Mưa lũ hoành hành ở châu Phi và châu Âu

16/09/2024 - 22:09

PNO - Lũ lụt và dông bão đang gây nhiều thiệt hại về người và của ở khu vực Trung, Tây Phi và Trung, Đông Âu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Lực lượng cứu hộ giải cứu người dân trong nước lũ ở Maiduguri, Nigeria vào Thứ Năm ngày 12/9 — Ảnh: Getty Images
Lực lượng cứu hộ giải cứu người dân trong nước lũ ở Maiduguri, Nigeria hôm thứ Năm ngày 12/9 - Ảnh: Getty Images

Mưa lũ trên diện rộng gần đây đã gây thiệt hại trên khắp miền Tây và Trung châu Phi, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy, hơn 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, theo báo New York Times đưa tin ngày 16/9.

​Quy mô của thảm họa khiến chính quyền các địa phương khó cập nhật đầy đủ thiệt hại về người và tài sản.

Tại Nigeria, giới chức cho biết ít nhất 200 người đã chết, nhưng là trước khi lũ lụt tấn công Maiduguri, khiến thêm ít nhất 30 người thiệt mạng. Tại Niger, hơn 265 người được báo cáo đã chết. Tại Chad, tính đến tuần trước, đã có 487 người mất mạng. Tại Mali, nơi đang trải qua trận lũ lụt tồi tệ nhất từ thập niên 1960, đã có 55 người thiệt mạng.

Tiến sĩ Olasunkanmi Okunola, nhà khoa học về khí hậu, cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu được thể hiện bởi những gì chúng ta đang chứng kiến ​​ngay lúc này. Thời tiết cực đoan sẽ còn gây thiệt hại từ 30 đến 50 tỉ USD mỗi năm trong thập niên tới ở khu vực".

Trong khi mưa lũ vẫn đang hoành hành ở các nước châu Phi gần vịnh Guinea, thì bão Boris đã khiến các con sông vỡ bờ và ngập lụt ở khu vực Trung và Đông Âu, khiến 8 người thiệt mạng ở Áo, Ba Lan và Romania, ở Cộng hòa Séc, 4 người khác mất tích, theo báo The Guardian đưa tin ngày 16/9.

Nhiều vùng của Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Romania và Slovakia đã trải qua cuồng phong và mưa lớn bất thường từ thứ Năm ngày 12/9. Một số vùng của bang Tirol, phía tây bắc nước Áo, bị tuyết phủ dày tới 1m, chuyện hiếm khi xảy ra vào giữa tháng Chín, khi nhiệt độ tuần trước tới 30 độ C. Các dịch vụ khẩn cấp đã can thiệp gần 5.000 lần trong đêm tại vùng Hạ Áo, nơi lũ lụt khiến nhiều cư dân bị mắc kẹt trong nhà.

Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho biết: “Chúng ta một lần nữa phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, hiện diện ngày càng rõ ở châu Âu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng”. Thị trưởng Emil Dragomir của làng Slobozia Conachi ở thành phố Galati, bên sông Danube, cho biết lũ lụt đã nhấn chìm 700 ngôi nhà tại đây, trong “một thảm họa khủng khiếp”.

Trường An (theo New York Times, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI