Mùa mưa nghĩ nỗi ngập đường mà kinh

12/06/2024 - 05:48

PNO - Chỉ vài cơn mưa ngắn đầu mùa đã khiến nhiều tuyến đường ở TPHCM ngập như sông. Nếu có những cơn mưa lớn kéo dài, mức độ ngập sẽ còn kinh khủng hơn nhiều.

Đường Dương Văn Cam (TP Thủ Đức) ngập gần hết chiếc xe máy sau trận mưa đầu mùa vào giữa tháng Năm vừa qua ẢNH: MINH AN
Đường Dương Văn Cam (TP Thủ Đức) ngập gần hết chiếc xe máy sau trận mưa đầu mùa vào giữa tháng Năm vừa qua - Ảnh: Minh An

Mới mưa sơ sơ, nước đã cao ngang bụng

Sau những cơn mưa đầu mùa từ giữa đến cuối tháng Năm, nhiều tuyến đường ngập nặng, nhất là ở các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức... Đặc biệt, đường Võ Văn Ngân và chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) lênh láng nước dù hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân trị giá 248 tỉ đồng vừa được khánh thành khoảng 3 tuần trước đó.

Mưa to chỉ chừng 10 phút, nước từ các hướng ào ạt chảy về “vùng trũng” chợ Thủ Đức khiến các đường bao quanh chợ như Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân... ngập nửa bánh xe. Đường Lê Văn Ninh bên hông chợ bị ngập sâu, sức nước chảy khiến nắp cống bị bung ra, nước phun lên cuồn cuộn khiến xe cộ chao đảo. Do xe bị chết máy, người dân phải bì bõm dắt xe giữa dòng nước xoáy. Trên đường Võ Văn Ngân, nước ngập nhà dân, làm bong mảng nhựa đường, bung nắp cống. Ngập nặng nhất là đường Dương Văn Cam, có đoạn nước cao lút xe máy.

Chị Hồng Chi - tiểu thương chợ Thủ Đức - bất lực nhìn đồ đạc bị nhấn chìm trong biển nước, giọng bức xúc: “Nước ngoài đường ngập ngang bụng, còn trong nhà ngập đến đầu gối, làm hư hết hàng hóa, đồ điện, tủ đông. Các năm trước, chúng tôi còn ráng dùng ván chắn, nhưng giờ sức nước mạnh quá, đành chịu. Thấy người ta làm hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân, tụi tôi mừng lắm, ai dè làm xong thì ngập nặng hơn”.

Ông Lưu Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức - cho biết, các cơn mưa ngày 15/5 và 20/5 khiến các tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức ngập trung bình từ 0,2 - 0,3m; đường Dương Văn Cam ngập sâu nhất, hơn 0,5m. Theo ông, khu vực chợ Thủ Đức là vùng trũng, thấp hơn 25m so với khu vực xung quanh. Do độ dốc cao nên mỗi khi mưa lớn, thường có những dòng nước chảy xiết về gây ngập. Bên cạnh đó, các cơn mưa vừa qua đều có vũ lượng khoảng 121mm, vượt xa khả năng thoát nước theo thiết kế của hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân (tối đa 76mm).

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Song Giang - giảng viên Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - nhận xét, dù mới đưa vào hoạt động nhưng thiết kế của hệ thống cống thoát nước ở TP Thủ Đức đã lạc hậu so với thực tế. Những cơn mưa có vũ lượng lớn đã tăng lên nhiều so với trước đây, khiến hệ thống cống thường xuyên bị quá tải, không tiêu thoát nước kịp. Ngoài ra, rạch Cầu Ngang và rạch Thủ Đức cũng thoát nước không kịp nên ngập nặng.

Theo ông, để giải quyết ngập ở khu vực chợ Thủ Đức, cần nhiều giải pháp đồng bộ, như tăng diện tích thấm và tách dòng chia nước để giảm nguồn nước về chợ, xây hồ điều tiết để làm chậm dòng chảy, mở rộng 2 rạch Thủ Đức và Cầu Ngang để tăng khả năng thoát nước.

Cống lạc hậu gặp mưa to bất thường

Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thành - giảng viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Văn Lang - cho hay, hệ thống thoát nước của TPHCM được xây dựng qua nhiều thời kỳ, không đồng bộ, nhiều cống được xây từ trước năm 1954 và giai đoạn 1954-1975 nay đã xuống cấp, hư hỏng. Hệ thống này có tổng chiều dài 1.039km, chỉ bằng 1/6 chiều dài cần xây dựng và chỉ phục vụ 10% diện tích dự kiến. Đa số cống có tiết diện nhỏ và bị lấn chiếm nhiều nơi nên khó duy tu, bảo dưỡng.

Cống Tân Thuận thuộc dự án giải quyết ngập do triều tạm dừng thi công nhiều năm qua - ẢNH: VŨ QUYỀN
Cống Tân Thuận thuộc dự án giải quyết ngập do triều tạm dừng thi công nhiều năm qua - Ảnh: Vũ Quyền

Theo ông, ở các quận trung tâm thành phố, hệ thống cống cũ, xuống cấp, hiệu quả thoát nước kém dù một số vị trí đã được tu sửa, như ở tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Phan Phú Tiên (quận 5). Ở các quận ven và huyện ngoại thành, nhiều tuyến đường không có hệ thống thoát nước, thiếu hệ thống cống thu gom, tập trung ở quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, TP Thủ Đức.

Ông phân tích: “Quá trình đô thị hóa quá nhanh đã khiến cho việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước không đồng bộ và thiếu kiểm soát. Các khu vực trước đây là đất trống, ao hồ, kênh rạch có chức năng điều tiết nước tự nhiên nay đã bị san lấp, bê tông hóa khiến các khu trữ và thoát nước tự nhiên bị thu hẹp nên không tiêu thoát kịp nước mưa, gây ngập tại chỗ và tràn xuống các khu lân cận có cao trình thấp hơn”.

Cũng theo ông Nguyễn Bảo Thành, số trận mưa có vũ lượng trên 100mm càng năm càng nhiều: trong 5 năm từ 2009-2014 chỉ có 12 trận (bình quân 2 trận/năm) nhưng từ năm 2015-2021, có 18 trận (bình quân 3,6 trận/năm). Ngoài ra, tổng lượng mưa trong năm cũng tăng liên tục từ năm 1976-2022, mỗi năm tăng trung bình 22,1mm. Sự gia tăng các trận mưa có vũ lượng trên 100mm, thậm chí 140 - 160mm làm cho hệ thống cống thường xuyên bị quá tải do được thiết kế chủ yếu để ứng phó các trận mưa có vũ lượng từ 60 - 80mm.

Ngay cả các tuyến cống mới xây sau này cũng lạc hậu ngay từ khâu thiết kế. Cùng với đó là sự gia tăng mực nước trên sông: số lần thủy triều có mực nước từ 1,5m trở lên ngày càng nhiều hơn trong 10 năm trở lại đây (333 lần, tăng 131% so với giai đoạn 2009-2014 và tăng 3.230% so với giai đoạn 2002-2008). Trước giai đoạn 2015, tổ hợp mưa cực đoan với vũ lượng trên 100mm chưa bao giờ xảy ra vào ngày triều cường trên báo động III (1,5m) nhưng kể từ năm 2015 đến nay, đã xảy ra 9 lần.

Theo ông Nguyễn Bảo Thành, để giải quyết tình trạng ngập, chính quyền thành phố cần sớm có giải pháp sửa chữa và đầu tư xây dựng hạ tầng thoát nước. Đối với hệ thống thoát nước được xây từ thời Pháp thuộc, có thể dùng công nghệ lót ống nhựa, gia cố các vị trí sụt cục bộ. Đối với các khu vực có hạ tầng thoát nước chưa hoàn chỉnh hoặc chưa có hệ thống thoát nước, nên đầu tư xây dựng cống thoát nước mới đảm bảo tính kết nối đồng bộ. Bên cạnh hệ thống thoát nước nhân tạo, cần ưu tiên cho việc tiêu thoát nước tự nhiên, như bảo vệ, cải tạo hệ thống kênh rạch và đẩy nhanh việc xây dựng 103 hồ điều tiết theo quy hoạch.

13 tuyến đường “hễ mưa là ngập”

Theo Sở Xây dựng TPHCM, toàn thành phố còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa và 5 tuyến đường trục chính ngập do triều cường. Các tuyến chính ngập do mưa gồm Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Hồ Học Lãm, Quốc lộ 1A (quận Bình Tân), Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh). Các tuyến chính ngập do triều cường gồm Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Theo kế hoạch, năm 2024-2025, ngành chức năng TPHCM triển khai các dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên các đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Quang Trung, Lê Đức Thọ, đồng thời phấn đấu hoàn thành dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI