Mùa lạc xứ Nghệ

04/03/2022 - 19:12

PNO - Khi nắng trải vàng như mật nhưng cái lạnh thì vẫn hiện diện trong từng đợt gió khô khốc, cả một vùng đồng bằng ven biển bị cắt bởi làng mạc, những ô ruộng đã được cày xới kỹ, chuẩn bị đón mùa hạt mới.

Mẹ tôi lạch cạch lấy ra từ chiếc chum lớn bao lạc (đậu phộng) cất trữ từ mùa trước, rồi huy động cả nhà bóc vỏ, tách lấy nhân hạt. Lạc chọn làm giống chắc mẩy, mười hạt như chục, mẹ tôi đem ngâm, sau đó vớt ra ủ. Đợi hạt nảy mầm, cả nhà sẽ xuống đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Với tôi và các chị em tôi, mùa lạc thật sự là mùa vui, bắt đầu bằng những buổi chiều gieo hạt. Gió, nắng, lạnh, và cánh đồng đất mịn như cát trải ra mênh mông. Cha tôi dùng cuốc tạc rãnh, mỗi gang tay là một rãnh chạy dài, lớp lớp nối tiếp nhau như sóng nước. Mẹ và chị tôi theo chân cha tra hạt, tôi và thằng em út dùng chân khỏa lấp đất. 

Mới ngày nào hạt mầm bật đất nhô lên hai lá mầm trông như hai cái tai mèo, ngoảnh đi ngoảnh lại màu xanh của lạc đã phủ kín cánh đồng. Màu xanh non tơ, mỡ màng ấy len vào cả làng mạc. Những ngôi nhà thấp le te, ngăn cách nhau bởi những ô ruộng lạc. 

Tháng Giêng, khi đàn chim én bay về chao lượn trên cánh đồng lạc non cũng là lúc bắt đầu mùa làm cỏ. Người nông dân cầm cái cuốc nhỏ men theo từng luống lạc, bới đất nhặt cỏ, tỉ mẩn từng chút một. Có nhiều loài rau cỏ mọc xen lẫn vào những khóm lạc, nhưng “đáng gờm” nhất vẫn là cỏ gú. “Loại này phải diệt tận gốc, chỉ cần sót lại một mủn như cái đầu tăm thì chẳng mấy chốc mà thành rừng cỏ” - mẹ tôi dặn. 

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Sau vài đợt làm cỏ, lạc bắt đầu nở những nụ hoa vàng be bé. Cuống hoa trắng muốt, nhỏ như chiếc tăm nảy ra từ kẽ lá. Cánh hoa vàng mong manh, nhỏ xíu như chiếc cúc áo của trẻ sơ sinh. Hoa lạc lấp ló trong lá xanh chứ ít phô sắc ra ngoài như hoa ngô, hoa vừng. Đợi hoa hơi teo lại, thì sẽ vào mùa vun đất. Đến tháng Năm (âm lịch), khi hè vừa sang, ve kêu vang dội cả đất trời thì những củ lạc đã chắc mẫm. Lá lạc ngả từ màu xanh thẫm sang vàng nhạt lấm chấm như trứng cút, báo hiệu mùa thu hoạch bắt đầu...

Mẹ tôi canh trời vừa đổ trận mưa giông, đất đủ độ tơi xốp, liền “ra lệnh”: “Bữa nay nhổ lạc!”. Tụi con nít choai choai cũng được điều động ra đồng, hào hứng như đi hội. Mẹ tôi sẽ không quên dặn: “Đứa nào đứa nấy cấm ăn lạc sống, uống nước lã, dễ bị đau bụng. Muốn ăn, nhổ về mẹ luộc cho một nồi tha hồ ăn”. Thế là cả đám nghe theo răm rắp.

Rồi lạc cũng được nhổ lên, giũ đất, bó lại thành bó. Mẹ tôi dùng một chân đè lên gốc lạc, một tay túm lấy mớ lá, tay kia cầm chiếc liềm sắc “xoẹt xoẹt”, cây lạc bị cắt ngang thân. Phần lá lạc tươi dành làm thức ăn cho trâu bò. Phần thân dưới và gốc, rễ sau khi vặt sạch củ sẽ được ủ làm phân xanh bón cho cây trồng vào mùa sau.

Có năm canh mãi trời vẫn không mưa, anh tôi đi nhổ lạc còn cầm theo cái búa chim, khi nhát cuốc bẫy ra từng tảng đất, cái búa chim sẽ được dùng để gõ cho đất tơi ra để lấy được nguyên gốc lạc. Ấy thế mà củ lạc còn nằm lại trong đất rất nhiều.

Phải chờ trời đổ mưa to, có khi người ta còn không kịp chờ cho mưa dứt đã hò nhau túa ra đồng mót lạc. Trẻ con, người lớn người vác rổ, người mang theo bì đựng, cuốc... xăm xăm đi như chạy dưới mưa. Củ lạc non rồi củ lạc già, còn bao nhiêu củ sót bị mưa xới nổi trồi, trắng lốm đốm trên mặt đất, chờ tay người tới nhặt.

Thú nhất là mỗi khi “bắt” được một củ lạc mầm dưới mưa mập ú, trắng nõn như bông. Tụi con nít vặt gốc, vặt ngọn cho vào miệng nhai rau ráu. Lạc mống ăn có vị giòn và ngọt, ai quen ăn sẽ nghiền không khác gì một thức quà quê. Cũng là mầm lạc ấy, rửa sạch, sơ chế rồi đem xào cùng mỡ, hành, nêm thêm chút tiêu, mặn ngọt vừa đủ. Ngày mưa lạnh lẽo ăn cơm nóng với mầm lạc xào chay cũng gọi là… ngon nhức răng.

Ảnh mang tính minh họa - baoquangngai.vn
Ảnh mang tính minh họa - baoquangngai.vn

 

Mùa thu hoạch lạc vất vả nhưng vui. Ăn cơm tối xong, nhà nào cũng mắc đèn ra sân ngồi vặt lạc cho tới khuya. Bên cạnh không thể thiếu rổ lạc luộc thơm ngon nóng hổi. Bà ngoại và tụi con nít thích ăn củ lạc non, bởi lạc mềm, cắn ra hút được chút nước ngòn ngọt bên trong, thậm chí ăn được cả vỏ. Còn lạc già là những hạt khít đầy trong lớp vỏ cứng, béo ngậy và giòn tan. Vừa ăn, vừa làm, vừa nói chuyện rôm rả. 

Lạc phơi 3 - 4 hôm thì khô, mẹ tôi dùng cái mẹt sàng sảy cho sạch đất cát, nhặt bỏ củ lạc gieo. Củ lạc già và chắc được cho vào chiếc chum lớn, phủ ni-lông, trên cùng đậy một lớp lá xoan chống mối mọt. “Tài sản riêng” tất nhiên sẽ được bán cho mối thu mua, lấy tiền cho vào con lợn đất. Đợi hết hè là tới mùa tựu trường, lợn đất được đập ra lấy tiền mua quần áo, cặp sách mới…

Trở về quê sau những tháng ngày bộn bề công việc, trên con đường thênh thang dẫn về làng, nghe trong từng cơn gió tràn có mùi lạc ngọt thơm, nồng nàn, tôi biết mùa lạc đã bắt đầu. 

Nguyễn Hòe

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI