Mùa lồng đèn của đám con nít nghèo Chợ Lớn

29/09/2020 - 12:04

PNO - Đến đúng đêm 14, sau bảy giờ tối là tụi con nít bắt đầu đốt đèn Trung thu, rồi đi lên đi xuống, dọc con hẻm. Những ngọn đèn Trung thu tỏa sáng, soi rõ từng gương mặt lũ trẻ đang hân hoan rước đèn

Nghỉ ngơi một thời gian sau mùa “cô hồn” tháng Bảy, tụi tui biết tiếp đến sẽ là mùa chơi lồng đèn Trung thu. Khi lời bài hát “Tết trung thu đốt đèn đi chơi, ta đốt đèn đi khắp phố phường…” (Đức Quỳnh) vang lên từ những chiếc radio, thì tụi tui, những đứa con nít xóm nghèo Chợ Lớn, sau giờ đi học về, sẽ bắt đầu chương trình “khéo tay hay làm” những chiếc đèn Trung thu cho chính mình. 

Ậy, đứa nào cũng có vẻ bí mật về chiếc đèn Trung thu của mình. Vì trong cái đêm chị Hằng ló mặt cùng chú Cuội nhìn xuống trần gian, từ “ánh trăng trắng ngà, có cây đa to…” là tụi tui sẽ cùng nhau đi rước đèn từ đầu làng đến cuối xóm. Vừa đi, vừa bình phẩm xem lồng đèn của đứa nào ngầu nhất. Tất nhiên là không tính lồng đèn mua từ phố Lương Nhữ Học (Q.5, TP.HCM) về. Vì lồng đèn mua thì quá đẹp, nhưng lại không bằng công sức của chính mình nên tụi tui chẳng thèm chơi. 

Nói vậy chứ, nhiều khi nhìn lồng đèn mua từ tiệm sao thấy nó đẹp và lung linh sắc màu quá; nhưng khổ nỗi, sắc màu lồng đèn lại không phù hợp với sắc màu đồng tiền của mẹ cha. Tui còn nhớ thằng Ti, cha nó buôn bán trong Chợ Lớn, mùa Trung thu năm nọ mua cho nó cái lồng đèn con cá to đùng, đẹp ơi là đẹp. Nhưng khi đang rước đèn, cây đèn cầy cắm không chặt vào cái lò xo kẽm cố định trong thanh tre, ngã xuống và bốc cháy. Nó khóc hù hụ. Thế là mất vui cho nó, cũng như tụi tui vào mùa Trung thu năm đó…

Đèn Trung thu dễ làm nhất, dành cho tụi con gái khéo tay, đó là lồng đèn xếp. Tụi con gái lấy giấy tập trắng tinh, tỉ mẩn gấp lại theo chiều dọc, sau đó cắt một miếng hình tròn làm đế, rồi cắt tiếp một hình tròn khác có khoét lỗ tròn chính giữa làm miệng đèn. Dán miếng giấy trắng đã gấp vào đế và miệng đèn là tụi nó đã có một chiếc lồng đèn xếp tuyệt đẹp. Đứa nào có hoa tay vẽ thêm hoa lá lên tờ giấy trước khi gấp, thì lồng đèn này ngon lành đâu thua gì đèn của tụi con trai.

Bọn con trai tụi tui có vẻ “công nghiệp” hơn. Thằng nào làm biếng nhớt thây thì làm lồng đèn “dẹp”. Tụi nó dùng lon sữa bò, lấy kéo cắt dọc thân lon thành những đường thẳng song song, khoét miệng trên rồi đập hai đầu lại. Chính giữa thân lon sẽ phình ra, tạo thành những khe hở, để khi cắm cây đèn cầy vào, thì ánh sáng sẽ len lỏi qua những khe hở này mà tràn ra bên ngoài. 

Còn một cách làm đèn Trung thu bằng lon sữa bò khác cũng thú vị không kém. Tui lấy một thanh tre làm tay cầm. Phía đầu thanh tre có một cọng kẽm thật cứng, xuyên qua một ống chỉ to, phía đầu chĩa lên trên. Tui đục hai cái lỗ đối diện nhau trên lon sữa bò rồi dùng cọng kẽm xuyên qua, nằm lên trên ống chỉ. Rồi làm thêm một lon sữa tương tự và đặt lên trên cọng kẽm theo hướng ngược lại với cái lon sữa trước. Cắm hai cây đèn cầy vào thân lon rỗng và bắt đầu đẩy thanh tre, thế là tui đã có một lồng đèn di động, có ánh sáng đèn cầy, lại quay theo từng bước chân đi. Chưa hết, cái lồng đèn này còn phát ra âm thanh lon con nghe rất vui tai, mà lại không sợ cháy hay tắt lửa.

Thằng Bông, anh con Út còn siêu hơn. Nó đi tìm mua một thân cây tre, vuốt thành từng thanh mỏng, ngâm nước rồi lại hơ lửa cho dễ uốn cong. Từ những thanh tre đã được “tôi luyện” này, nó làm khung cho những lồng đèn con cá, con bướm, máy bay, tàu thủy… Nó mua giấy bóng kiếng về, căng ra rồi dán ốp lên khung. Thế là mỗi một mùa Trung thu, anh em nó chơi lồng đèn thứ thiệt, chẳng thua gì lồng đèn mua ở Chợ Lớn.

Đến đúng đêm 14, sau bảy giờ tối là tụi con nít bắt đầu đốt đèn Trung thu, rồi đi lên đi xuống, dọc con hẻm. Thời ấy, con hẻm nghèo, chỉ có một vài cột điện với bóng đèn hiu hắt, lặng câm, nên những ngọn đèn Trung thu tỏa sáng, soi rõ từng gương mặt lũ trẻ đang hân hoan rước đèn. Tiếng bình luận đèn xấu, đèn đẹp vang lên ỏm tỏi. Thỉnh thoảng có đứa nghễnh ngãng làm cháy lồng đèn. Đó là dịp để chúng tui bu vô, bình luận, chỉ trỏ một cách khoái chí, mặc cho khổ chủ đang eo xèo đau khổ.

Cứ đi vòng vòng từ đầu trên xuống xóm dưới đến rã chân, tụi tui mạnh ai về nhà nấy ăn bánh Trung thu sau khi đã được thắp hương cúng bàn thờ ông bà. Tùy hoàn cảnh từng gia đình, mỗi đứa được hưởng hương vị khác nhau của từng thương hiệu bánh Trung thu khác nhau. Riêng má tui hằng năm chỉ đủ sức mua một cái bánh nướng hình con heo mẹ béo ú với năm con heo con đang bú vú mẹ. Mỗi anh em tui vừa đủ mỗi người một con heo bé tí, còn con heo mẹ bị “phanh thây” bằng một con dao nhỏ, rồi chia cho từng đứa con. Đứa cái đầu, đứa cái mũi, đứa cái bụng… Đến bây giờ, tui cũng quên mất không biết ba má tui ăn phần nào của con heo trong cái bánh Trung thu đó…

Rồi khi leo lên giường chuẩn bị đi ngủ, anh em tui lại nhẩm tính còn tới 365 ngày nữa mới đến ngày tết của trẻ con… Thế rồi tuổi thơ tụi tui đi qua hồi nào không hay. Trung thu năm nay về thăm lại xóm nhỏ, chỉ thấy đèn điện sáng choang. Một vài thằng bé cầm iPad bấm nhoay nhoáy… Tui chợt thấy những thằng nhỏ cầm lồng đèn ngày xưa trong xóm cũ chỉ là hình ảnh nhạt nhòa của một ký ức đẹp. Không phải đẹp mà là rất đẹp trong sự hoài vọng thanh xuân. 

Lê Văn Nghĩa 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI