Mưa là ngoại thổi xôi

16/06/2024 - 07:02

PNO - Sài Gòn mưa, lũ lau nhau nhà tôi reo lên: “Mưa rồi, má Nga nấu xôi sắn đi má Nga ơi”.

Món xôi sắn được lưu truyền trong gia đình của tác giả
Món xôi sắn được lưu truyền trong gia đình của tác giả

Là người gốc Bắc di cư, tuy sống trong xóm toàn bà con Nam Bộ, nhưng từ ông bà nội, các bà trẻ, rồi đến ba mẹ tôi đều giữ thói quen dùng từ miền Bắc và xôi sắn tức xôi khoai mì là một ví dụ điển hình. Khi chúng tôi đòi các bà và mẹ “nấu” xôi này, sẽ luôn được nhẹ nhàng nhắc là bà/mẹ sẽ “thổi” hoặc “đồ” xôi cho cháu con.

Loại xôi này, trước năm 1975 được các bà hoặc mẹ tôi làm rất kỳ công. Sắn (khoai mì) phải chọn từng củ, đảm bảo là khoai mì bột. Sau này chiều cháu, con, thi thoảng các bà hay mẹ cũng ráng thêm một ít khoai dẻo. Khoai mua về róc vỏ, rửa sạch. Trước đó, nếp được vo sẵn. Nước vo nếp dùng để ngâm khoai qua đêm cho “ra hết nhựa độc”.

Sáng sớm hôm sau, lúc cả nhà còn say ngủ, các bà hoặc mẹ tôi mới cắt khoai nhỏ như quân cờ và hấp chín. Trong lúc xửng xôi được bắc lên bếp để “đồ” (nấu), khoai được trải trên nong tre cho “thoáng mồ hôi”.

Xôi chín được 8-9 thành (gần chín) mới cho khoai mì vào đảo đều cho nếp, khoai lẫn vào nhau. 1 chén nước ấm pha ít muối và đường sẽ được rưới đều lên chõ xôi và khoai rồi đậy lại, nấu tiếp cho đến khi “chín cả 10 thành”.

Trong lúc ấy, mớ hành củ tím bào mỏng, đã được phơi nắng hoặc để trên cái mâm nhôm hong trên bếp than tàn cuối ngày hôm trước cho héo, được lấy ra và phi lên cho thật giòn. Chính cái mùi hành phi này sẽ đánh thức những cái mũi háu ăn của lũ con cháu, dù chúng đang ngủ say, sẽ bật dậy ngay.

Xôi sắn chín tới được múc vào chén hay đĩa nhỏ gốm xanh đầy đặn, trên mặt xôi rải đều một lớp hành phi. Thỉnh thoảng, các bà hay mẹ cũng xào thêm ít thịt băm cho vào và xếp ra trên bàn ăn đều tăm tắp như những bông hoa mà màu sắc của chúng nhìn… ngon không thể tả.

Xôi sắn thường được các bà và mẹ tôi nấu vào những ngày mưa. Miếng xôi cõng miếng khoai có thêm hành phi hay thịt băm, khi ăn rưới thêm ít nước tương (xì dầu) cay ớt bùi, béo, mằn mặn; trong khi ngoài kia mưa tí tách. Thiết tưởng, những bữa ăn của vua chúa thuở xưa cũng chỉ đến cỡ này là cùng.

Các bà và mẹ tôi đã đi xa từ lâu, nhưng may quá, chị thứ hai của nhà tôi - chị Nga rồi má Nga (giờ đã lên chức ngoại) đã kịp trở thành “truyền nhân đắc ý” của các cụ. Vì vậy, những món ăn ngon của gia đình luôn có cơ hội nhắc lại.

Thế nên các cháu, dù sinh ở Sài Gòn, nhưng những từ “địa phương hẹp” như đồ xôi, thổi xôi, như sắn là khoai mì chứ không phải củ sắn hoặc các món ăn vẫn được các cháu biết và hiểu để “thuyết minh” cho bạn bè. Và nguồn mạch lưu truyền những nét văn hóa ẩm thực cội rễ, theo tôi, nhờ đó vẫn thông suốt.

Lâm Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI