Bên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Giữa thu, người anh ở Hà Giang nhắn, “mùa thu vàng” đang đến. Nghe thật nao lòng. Cái màu như nắng vàng ươm thoai thoải trên nương ấy, được ngắm nhìn một lần thật khó mà quên.
|
“Mùa thu vàng” ở Hoàng Su Phì - Ảnh: Đài PTTH Hà Giang |
Buổi ấy, cũng là một ngày mùa thu, có nhóm người phố lần đầu được nhìn thấy ruộng bậc thang, cứ liên tục reo lên mỗi khi thấy thấp thoáng những thửa ruộng bên đường. Đến Hoàng Su Phì thì chỉ còn biết ngẩn ngơ nhìn. Đẹp quá! Màu lúa vàng trên những thửa ruộng bậc thang trùng điệp trải khắp núi đồi mang vẻ đẹp thật hùng vĩ, rất khác với vẻ đẹp mênh mông của những cánh đồng miền Tây Nam bộ.
Những thửa ruộng bậc thang đều tít tắp và uốn lượn, trông xa cứ như những dòng thác vàng chảy qua núi qua đồi. Lúa ôm ấp, bao bọc những ngôi nhà của đồng bào dân tộc.
Buổi tinh mơ, “cánh đồng vàng” như hòa lẫn trong sương mây, nghe thoảng cả mùi hương lúa chín khiến lòng người mê mải nhìn ngắm, lưu luyến chẳng muốn rời đi.
Cuộc chinh phục và cải tạo tự nhiên của con người thật tuyệt mỹ. Không chỉ là trồng được lương thực mà còn tạo nên một cảnh quan văn hóa đặc sắc cho miền cao phương Bắc. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì - nằm trên thượng nguồn sông Chảy và cách thành phố Hà Giang khoảng 100km - đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia vào năm 2012.
Với tổng diện tích hơn 1.300ha, bao phủ qua các xã, thị trấn của huyện Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang nơi đây đã trở thành biểu tượng văn hóa của miền Đông Bắc. Các tour du lịch khám phá Hà Giang đều không thể bỏ qua nơi này. Mỗi độ thu về cũng là lúc Hoàng Su Phì rộn ràng đón du khách. Thế nhưng năm nay, rất nhiều người đành lỡ hẹn…
Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh người sơn nữ đầu đội khăn đỏ, đeo gùi, chân bước thoăn thoắt trên những lối mòn. Phía trước là màu lúa vàng, phía sau là núi mây bảng lảng. Bức tranh thiên nhiên ấy có đủ những gam màu tài tình của tạo hóa. Người sơn nữ ấy bước đến gần, bắt gặp ánh mắt người nhìn có phần ngạc nhiên và lúng túng. Cái gật đầu chào nhau của lữ khách nhận lại một nụ cười sơn khê.
Nhớ cả đôi mắt của bọn trẻ con miền sơn cước cứ rụt rè khi thấy khách lạ mà cũng thật hồn nhiên, đáng yêu mỗi khi khách trò chuyện, chụp ảnh cùng. Nhớ dáng hình những người già bên bếp lửa miền cao. Có điều gì đó thăm thẳm mà cũng rất thân thương trong đôi mắt, trên đôi tay đầy vết dấu đồi mồi của những người già như là dấu vết trăm năm của núi.
Buổi hừng đông, chúng tôi ngồi sưởi ấm bên bếp ngô tí tách lửa nồng. Trong sương lạnh, ăn ngô nóng, uống cả nước luộc ngô ngọt dịu và trò chuyện, cảm giác hàn huyên ấm áp cùng nhau ấy ngọt ngào đến nhung nhớ. Khi sương mai nhường chỗ cho những tia nắng đầu ngày, quang cảnh trước mắt hiện ra trên những cung đường tôi đi cứ đẹp như tranh.
Ruộng bậc thang lúa vàng, xa xa mây vờn núi, những thung lũng đá tai mèo mà nữ nhà văn người Ý Elena Pucillo đã gọi đó là “biển đá đen”, với cổng trời Quản Bạ và cả núi Đôi…
“Mùa thu vàng” nước Nga mãi mãi ở lại trong kiệt tác của Levitan còn mùa thu vàng nơi địa đầu Tổ quốc ở Hoàng Su Phì mãi mãi ở lại trong nét cọ ký ức của người lữ khách.
“Gió mùa Đông Bắc se lòng…”
Hà Giang có thật nhiều điều để lưu luyến. Không chỉ có màu lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang trùng điệp mà sắc tím thơ mộng của những đồi hoa tam giác mạch cũng là vẻ đẹp quyến rũ khó cưỡng của vùng đất này.
|
Mùa hoa tam giác mạch - Ảnh: Tiểu Quyên |
Sự tích về loài hoa có nguồn gốc từ cây lúa và chuyện về những nàng tiên gieo hạt ở vùng cao, vậy nên mới có tên là “mạch” còn “tam giác” chỉ hình dạng của lá.
Hoa tam giác mạch có năm cánh, nhụy vàng, mọc thành chùm. Mùa tam giác mạch nở rộ ở Hà Giang từ khoảng tháng 10 đến tháng 12. Màu hoa thơ ngây, lãng mạn làm say lòng người trên những cung đường phương Bắc.
Không chỉ để ngắm mà thân lá, hạt hoa còn có thể được dùng chế biến thành thức ăn. Bánh tam giác mạch là đặc sản không thể bỏ qua khi du khách đến Hà Giang.
Trong buổi chợ phiên Mèo Vạc, thứ thu hút tôi chính là mùi thơm của bánh tam giác mạch đang được làm nóng trên bếp than, bán với giá 15.000 đồng/cái. Chiếc bánh được làm từ hạt tam giác mạch xay mịn, bột hòa với nước, rồi cho vào khuôn tròn, ép dẹp lại và đem hấp chín. Bánh cũng phơn phớt màu tím của hoa, ăn vào thơm thơm bùi bùi như có vị của cây rừng.
Ngồi nhấm nháp chiếc bánh thơm và nhìn ngắm người người đi chợ phiên như đi trẩy hội, cảm nhận vẻ đẹp văn hóa của đất và người qua trang phục, qua ngôn ngữ, qua món ăn, qua cả cách thức giao tiếp và những sản vật được bày bán thật sự thi vị.
|
Bánh tam giác mạch - Ảnh: Đài PTTH Hà Giang |
Ngoài thực phẩm, các sản vật địa phương còn có cả những món hàng hết sức dễ thương: những chú chó con, lợn cắp nách. Chợ phiên Mèo Vạc diễn ra vào cuối tuần. Nếu đã đến Hà Giang, bạn nên sắp xếp thời gian để được một lần hòa vào không khí nô nức ấy.
Tôi không nhớ mình đã mua gì từ phiên chợ, chỉ nhớ là đã thử rất nhiều món ăn đậm dấu ấn miền rẻo cao. Ngoài món thắng cố nổi tiếng, Hà Giang còn có món cháo ấu tẩu hết sức đặc biệt.
Củ ấu tẩu chứa độc chất cực mạnh nhưng lại có tác dụng chữa bệnh rất tốt nếu được dùng với liều lượng phù hợp.
Muốn chế biến thành món ăn bổ dưỡng, ấu tẩu phải được luộc chín nhừ, sau đó tán nhuyễn và nấu cháo. Mùi cháo ấu tẩu ninh chân giò, rắc hành tiêu thơm thơm, có vị đăng đắng nhưng ăn vào thì ngọt hậu.
|
Cháo ấu tẩu - Ảnh: Tiểu Quyên |
Hà Giang còn gây ấn tượng bởi các món phở chua, bánh cuốn Đồng Văn, xôi ngũ sắc, thịt trâu gác bếp và món thắng dền - trông khá giống bánh trôi nước nhưng viên nhỏ hơn, khi ăn cho thêm dừa non nạo và rắc ít đậu phộng.
Những ngày “gió mùa Đông Bắc se lòng”, được cùng nhau thưởng thức những món ăn ấm nóng như thể còn vương thơm cả mùi của cây lá, của núi rừng quả thật nhiều dư vị.
Cuối thu, gió mùa se lạnh trên những cung đường tôi đi qua. Dừng chân bên dốc Thẩm Mã, tôi đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn ngắm dòng Nho Quế uốn khúc dưới chân núi. Mây vắt qua đèo bồng bềnh như tiên cảnh.
Du khách cũng có thể trải nghiệm khám phá Tu Sản - hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á - bằng du thuyền xuôi qua dòng Nho Quế có màu nước xanh ngọc bích.
|
Bên bờ rào đá - từng là bối cảnh phim - Ảnh: Tiểu Quyên |
Hà Giang có lẽ là vùng đất xinh đẹp bậc nhất miền Đông Bắc. Nơi này từng là bối cảnh ấn tượng cho những bộ phim Chuyện của Pao, Lặng yên dưới vực sâu.
Hàng rào đá “nhà Pao” (huyện Sủng Là) vẫn còn đó chờ đón bước chân du khách, rừng thông Yên Minh vẫn rì rào trong gió, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đang độ chín vàng, những đồng hoa tam giác mạch Phó Bảng bắt đầu vào mùa khoe sắc và cột cờ Lũng Cú sừng sững nơi biên giới… nhưng có lẽ lời hẹn cho khách phương xa sẽ còn lâu lắm.
Mai ai về phương Bắc, xin gửi đến Hà Giang một lời thăm…
Lục Diệp