dư ra, vài năm nữa biết đâu lại trả được nợ trước hạn.

Thế đó, tôi - một dân tỉnh chính cống, mức thu nhập hằng tháng không cao ngất ngưởng như nhiều người vẫn tưởng - vẫn mua được nhà ở Sài Gòn. Sau 6 năm, căn nhà của chúng tôi giờ được định giá 3,5 tỷ. Lắm lúc nhìn lại, tôi vẫn cứ tưởng đây là một giấc mơ.

Dĩ nhiên, có được ngày hôm nay là vì chúng tôi nhận được nhiều sự hậu thuẫn, từ gia đình, từ bạn bè và từ nơi mình làm việc. Tôi tin, chỉ cần là người có phấn đấu và sống có trước - sau, bất kỳ ai cũng có thể có sự hậu thuẫn đó.

Thực tế, việc mua nhà ở Sài Gòn không khó về tài chính, mà cái khó nhất là tâm lý đối phó, về sự chuẩn bị cho tình huống bất đắc ý.

Ngày mua nhà, điều vợ chồng tôi trao đổi nhiều nhất không phải là mượn tiền từ đâu, mà là tình huống giả định được đặt ra: nếu bỗng dưng mất thu nhập vì lý do nào đó bất khả kháng, chúng tôi sẽ làm gì với ngôi nhà đang được thế chấp? Từ đó chúng tôi đi đến thống nhất: sẽ bán.

Điều khiến chúng tôi không lo lắng là giá nhà đất rất hiếm khi nào đi xuống, nên việc bán nhà bị lỗ sẽ rất khó xảy ra. Mang niềm tin đó cùng sự chuẩn bị tâm lý cho việc sẵn sàng quay về vạch xuất phát, chúng tôi đi qua 6 năm trong tâm thế rất nhẹ nhàng, không bị bài toán “đầu tiên” đè nặng không khí gia đình. Ngược lại, mỗi khi nhìn con nhảy nhót trong ngôi nhà của mình, niềm hạnh phúc trong tôi lại dâng đầy.

Nguyễn Thị Thảo (Tân Phú, TPHCM)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI