Mùa mưa bão đến gần, miền Trung lại phập phồng lo sạt lở

10/09/2021 - 06:19

PNO - Mùa mưa bão ở miền Trung đã bắt đầu, và những ám ảnh về những trận lũ quét, sạt lở tang thương của năm 2020 thì vẫn còn nguyên đó...

Nguy cơ sạt lở khắp nơi

Đã nhiều năm, cứ đến mùa mưa là 68 hộ dân - hơn 300 nhân khẩu ở thôn Lập, xã Thượng Nhật, huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại dắt díu nhau đi tản cư vì nỗi lo núi lở bất cứ lúc nào.

Người dân miền Trung nơm nớp lo sợ lũ về lại tiếp tục gây sạt lở, khi hậu quả cơn lũ năm 2020 vẫn chưa được khắc phục - Ảnh: Thuận Hóa
Người dân miền Trung nơm nớp lo sợ lũ về lại tiếp tục gây sạt lở, khi hậu quả cơn lũ năm 2020 vẫn chưa được khắc phục - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Hồ Văn Vang - Trưởng thôn Lập - nói: “Bà con ở đây đã hơn 40 năm rồi. Không sợ rắn, cũng chẳng sợ cọp. Giờ chỉ sợ mỗi túi nước khổng lồ của thủy điện trên đầu. Mùa lũ về, họ xả lũ, nhà cửa, vườn tược bên sông, suối trôi hết. Cho nên nghe mưa là cả làng phải chạy tránh lũ”. Thôn Lập đang bị vây bởi hơn 20 điểm sạt lở lớn nhỏ. 
Sạt lở núi cũng đang uy hiếp cuộc sống của 21 hộ dân thị trấn Khe Tre của huyện Nam Đông, nơi nằm giữa cao tốc La Sơn - Túy Loan và Tỉnh lộ 14B với nhiều ngôi nhà cạnh đồi, núi đã được bạt đi để làm đường cao tốc.

Ông Lê Thanh Hồ - Phó chủ tịch huyện Nam Đông - thông tin: “Về mùa mưa bão, bà con nhân dân vùng có nguy cơ sạt lở núi hết sức lo lắng. Chính quyền cũng tìm mọi cách đưa dân đến nơi tránh lũ bão an toàn. Tuy nhiên, huyện mong muốn sớm được bố trí vốn để tái định cư, đưa bà con đến nơi ở mới an toàn”.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 48 điểm thường xuyên xảy ra sạt lở núi, tập trung ở các huyện Nam Đông, Phong Điền, A Lưới.   

Trận lũ tháng 10/2020 ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) làm 39 người chết, trong đó hơn 30 người chết do sạt lở đất ở các xã Hướng Phùng, Húc,  Hướng Việt. Ngồi bên nhà sàn của con trai, già làng Hồ Văn Phức (63 tuổi, thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt) nhìn về dãy núi Ka Lóc - nơi lũ đã cuốn trôi ngôi nhà của ông và nhiều nhà của bà con vào năm ngoái, rồi nói: “Nhà mất thì chính quyền đã hỗ trợ dựng lại, nhưng ruộng nương thì đến nay vẫn chưa thể khôi phục. Nhiều vết sạt lở vẫn đe dọa nhà cửa, làng mạc dưới núi khi mùa mưa bão đang tới gần”. Nỗi lo của già làng cũng là nỗi lo chung của 1.034 hộ gia đình thuộc 14 xã của huyện Hướng Hóa.

Ngoài nỗi lo do thiên tai, dân còn có nỗi lo đến từ hàng chục dự án điện gió đang ồ ạt thi công. Tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi khoảng 160ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất trống để triển khai các dự án điện gió. Tuy nhiên, qua kiểm tra đánh giá việc chuyển đổi rừng, thu hồi đất ở các dự án này thì thấy vẫn có nguy cơ xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa ở các bãi thải và đường thi công của các dự án. Vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sạt lở đất từ các dự án điện gió nằm trên địa bàn sáu xã của huyện Hướng Hóa với 147 hộ dân đang sinh sống.

Ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị - cho hay đơn vị đã lập phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để di dời 65 hộ với hơn 300 nhân khẩu ra khỏi khu vực của Dự án điện gió Amaccao trên địa bàn xã Húc. 

Tại Quảng Ngãi, dân xã Sơn Long, huyện Sơn Tây đang… run vì mưa lớn bắt đầu kéo dài. Ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch xã Sơn Long - kể lại: “Năm ngoái, mưa bão đã làm lũ bùn biến thành sông, vùi lấp hai nhà dân ở thôn Ra Pân, làm bị thương một người và đe dọa tính mạng 47 hộ dân. Tuy nhiên, đến nay khu tái định cư chưa hoàn thành, bà con vẫn chưa được chuyển tới nơi ở mới. 

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có 48 điểm có nguy cơ sạt lở cao, uy hiếp tính mạng và tài sản của dân tại các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ. Ngoài ra vẫn còn những điểm sạt lở khác ở ven biển, ven sông suối.

Tại Quảng Nam, gần một năm xảy ra lũ quét gây ra cảnh chết chóc, các khu vực bị cô lập, đến nay theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch huyện Phước Sơn - nguy cơ tái diễn sạt lở và bị cô lập tại nhiều địa phương vẫn rất cao. Thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Thành đang hết sức hoang mang bởi ẩn họa sạt lở từ ngọn núi phía sau lưng trường.

Ông Trà Văn Nhiều - Hiệu trưởng nhà trường - lo lắng: “Khi thi công bờ kè phía sau lưng trường vào thời điểm có mưa lớn, một tảng đá lớn đã đổ ập xuống. Với tình hình này, trong mùa mưa bão sắp tới sẽ khó đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò trường chúng tôi”. Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng Giáo dục huyện Phước Sơn - cảnh báo: “Chỉ cần một cơn mưa giông thì lượng nước đổ xuống đã vô cùng lớn. Nếu không có giải pháp căn cơ thì nguy cơ trong năm học này là rất lớn”.

Vết sạt lở cũ ở H.Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn còn ngổn ngang trước mùa mưa lũ - Ảnh: Nguyễn Dương
Vết sạt lở cũ ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn còn ngổn ngang trước mùa mưa lũ - Ảnh: Nguyễn Dương

Người dân của ba xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc - huyện Phước Sơn hằng ngày vẫn nơm nớp khi lưu thông trên đoạn đường huyết mạch bởi nơi nào cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất thình lình. “Từ năm ngoái đến nay vẫn như thế, chẳng thấy ai tới sửa đường sá. Núi đứt chân rồi, chỉ cần mưa lớn là lại đổ ập xuống thôi” - ông Hồ Văn Phen, ở xã Phước Thành, nói. Khu vực đồi Chim (xã Phước Thành) là nỗi khiếp sợ của người dân mỗi khi đi qua, bởi những tảng đá khổng lồ trên ngọn đồi...

Đối với người dân của những xã vùng cao, dường như không còn chỗ nào an toàn tuyệt đối.

Khó khăn ứng phó

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch huyện Phước Sơn - cho biết: Huyện đã tích trữ 70 tấn lương thực để chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới, trong đó, mỗi xã vùng cao như Phước Kim, Phước Lộc, Phước Thành sẽ có 20 tấn. Lương thực được tập trung ở nhà làng hoặc trụ sở UBND xã để cấp phát kịp thời cho dân. Huyện cũng đã huy động các phương tiện tại chỗ ở các xã, tích trữ dầu để khi xảy ra sạt lở, các tuyến đường bị cô lập, thì sẽ có lực lượng tại chỗ nhanh chóng thông đường, đảm bảo giao thông thông suốt. Ngoài ra, huyện cũng vận động tiểu thương ở các xã tích trữ lương thực để phục vụ bà con nếu xảy ra thiên tai. 

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cũng đánh giá nguy cơ sạt lở đất gây nguy hiểm với người dân ở khu vực miền núi, ven sông, ven biển là rất cao. Trong khi đó, điều kiện sắp xếp lại dân cư còn rất khó khăn, nhất là về nguồn vốn, quỹ đất tái định cư và việc thay đổi phong tục tập quán sinh sống, sản xuất của người dân. Thêm vào đó, một bộ phận người dân thiếu kỹ năng trong phòng, chống bão. Vì thế, dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh được rủi ro. 

Kinh phí, luôn là bài toán đau đầu cho các giải pháp bền vững. Ông Đặng Văn Hòa - Phó chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trước mắt, đơn vị này phối hợp với Trường đại học Khoa học Huế tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, đồng thời bố trí lực lượng thường trực tại những khu vực có nguy cơ cao.

Để ứng phó với các điểm sạt lở ở xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa), tỉnh Quảng Trị cũng đang đầu tư xây dựng khẩn cấp bờ kè và hệ thống nước sinh hoạt cho dân với kinh phí 13,5 tỷ đồng; di dời khẩn cấp 56 hộ dân với 271 khẩu ở các thôn Cuôi, Cha Lỳ và bản Cooc Long, xã Hướng Lập, 18 hộ ở các thôn Tà Rùng, Cu Dong, Ta Núp, xã Húc và 171 hộ sinh sống dưới núi Ta Bang thuộc thôn Ra Ly - Rào, xã Hướng Sơn...

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết hiện tỉnh đã yêu cầu các chủ dự án điện gió hạ thấp bãi thải, đầu tư xây dựng kè, gia cố những vị trí có nguy cơ sạt lở. Tỉnh cũng phối hợp với các chủ dự án điện gió tiến hành trồng cây xanh để khôi phục thảm thực vật và chống sạt lở đất.

Nhóm phóng viên miền Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI