Trọng tâm tháng Sáu: giám sát nguy cơ sốt xuất huyết
Tổng số trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) điều trị nội và ngoại trú cộng dồn từ đầu năm đến nay, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM là hơn 6.000 ca, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2019 (21.652 ca). Năm nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy tình hình có vẻ “yên ắng”, nhưng Sở Y tế thành phố cho biết vẫn xác định một trong các công việc trọng tâm trong tháng Sáu là giám sát các điểm nguy cơ gây dịch SXH, nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch.
|
Tập huấn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết trên người lớn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM |
Quan sát trong bối cảnh toàn khu vực phía Nam, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP.HCM, tỏ ra thận trọng: “Bệnh SXH được xem là một trong những mối nguy y tế công cộng hàng đầu hiện nay bởi sự lây lan nhanh chóng và những gánh nặng bệnh tật mà bệnh gây ra cho con người”.
Tuy tình hình ở TP.HCM tương đối ổn định trong 5 tháng đầu năm 2020, thế nhưng theo Viện Pasteur TP.HCM, các ổ dịch SXH vẫn liên tục xuất hiện trên địa bàn miền Nam. Đặc biệt, khi mùa mưa đang đến và tập quán trữ nước sạch của người dân trong các cộng đồng dân cư. Thói quen này tạo ra môi trường thuận lợi cho việc gia tăng quần thể lăng quăng, muỗi vằn là véc-tơ truyền bệnh.
Đó là chưa kể tốc độ đô thị hóa nhanh trong bối cảnh quy hoạch hạ tầng chưa tương xứng, việc phát triển “nóng” của du lịch, việc giao thương, đi lại của người dân trong điều kiện “bình thường mới” càng làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh SXH ở miền Nam.
Chờ... hội đồng đạo đức nghiệm thu
Bên cạnh các biện pháp phòng chống kinh điển, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc tham gia nghiên cứu vắc-xin SXH mới là cơ sở khoa học để người dân có cơ hội tiếp cận sớm với một trong những giải pháp chính trong phòng, chống SXH. Tháng 8/2019, Viện Pasteur TP.HCM đã công bố vắc-xin SXH Dengvaxia của họ đã hoàn thành nghiên cứu và thử nghiệm an toàn, có thể được chỉ định để phòng chống bệnh SXH cho cả bốn type huyết thanh của vi-rút SXH gây ra. Dựa trên kết quả này, Công ty Sanofi Pasteur (đơn vị tài trợ) đã đăng ký lưu hành vắc-xin Dengvaxia ở nhiều nước trên thế giới.
Đến tháng 11/2018, vắc-xin Dengvaxia được cấp phép ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mexico, Philippines, Brazil, Peru, Costa Rica, Venezuela, Indonesia, Bolivia, Campuchia, Thái Lan, Guatemala, Paraguay, Malaysia, Singapore... Sau đó một tháng, 31 quốc gia châu Âu cũng đã cấp phép lưu hành Dengvaxia. Ngày 1/5/2019, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tiếp tục cấp phép lưu hành vắc-xin Dengvaxia tại nước này. Như vậy, đã có 54 quốc gia trên thế giới cấp phép lưu hành cho vắc-xin Dengvaxia.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Lương Chấn Quang cho biết thêm một số thông tin về vắc-xin nói trên. Theo đó, từ năm 2011 đến 2017, Việt Nam cùng chín quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latinh cùng tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha III của sản phẩm vắc-xin ngừa SXH. Nghiên cứu này đã được Viện Pasteur TP.HCM triển khai, tuân thủ chặt chẽ đề cương, quy định quốc tế về thử nghiệm lâm sàng và chịu sự giám sát, kiểm tra suốt quá trình nghiên cứu của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế.
“Cuối năm 2019, viện đã báo cáo nghiệm thu kết quả nghiên cứu với hội đồng và hiện nhóm nghiên cứu đang cùng nhà tài trợ hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của hội đồng để được công nhận kết quả nghiên cứu. Việc xin phép lưu hành vắc-xin này tại Việt Nam sẽ do nhà tài trợ thực hiện theo các quy định hiện hành của Việt Nam”, ông Quang cho hay.
Vì vậy, để chủ động kéo giảm “đường cong” bệnh dịch SXH ngay trong tháng cao điểm của mùa mưa năm 2020, toàn dân vẫn tiếp tục thực hiện lời kêu gọi: mỗi tuần, mỗi cá nhân hãy dành 10 phút để thực hiện các hành động “đơn giản”, gồm kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy kín các lu, khạp... Thường xuyên thay nước ở các bình bông; thả muối vào chén nước kê chân chạn… Việc kiểm soát được lăng quăng, muỗi trong phòng bệnh SXH cũng sẽ giúp kiểm soát các bệnh lây truyền qua muỗi khác như Zika, Chikungunya.
Thực tế, các hành động “đơn giản” nêu trên không phải là điều dễ thực hiện với người dân, ngay cả khi đã có biện pháp chế tài bằng xử phạt hành chính. Trong khi đó, mùa mưa năm 2020, vắc-xin ngừa SXH vẫn tiếp tục lỗi hẹn.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Vi-rút - ký sinh trùng, cho biết, vừa tiếp nhận hai thanh niên mắc SXH. Trong đó, bệnh nhân N.V.M. (20 tuổi) sốt cao liên tục trong vòng năm ngày. Khi nhập viện, vùng mắt của bệnh nhân đã xung huyết, tiểu cầu hạ. Bệnh nhân đau nhức toàn thân khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt. Bác sĩ cảnh báo, các trường hợp SXH thông thường có thể điều trị và ra viện trong khoảng bảy ngày.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị xuất huyết và cô đặc máu thì khả năng có thể gây “sốc” và tử vong cao. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân sốt cao cần đi làm xét nghiệm máu để theo dõi, thay vì tự điều trị tại nhà.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 137 trường hợp mắc SXH, giảm 44,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dự báo năm nay, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều sẽ tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Huyền Anh
|
Quốc Ngọc