Mua một vé đi tuổi thơ về cánh đồng mùa lạc

03/07/2019 - 14:00

PNO - Món lạc rang, lạc luộc (đậu phộng) có mặt ở hầu hết các quán nhậu. Tôi cũng thường ngồi uống bia, bóp vỏ lạc mà chẳng bao giờ gặp lại được cái mùi vị của rổ lạc luộc quê nhà, vào một mùa hè xa lơ xa lắc...

Tiếng chào hỏi, cười nói, trêu đùa hòa vào những cơn gió làm dịu đi mệt nhọc, hong khô những giọt mồ hôi.

Ngay từ khi trời còn chưa sáng rõ, bếp nhà đã đỏ lửa, các bà, các mẹ dậy nấu cơm chuẩn bị cho buổi dỡ lạc. Từ sớm, tôi đã nghe tiếng mẹ múc nước giếng vo gạo. Tiếng nước nhỏ lõng tõng từ đáy chiếc gàu thủng làm tôi tỉnh giấc. Dưới bếp, lửa bập bùng hắt ánh sáng vào tấm liếp.

Tôi chạy xuống bếp hỏi: “Mẹ ơi! Hôm nay nhà mình đi dỡ lạc hả mẹ?”. Mẹ đang lúi húi thổi lửa, giật mình quay ra nhìn tôi: “Ô hay, thằng này hôm nay dậy sớm thế! Ra giếng rửa mặt đi con”. Ngoài sân, tôi thấy cha đang chẻ lạt tre chuẩn bị đòn gánh và xe cải tiến sẵn sàng cho công việc. 

Mua mot ve di tuoi tho ve canh dong mua lac
Ảnh minh họa

Mùa lạc đông vui không kém mùa gặt. Trên các thửa ruộng, ai nấy thoăn thoắt nhổ lạc trong cảm giác hồi hộp mong một mùa sai củ. Tiếng hỏi thăm nhau xôn xao: “Lạc nhà bác năm nay thế nào?”.  Nếu tiếng cười đáp lại náo nức khắp đồng, ấy là vụ mùa thắng lợi, còn ngược lại, chỉ nghe thấy những tiếng thở dài khe khẽ… Nhưng việc mất mùa kỳ thực chỉ làm mọi người trầm đi một chút, chẳng mấy chốc, tiếng cười nói lại râm ran. Người nông dân vốn quen vất vả, và không thích phải buồn quá lâu. Họ lại chuyện trò và cười đùa, cho quên cái nắng, cái mệt.

Nắng mỗi lúc một gay gắt, những khóm lạc cũng được nhổ lên nhanh dần và khẩn trương hơn. Trong ruộng, lạc nhổ xong được xếp thành từng bó nhỏ. Mọi người làm theo phân công, người nhổ cứ nhổ, người bó cứ bó, công việc theo đó mà trôi chảy. Những bó lạc sau đó được gánh ra bờ ruộng, chất lên xe cải tiến. Từ xa trông chúng như những con trâu mộng chậm rãi xếp thành đoàn tiến về các ngõ xóm, đường quê. Lúc này, những giọt mồ hôi to tròn nóng hổi đã ướt đẫm khuôn mặt đỏ gay của những người nông dân. Họ đã thấm mệt, tiếng í ới cũng lắng dần. Bọn trẻ con chúng tôi dường như chẳng biết mệt là gì, mải rượt theo những chú sẻ nâu đang nhảy lách chách quanh những khóm lạc, hay tìm kiếm những con nườm nưỡm màu xanh, màu nâu béo nục, xâu chúng vào ngọn cỏ may rồi đem về nướng. 

Nhưng có lẽ điều gây nhiều thích thú nhất vẫn là “giao dịch” đổi lạc lấy kem từ các bác bán kem dạo quanh cánh đồng. Khi nghe tiếng kêu “kem mút… kem mút” từ chiếc kèn của bác bán kem là lũ trẻ con lại nhao nhao đòi cha mẹ mang lạc ra đổi. Những que kem mát lành của con trẻ khiến mệt nhọc của người lớn dần tan biến. Mùi đất và mùi lạc quyện cùng mùi mồ hôi ngai ngái thoảng lên trong gió.

Mua mot ve di tuoi tho ve canh dong mua lac
Ảnh minh họa

Lạc sau khi thu hoạch về được chất đống ở góc sân, trên thềm hay ở các gốc cây. Nhà nào cũng thức nguyên buổi trưa để ngồi vặt củ lạc, rồi chia ra làm hai loại: lạc già và lạc non. Lạc non để nhà dùng, còn lạc già dành để bán. Công đoạn vặt lạc cũng khá đơn giản và nhanh, nhưng cũng có năm mưa nhiều, những thửa ruộng thấp bị úng nước, đất nhão bám vào củ, sau khi dỡ lạc về phải mất công đãi rửa khá lâu. 

Sau đó, người ta mang lạc ra sân gạch để phơi, những củ lạc cứ thế nằm lăn lóc giữa nắng hè cho đến khi ráo. Mẹ phải canh để trở lạc cho đều nắng, những củ lạc đã sắp khô, hạt lạc nằm trong vỏ cựa mình kêu rào rào. Khi những củ lạc đã khô, người ta gom lạc vào nhà cất chờ đem bán.

Vào mùa lạc, buổi tối nhà nhà lại í ới gọi nhau quây quần bên rổ lạc luộc cùng ấm nước chè và điếu thuốc lào. Sự gần gũi và thân tình nối dài những câu chuyện hàn huyên. Tôi đặc biệt ưa những củ lạc non và lạc bánh tẻ (thứ lạc nửa non nửa già), vừa bùi, vừa béo, lại thêm vị ngòn ngọt đặc trưng.

Lê Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI