Mùa này, người miền Tây đãi khách món gì?

19/10/2020 - 06:41

PNO - Trong hành trình đi qua 4 tỉnh miền Tây - Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang... nhóm chúng tôi được chiêu đãi hàng chục món ăn lạ mà quen.

Kẹo lạc
Ăn kẹo đậu phộng uống trà chanh mật ong chúa và phấn hoa (Tiền Giang) là món "ăn chơi" dành cho mọi du khách khi ghé cù lao Thới Sơn. Các ly mật ong đã được chuẩn bị sẵn, thực khách sẽ tùy sở thích để thêm phấn hoa, trà (nước sôi), tắc (quất) để tạo thành ly trà đúng khẩu vị. Ngoài ra, nếu thích, bạn có thể thử cho tay vào tổ ong để nếm mật.
Gỏi bông bần
Gỏi bông bần (Tiền Giang) có hai phần tách biệt: một là thịt bò phi lê xắt bản lớn, ướp xào cùng các loại gia vị; hai là nhụy của bông bần. Nhụy bông bần được tách lấy từ loại hoa cùng tên nên số lượng không nhiều. Bù lại, sự kết hợp này mang đến cho món ăn vị đắng đặc trưng của nhụy bông.
Bánh canh gà nước
Bánh canh gà nước (Cần Thơ): Theo người địa phương, món ăn này có cách chế biến khá lạ - sau khi nấu chín tất cả thành phần bên trong, nêm vừa ăn, người nấu sẽ đổ tiếp nước cốt dừa vào, tạo nên món ăn vừa ngọt vừa mặn. Sự có mặt của nước cốt dừa trong món ăn vốn không lạ với người dân vùng đất chín rồng, nhưng lại khiến du khách đến từ nơi khác e ngại do chưa quen.
Gà nấu lá cách
Gà nấu lá cách (Cần Thơ) có vị săn, ngọt của thịt gà, vị nhân nhẩn, chua chua và mùi thơm đặc trưng của lá cách - loại rau sạch có mặt trong nhiều món ngon của người miền Tây cùng hương thơm thoảng của sả, ớt.
Gỏi đồng quê
Gỏi đồng quê (Vĩnh Long): Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ việc người chế biến sử dụng những loại rau, bông có trong vườn như bông điên điên điển, cọng súng, bông thiên lý, cọng kèo nèo, lá cách, tép bạc... Điểm cộng của gỏi đồng quê là có sự tổng hòa của các vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng... và đều là thực phẩm sạch.
Cá tra thịt giòn
Cá tra thịt giòn (Vĩnh Long) là cá tra thông thường được nuôi khoảng 6-7 năm. Trong quá trình nuôi, cá được kiểm soát trọng lượng bằng chế độ ăn nghiêm ngặt nên đến khi thu hoạch, cá không còn mỡ, thịt săn chắc, khi ăn có vị sần sật. Dòng cá tra này kho, nấu canh đều ngon nhưng ngon nhất là nấu lẩu thập cẩm. Được nhúng trong nước lẩu có vị chua thanh trong thời gian ngắn, miếng cá tra xắt mỏng có vị thanh, ngọt và sần sật khá lạ.
hải sản né củ kiệu
Hải sản né củ kiệu (TP Rạch Giá, Kiên Giang): Phần gốc xanh và củ kiệu kết hợp với độ tươi, ngon của các loại hải sản như mực, tôm (đã bóc vỏ), cồi sò điệp... trong món né mang đến vị cay thơm, ngọt đậm vừa dễ ăn vừa kích thích vị giác.
lẩu cá khoai
Lẩu cá khoai (TP Rạch Giá, Kiên Giang): Món ăn có vị thanh, nhẹ của nước lẩu từ dừa xiêm, chua nhẹ của cà chua, vị ngọt thơm của hành và rau tần ô; nhưng thú vị nhất là cá khoai - loại cá nổi lên vài năm gần đây, được nhiều địa phương như Cần Giờ (TPHCM); Hàm Tân (Bình Thuận)... nhận là sản vật biển của mình.
Cá đục chiên giòn
Cá đục một nắng chiên (Phú Quốc, Kiên Giang): Vài năm trước, cá đục, nhất là cá đục vàng, là một trong những món ăn nhất định phải thử khi đến Lagi (Bình Thuận); nhưng khi đến đảo ngọc Phú Quốc, nhóm chúng tôi khá ngạc nhiên khi được chiêu đãi cá đục một nắng chiên giòn. Cá đục thuộc dòng cá nhiều thịt, ít xương. Thịt cá lại thơm, săn nên khi phơi một nắng, rồi chiên, món ăn có vị thơm, giòn, "bắt miệng".
Canh nấm tràm hải sản
Canh nấm tràm hải sản: Nấm tràm là nấm mọc ở rừng tràm và chỉ xuất hiện vào mùa mưa. Nấm tràm được nhiều người sành ăn đánh giá cao về dinh dưỡng song món nấm này có một điểm trừ - vị đắng nhẫn. Để loại bỏ vị đắng, người dân Phú Quốc đã luộc nấm thật kỹ, đến lúc nấm hết đắng mới kết hợp cùng các nguyên liệu khác.

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI