Mùa làm đẹp hàng rào

06/01/2023 - 06:24

PNO - Những ngày cận tết, bắc ghế đứng cắt hàng rào, nhịp kéo và mùi lá cây ấy hẳn nhiên đã là một phần ký ức vui của những người nhà quê.

1. Chiều cuối năm, trời quê se lạnh, tôi thảnh thơi đạp xe lòng vòng chơi. Ngang qua nhà thầy giáo cũ, tôi thấy thầy đang cắt tỉa hàng rào. Dễ gần 20 năm tôi mới lại thấy cảnh này nên tim đập chậm vài nhịp. 

Từ lâu, người quê đã bê tông và sắt thép hóa hàng rào, tường cột nhà cửa, nên tôi tưởng những ngôi nhà có hàng rào cây chỉ còn trong ký ức. Tôi chào hỏi thầy vài câu, dĩ nhiên trầm trồ về cái hàng rào, thầy nói: “Ừ, mất công cắt tỉa một chút nhưng nó là hàng rào có sự sống. Mỗi lần sửa sang ngửi mùi hăng hắc của lá cây vừa cắt riết rồi ghiền luôn”. 

Đúng rồi, hàng rào bằng cây thì vẫn vươn cành ra lá, muốn chúng gọn gàng phải cắt tỉa. Hằng ngày, đi ra vào cổng nhà thấy hàng rào lớn lên cũng vui, nhất là vào tháng Chạp, thời tiết quê tôi rất đẹp, không cần chăm cành lá vẫn mơn mởn non tơ. 

Tôi đã mừng vui khi gặp những ngôi nhà có hàng rào cây xanh mơn mởn
Tôi đã mừng vui khi gặp những ngôi nhà có hàng rào cây xanh mơn mởn

 

Hàng rào cây thì sống, vậy hàng rào gạch đá bê tông, sắt thép quả nhiên là… chết, muốn nó “sống” hơn, phải sơn phết lại. Mùi tươi mới của nhựa cây rõ ràng hay hơn hẳn so với mùi sơn mới. Giờ chỉ mình thầy tôi - người hiếm hoi giữ lại nét xưa - lặng lẽ cắt tỉa hàng rào, nhưng tôi tin rằng người đàn ông ấy không cô đơn, vì trong cái tĩnh lặng hẳn cũng có niềm vui khi chuyện trò với cỏ cây. Vậy nên, chẳng cần cả xóm rộn ràng bên những dãy hàng rào như xưa mới thấy tết. Thầy tôi sửa sang hàng rào trong nhịp kéo cắt tỉa nhẹ nhàng, tôi đã nhìn ra tết.

2. Cổng hàng rào nhà thầy làm tôi nhớ những ngày cận tết xa xưa. Đó là những lần theo ba má về quê, thấy nhà nhà ra phía trước cắt tỉa lại hàng rào để đón tết. Ở quê tôi người ta thường trồng cây duối - loại cây thân gỗ nhỏ, vươn khá cao - để làm hàng rào vì loại cây này dễ sống và dễ cắt tỉa, uốn cành. 

Có nhà trồng hàng rào bao quanh và có nhà còn điệu đàng uốn thành mái vòm trên cánh cổng tre hoặc kỳ công tạo dáng thành cổng ra vào. Cả năm bận việc nông, việc chợ, nên có khi chủ nhà không nhòm ngó gì, lúc sắp đón tết tranh thủ sửa sang hàng rào, khoảnh sân nhà mình cho đẹp, ngồi trong vườn uống chén trà phóng mắt ra ngắm nhìn mà… sướng mắt. 

Sửa hàng rào thường là việc của đàn ông, tiếng kéo lách cách kèm trong những câu chuyện nói cười nghe vui tai. Không khí tết trong bếp núc là của riêng mỗi nhà, còn tiếng đùa giỡn râm ran phía trước sân chính là âm thanh tết của cả xóm. 

Trong câu chuyện ấy, thỉnh thoảng tôi nghe họ nói với nhau vài câu bâng quơ về ruộng nương, nông cụ, kể chuyện con cháu ở xa chưa về hay chuyện mua sắm tết ra sao, năm sau định làm gì và hẹn chia nhau gói mứt gừng, đòn bánh tét… 

Những dãy hàng rào cây năm xưa chỉ cao hơn một mét để ngăn cách nhà này với nhà kia và đôi khi khoe chút tài khéo của gia chủ. Ai cần đưa hay lấy đồ gì chỉ cần đứng bên hàng rào kêu một tiếng rồi chuyền tay qua là xong. Cái sung sướng của người xưa là được an trú trong sự bình thản, chẳng ai sợ trộm lẻn vào nhà mà phải canh giữ nên cửa nẻo cứ sơ sài, thân thiện như thế.  

3. Nhà tôi ở trung tâm thị xã, đất đai eo hẹp, người ta cất nhà phố từ lâu rồi nên dễ gì có diễm phúc bước qua cổng và hàng rào cây. Nhớ có lần tôi nói với ba: “Mấy chú sửa hàng rào vui ghê, tết ở dưới quê vui hơn trên mình”. Ba tôi liền kể: “Ừ, tết quê hay lắm. Hồi ba còn ở quê với ông nội, cũng hàng rào cây duối như vậy. Khoảnh sân sau hàng rào, ông nội thường trồng cải rồi cố tình không cắt, để đến tết thì cải ra hoa, vàng dịu dàng một góc sân”.

Ba nói sơ qua, mà trong đầu tôi đã có ngay hình ảnh một ông già và một cậu bé mơ mộng, ngồi co ro với chiếc áo len trong tiết trời se lạnh mùa xuân, nhìn qua cửa sổ rồi qua mái hiên, ngoài kia vàng rực hoa cải, xa chút nữa là hàng rào cây, phóng mắt xa thêm nữa là đường đi, ruộng lúa và bầu trời rộng lớn. 

Khi sống ở TPHCM, năm nào tôi cũng tranh thủ về với tết quê. Lúc đó tôi mới hiểu, những ngày giáp tết, ba má thường đem cái này cái kia về quê, là ông bà muốn tìm về không khí tết xưa. Một quãng đời trong căn nhà tranh có tường vách, cổng rào mộc mạc, đơn sơ, có ba má, ông bà…

Những ngày cận tết, bắc ghế đứng cắt hàng rào, nhịp kéo và mùi lá cây ấy hẳn nhiên đã là một phần ký ức vui của những người nhà quê. Đó là những mùa xuân sinh động, được giao tiếp cùng cỏ cây hoa lá đang đâm chồi nảy lộc và những cơn mưa phùn. Tết của người quê giản dị và an lành… 

An Hiên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI