Mùa mía

17/06/2014 - 11:27

PNO - PN - Má vừa đẩy nôi vừa hát ru thằng cháu ngoại. Chưa dứt bài hát ru má đã buông lời: “Ở quê mình giờ này lại đến mùa nấu đường rồi nhỉ...!”.

Tôi biết má đang nhớ quê, nhớ những bãi bồi bên sông được trải thảm bởi màu xanh ngút ngàn của những đám mía.

Cách đây chừng hơn mười năm, vùng trung du xứ Quảng quê tôi mía nhiều vô kể. Người dân quê nghèo, suốt đời chỉ trông vào nương sắn, luống ngô, bãi mía. Thế nên tuổi thơ của ba, của má, rồi của tôi không có bánh kẹo, không đồ chơi… Phải chăng vì thế mà củ khoai, khúc mía, và cả tán đường đinh, chồng bánh tráng nhúng đường đã trở thành những món quà vặt quý với lũ trẻ nghèo chúng tôi.

Mua mia

Từ sáng sớm, trên những cánh đồng mía, đã nghe rộn ràng giọng nói cười. Người róc mía, lấy ngọn; kẻ chặt gốc. Mía được gom lại xếp thành từng chồng . Lũ trẻ chúng tôi tha hồ ăn mía đến rát lưỡi. Khi những bó mía được đưa về chòi đạp mía cũng là lúc lò đường nổi lửa, bắt đầu công đoạn nấu đường. Mặt trời gần đứng bóng, mùi thơm từ các lò nấu đã theo gió lan tỏa khắp xóm dưới, làng trên. Chúng tôi đi học về, bụng đói cồn cào không thể kìm lòng, liền chạy vào các chòi mía xin một gáo nước chè hai (thứ nước mía ép ra chuẩn bị chuyển qua nấu đường), uống xong là vẻ mặt lại tươi như hoa. Thỉnh thoảng, chủ lò còn cho cả một bẹ đường non, chỉ cần dùng đũa chọc vào lớp đường mỏng dính rồi quấn tròn cho đến khi đường bu quanh đầu đũa là có thể tha hồ thưởng thức.

Thú vị nhất là khi má mang cả chục cái bánh tráng đi nướng rồi đến lò để nhúng đường. Thứ bánh tráng được nhúng với đường non khiến cả bọn trẻ thèm thuồng.

Món bánh tráng nhúng đường tưởng giản đơn nhưng phải biết cách và người quen tay làm bánh mới ngon. Ngày ấy, má thường lấy những chiếc bánh sắn (loại bánh tráng bằng bột sắn lọc) được giấu kỹ trong ghè mang đi nướng. Chỉ những năm lúa mùa trúng đậm, mới có được chiếc bánh gạo thơm ngon hơn. Dù bánh tráng sắn hay bánh tráng gạo thì vẫn không hề giảm đi sự thích thú của chúng tôi.

Bánh được nướng trên lửa than đã quạt thật hồng. Phải lật trở đều tay sao cho bánh vừa chín tới, không được cháy vàng. Nướng xong, má dùng sợi lạt tre xâu lại thành chùm rồi đứng canh khi chảo nước mía đã chuyển qua “chè hai, chè ba” và đợi đúng lúc thành đường non, tức chè chuyển từ màu trắng sang màu vàng mới nhúng bánh. Chỉ cần sớm hay chậm tay một chút là bánh sẽ mất ngon. Bánh vừa cho vào chảo là nhanh chóng xách lên. Bánh nguội, đường non sẽ sánh lại, trên mặt bánh lúc đó có màu vàng óng long lanh trông thật quyến rũ. Và không thể chần chừ thêm được nữa, cắn một miếng - vị ngọt thanh của đường, giòn giòn của bánh tráng cứ tan lịm nơi đầu lưỡi.

Ngày gia đình tôi xa xứ cũng là lúc ruộng mía quê không còn ngút ngàn, những lò đường không còn nhiều nữa. Biết bao giờ sống lại mùa mía đường? Để được nghe tiếng chân trâu rậm rịch, tiếng kĩu kịt của vòng xoay nước mía, tiếng củi nổ, tiếng nước chè hai sôi trên chảo... Để được thêm một lần nữa cắn vào miếng bánh tráng thơm mùi mật mía, mùi hương gạo với bao nhiêu lao nhọc, lo toan của ba, của má…

 Thanh Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI