Mùa lạnh đang đến, đừng để cái chết lặp lại do đốt than sưởi ấm

06/12/2020 - 06:20

PNO - Thời tiết vừa chuyển lạnh, một gia đình ở Quảng Bình có đến 2 em nhỏ tử vong do đốt than sưởi ấm.

Những cái chết tức tưởi vì khí than

Các chậu than được tìm thấy dưới giường ngủ của gia đình chị L. ở Quảng Bình
Các chậu than được tìm thấy dưới giường ngủ của gia đình chị L. ở Quảng Bình

Cách đây 3 ngày, tại xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lại xảy ra vụ ngộ độc khí than sưởi ấm vô cùng thương tâm, làm 4 người trong cùng gia đình tử vong và nguy kịch.

Anh D.V.T. (em chồng chị T.T.T.L.) kể, hơn 7 giờ sáng 3/12, khi đến nhà chị L. để chở cháu đi học thì phát hiện 4 mẹ con chị nằm bất động trên giường ngủ.

Anh vội vào kiểm tra, thấy hai cháu D.T.H.T. 9 tuổi và D.Đ.H. 4 tuổi đã chết. Chị L. và người con út hơn 20 ngày tuổi đang hôn mê. Ngay sau khi phát hiện, cả hai mẹ con được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới trong tình trạng nguy kịch.

Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng địa phương phát hiện có 3 chậu than đốt đặt ở dưới giường ngủ dùng để sưởi ấm, nhà đóng kín cửa. Theo nhận định ban đầu, 4 mẹ con chị L. bị ngộ độc khí cacbon monoxit (CO) do đốt than để sưởi ấm.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên ngộ độc khí than, trước đó chưa được nửa tháng, ngày 17/11/2020 trên địa bàn xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Một gia đình 4 người, gồm: bà M.T.H. (54 tuổi), anh B.V.C. (25 tuổi), chị B.T.V. (24 tuổi, vợ anh C.) và cháu bé con chị V. mới 2 ngày tuổi bị ngộ độc khí than phải nhập viện.

Mẹ chị V. nhớ lại, lúc đến thăm cháu thì phát hiện cả 4 người đang trong tình trạng hôn mê nên đưa đến Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh cấp cứu. Sau đó, bà H. cùng anh C. do ngộ độc nặng tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu. Sau sự việc, lực lượng chức năng đến kiểm tra thì xác định gia đình này sưởi than trong phòng kín nên nghi vấn bị ngộ độc khí CO.

Đây không phải là lần đầu tiên ở Hà Tĩnh xảy ra vụ ngộ độc do đốt than sưởi ấm. Năm 2017, Hà Tĩnh từng ghi nhận nhiều gia đình bị ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm vào mùa đông. Đơn cử như gia đình anh N.T.T (45 tuổi, trú tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) có tới 6 người bị ngộ độc, riêng vợ và con gái bị hôn mê, còn anh sùi bọt mép, tổn thương sọ não.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng từng tiếp nhận bệnh nhân N.V.H. (42 tuổi, quê Hải Phòng) ngộ độc khí CO nặng do sưởi bằng than củi trong phòng kín. Trước đó bệnh nhân ngủ một mình, đốt than củi để sưởi từ 22g trong phòng kín có diện tích khoảng 12m2. Sáng hôm sau, bạn bè không thấy dậy nên 11g trưa đã phải phá cửa phòng. Tại bệnh viện, bệnh nhân phải thở máy với nhiều dấu hiệu tổn thương thần kinh.

Không chết cũng để lại di chứng

Bệnh nhân ngộ độc khí CO điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân ngộ độc khí CO điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phân tích, bản thân khí CO không màu, không mùi, không vị nên rất khó phát hiện chúng đang hiện diện trong phòng kín.

Khi hít phải, khí CO nhanh chóng ngăn cản khả năng vận chuyển oxy của của hồng cầu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

“Khí CO trực tiếp gây độc với các tế bào, đặc biệt là các tế bào hoạt động mạnh, tích cực như não, tim có thể làm con người bất tỉnh và tử vong nhanh chóng, nhất là ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như: giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Tình trạng ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ở nước ta khá phổ biến, nhất là vào trời rét, thời điểm trước và sau Tết. Một trong những nguyên nhân khiến khí CO khó thoát ra bên ngoài là do hiện nay, nhiều gia đình xây dựng nhà với cấu trúc nhà ống, rất kín gió, làm hạn chế sự trao đổi không khí.

Để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, bác sĩ khuyến cáo người dân trong điều kiện thời tiết rét mùa đông tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà.

Trường hợp buộc phải đốt sưởi cần đảm bảo mở rộng cửa tạo ô thoáng cho việc trao đổi không khí. Ngoài ra cần biết một số kỹ năng cấp cứu người bị nghi ngộ độc khí CO.

 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, khi phát hiện có người bị ngạt khí CO, việc đầu tiên cần làm là mở tất cả các cửa để thoáng khí, sau đó đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc.

Trường hợp bệnh nhân bất tỉnh hoặc thở khò khè, phải nhanh chóng để bệnh nhân nằm nghiêng, quay mặt sang bên phải và gọi cấp cứu để kịp thời xử trí. Trong quá trình đưa đến cơ sở y tế, nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo.


An Bình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI