Mua lá dong ở London về nấu bánh chưng ở... Scotland

25/01/2020 - 13:20

PNO - Tôi lên kế hoạch ăn Tết từ... cuối mùa Thu. Kế hoạch mở màn bằng một buổi nấu bánh chưng đúng điệu, kiểu cả nhà tề tựu, con nít lăng xăng phụ giúp, phụ nữ tụm năm tụm ba chia nhau làm lá, ngâm nếp. Chỉ khác, là ở đây tôi chỉ có hai cô con gái nhỏ và một người chồng người Pháp đang trong chuyến công tác dài ngày. Tôi không có chị em, bà con để quây quần.

Nhưng việc này thì dễ giải quyết, vì tôi có những người bạn đồng hương thân thiết như gia đình, tôi sẽ mời họ cùng tham gia. Nhưng còn một cái khó nữa, là ở đất nước Scotland hầu như không có bất kỳ nguyên liệu gì liên quan đến bánh chưng, ngoại trừ… thịt heo. Mà đã là bánh chưng đúng điệu, thì phải có lá dong, nếp Việt, đậu xanh. Điểm bán những món này gần tôi nhất là tại… London (Anh), cách nơi tôi sống 1,5 giờ bay. Tôi thảo luận với chị bạn những gì cần mua, rồi… tự lên tinh thần: “được rồi, đã là Tết thì phải công phu!”.

Cả người lớn và trẻ con đều mặc áo dài trong buổi làm bánh chưng
Cả người lớn và trẻ con đều mặc áo dài trong buổi làm bánh chưng

Nghĩ là làm, tôi nhờ chị bạn gọi điện đặt mua lá dong và đậu xanh, dây lạt để buộc bánh. Tiệm bán thực phẩm Việt Nam tại London là của một người Việt. Có vẻ quen với việc phải tiếp khách hàng… xuyên biên giới, họ không ngỡ ngàng chút nào khi nghe nói tôi cần được “ship” hàng xuống Scotland. Chúng tôi cần nấu tầm 20 cái bánh chưng nên sẽ mua 3 bó lá dong (lá dong được bán theo bó, mỗi bó 40 lá, giá 11 bảng) 9kg nếp và 3kg đậu xanh. Tất cả được “ship” về nơi tôi sống sau mấy tuần đặt hàng.

Lúc này, tôi đã mời được 4 gia đình nữa đến nhà mình nấu bánh chưng vào chiều 26 tết. Tất cả đều là những phụ nữ Việt định cư ở nơi này, có người ở cách tôi mười mấy kilomet. Ngày xưa, nồi bánh chưng thường được đặt lên bếp vào đêm 30, khi nhà đang sẵn con cháu tề tựu về dự bữa cơm cúng rước ông bà từ trưa.

Hồi đó, ở Huế, nhà tôi rất nghèo, nhưng ký ức về đêm 30 lúc nào cũng tươm tất. Vì thế mà lần này, tôi tự quy định, ngày hôm ấy, mọi người sẽ mặc áo dài. Tôi đặt mua mấy bộ áo dài thêu tay cho mấy mẹ con từ một tiệm bán đồ thêu tay ở Sài Gòn, xem như sắm đồ tết, như hồi còn con nít ở quê.

Ngày 26 Âm lịch, khi mọi người có mặt đông đủ, xúm xít soạn sành mớ lá dong, thì căn nhà trông đã khá vui mắt. Hoa, bao lì xì, bánh mứt điểm tô tết ở mọi ngóc ngách. Nhưng tôi vẫn thấy… thiếu thiếu. Mấy lọ thanh liễu, hay thậm chí là hoa cúc, hoa đào được chọn mua kỹ lưỡng đó, sao vẫn chưa trọn vẹn cái phần hoa tết trong tôi.

 Nhà cửa luôn được tôi trang trí cho
Nhà cửa luôn được tôi trang trí cho "thật tết" trong suốt những ngày này

Có lẽ vì thế mà trong lúc cùng đi chợ với cô bạn, tôi chợt bị một góc vườn đầy hoa của nhà hàng xóm… hút lại. Tôi đứng phắt lại, lặng nhìn những cành hoa bông li ti màu hồng rực trên thân gỗ trông rắn chắc, già nua. Lúc này, có lẽ đang có “ảo giác” rằng mình đang đứng ở cái xóm nghèo xứ Huế mấy thập niên trước, tôi bạo dạn… bấm chuông.

Chủ nhà ra mở cửa, tôi lịch sự chào rồi hỏi loài hoa li ti đang nở thơm ngát ngoài vườn là hoa gì. Vị hàng xóm lớn tuổi “cũng không biết nó là hoa gì”. Tôi xin phép được mua một ít đặng về chưng trong nhà cho kỳ lễ tết đón năm mới theo lịch ở quê hương tôi. Bà vui vẻ nói: “Tôi không bán đâu, nhưng tôi muốn tặng cô một ít cho dịp lễ của cô, cô cứ vào vườn hái”.

Vị chủ nhà vui vẻ dắt chúng tôi vào vườn, rồi cứ thấp thỏm đứng nhìn tôi khổ sở với loài hoa có cành quá chắc và khó cắt. Bà tất tả chạy ra chạy vô, mang kéo, rồi lại mang cả… cưa ra để phụ tôi hái mấy nhánh hoa. Hình như, cái không khí tết trong mấy người con Việt đã lan ra cả những người đối diện, khiến người ta cởi mở, nhiệt thành, và dào dạt nguồn năng lượng tốt lành.

Chúng tôi trở về nhà với hoa, gạch và cả củi để nhóm bếp. Củi làm nhiên liệu, còn gạch để… kê làm bếp, hai món này được lùng mua trong siêu thị… vật liệu xây dựng. Mỗi lần “sưu tập” thành công một món đồ như thế, cả nhóm lại phá lên cười chính cái sự kỳ công lạ lùng và có phần… khùng khùng của mình.

Mây và Kim tập trung học cách gói bánh chưng
Mây và Kim tập trung học cách gói bánh chưng

Màn gói bánh chưng sau đó mới thật là náo nhiệt. Tất cả ăn vận như những thục nữ nước Việt, rồi lại í ới chỉ nhau từ việc làm lá đến trộn nhân. Chị em phụ nữ ở đó đều đã trải qua trên dưới… bốn mươi “nồi bánh chưng”, nhưng có người đến lúc này mới biết việc gói một cái bánh cần phải khéo léo và kiên trì thế nào.

Nhưng ngỡ ngàng nhất vẫn là bọn trẻ. Hai cô con gái 7 tuổi và 5 tuổi của tôi cứ “wow” lên thích thú. Đến lúc 5 người lớn, mấy đứa con nít gói xong 20 cái bánh chưng, thì trời cũng sập tối. Rã rời với màn gói bánh quá nhiều cảm xúc, cả nhà được thết đãi một nồi cháo lòng “không đụng hàng” của quê hương.

Thành phẩm của buổi gói bánh được chia đều cho mỗi gia đình về nhóm lửa, tự chờ đợi nồi bánh chưng của mình. Đêm đó, ở bên sân nhà giữa mùa đông, tôi bắc mấy viên gạch làm bếp, rồi đun củi, nấu một nồi bánh như… y như trong truyền thuyết. Hai cô con gái thích thú lăng xăng phụ giúp.

Mây - cô con gái lớn - hào hứng nói: “Mẹ, mình có thể gói bánh chưng mỗi ngày được không mẹ?”. Tôi bật cười. Người mẹ không bao giờ “say no” lúc này đành phải nói “không được” vì ngày nào cũng nấu thì món bánh chưng sẽ không còn ý nghĩa vào dịp tết nữa. Hơn nữa, từ nay cho đến hết 30 Tết, chúng tôi còn phải bận đến… ăn tết ở từng gia đình người Việt và những bạn bè châu Á cũng đón tết như mình ở Scotland, để tới Mùng Hai lại trở về, ăn tết trong chính ngôi nhà mình. 

Những người đồng hương xa quê bên
Những người đồng hương xa quê bên "thành phẩm" của một ngày tất tả sắp xếp, làm lụng

Chỉ vì màn nấu bánh chưng này mà tôi được bạn bè trầm trồ là “ăn tết lớn”. Sáng 27 Âm lịch, khi tôi đang chiên bánh chưng thì Kim - cô con gái nhỏ - xuống bếp đòi được ăn. Nghe tôi nói “phải chờ thêm chút nữa”, Kim tròn mắt tỏ vẻ kinh ngạc rồi nói giọng “hiểu biết”: “À, phải chờ thêm 10 tiếng nữa”. Tôi phá lên cười vì biết con gái đang quy đổi thời gian từ “kinh nghiệm” canh nấu bánh chưng đêm trước. Thế mới biết cái bánh chưng “huyền thoại” và vô giá thế nào trong tâm trí bọn trẻ.

Đêm về, ba mẹ con lại nhóm lửa, nấu nồi bánh chưng của nhà mình
Đêm về, ba mẹ con lại nhóm lửa, nấu nồi bánh chưng của nhà mình

Vậy mới thấy, tại Việt Nam, ngay trong những ngày nghèo khó cũ, người Việt đã “ăn tết lớn” bao lần mà không hay. Những cái “tết lớn” đó có thể quá tốn kém và vất vả. Nhưng vất vả nào đưa mình về lại tuổi thơ, với gốc gác nguồn cội? Dẫu có quần quật quanh năm, ta cũng dễ dầu gì mà được vất vả cho những điều ngọt ngào, nhân văn như thế? Vậy thì có sá chi xa xôi, cách trở, sá chi tốn kém, vất vả… mà không tặng mình một cái tết quê hương, theo cách của mình?

Hoàng Lan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI