Mua khẩu trang vẫn khó hơn sắm đồ hiệu

23/03/2020 - 15:35

PNO - Khẩu trang được bán tấp nập trên chợ mạng với giá cao ngất ngưởng trong khi người dân và các cơ sở y tế rất khó tiếp cận được các nguồn hàng chính thống.

Có tiền cũng khó mua

Mới đây, thông qua Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - chủ hệ thống Mimi spa - ngỏ ý trao tặng 2.000 khẩu trang y tế và 200 chai nước rửa tay cho Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Khi chúng tôi liên lạc, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện này - nói: “Tôi xin phép giữ lại khẩu trang y tế cho nhân viên vì lúc này, bệnh viện mua khẩu trang không ra, còn nước rửa tay thì chúng tôi sẽ bố trí cho mọi bệnh nhân dùng”. Câu trả lời của ông làm chúng tôi bàng hoàng. 

Bà Diễm Hằng cho biết, đến nay, bà và gia đình đã trao tặng hơn 200.000 chiếc khẩu trang y tế, nhưng mỗi ngày, giá lại tăng cao và càng khó mua hơn. Trước tết Nguyên đán, bà nhập khẩu trang y tế đạt chuẩn cho hệ thống spa của mình với giá chỉ hơn 1.000 đồng/cái. Tuy nhiên, ngày 13/3, khi đặt mua, bà được báo giá 18 triệu đồng/thùng 2.500 cái; sau cùng, có nơi bán giá 14 triệu đồng/thùng nhưng buộc phải mua ít nhất 10 thùng. Với mức giá này, mỗi chiếc khẩu trang có giá 5.600 đồng, cao gấp năm lần trước đó. 

Một điểm bán khẩu trang đang chiết sản phẩm từ thùng giấy không nhãn mác sang vỏ hộp được cho của Công ty dược P.A Medical
Một điểm bán khẩu trang đang chiết sản phẩm từ thùng giấy không nhãn mác sang vỏ hộp được cho của Công ty dược P.A Medical

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cả nước có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế với tổng sản lượng khoảng 4,5 triệu chiếc/ngày. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc cấm xuất khẩu nguyên liệu để sản xuất khẩu trang. Trong khi đó, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu này. Không riêng ở Việt Nam, giá khẩu trang ở nhiều nước hiện đang tăng cao. Tại Hàn Quốc, giá khẩu trang tăng từ 2,7 USD/chiếc lên 18 USD/chiếc.

Mạo danh thương hiệu uy tín

Những ngày gần đây, nhiều người lên mạng xã hội rao bán khẩu trang vải kháng khuẩn với giá 5.000 đồng/chiếc, có thể giặt để dùng lại. Tuy nhiên, mỗi nơi bán dùng một loại vải, số lớp và độ dày mỏng khác nhau.

Chị Lan Anh - chủ Công ty thời trang LAHAVA - cho biết, chị đặt một cây vải có khả năng kháng khuẩn từ một công ty con của Vinatex với chứng nhận kiểm định đạt chuẩn để may khẩu trang. Chị cắt vải tiết kiệm và may được 3.500 chiếc khẩu trang ba lớp (lớp ngoài cùng là vải lưới không dệt), giá thành 10.000 đồng/chiếc chưa tính công may.

“Không hiểu tại sao người ta có thể sản xuất ra khẩu trang với giá chỉ 5.000 đồng/chiếc từ cùng loại vải tôi may” - chị Lan Anh hoài nghi.

Một vị lãnh đạo của Công ty May Nhà Bè cho biết, mỗi ngày, công ty sản xuất từ 30.000-50.000 chiếc khẩu trang, giá thành trên 10.000 đồng/sản phẩm. Hiện doanh nghiệp này đang bán với mức giá hỗ trợ cộng đồng là 7.000 đồng/cái. 

Một số trang Facebook cá nhân rao bán khẩu trang vải kháng khuẩn của Công ty May Nhà Bè với giá 14.000 đồng/cái kèm “giấy kiểm tra chất lượng sản phẩm” của công ty. Tuy nhiên, nội dung trên giấy là kết quả phân tích mẫu vải từ năm 2019. Lãnh đạo công ty khẳng định, không rõ nguồn gốc của khẩu trang thương hiệu Công ty May Nhà Bè được bán trên mạng.

Hiện có rất nhiều tài khoản khác rao bán khẩu trang y tế kháng khuẩn ba lớp và bốn lớp Farmapro của Công ty Nam Anh với giá từ 300.000-350.000 đồng/hộp. Hầu hết người bán đều trưng ra chứng thư giám định về phẩm chất và cho rằng đó là giấy xác nhận tiêu chuẩn kháng khuẩn. Thế nhưng, lãnh đạo Vinacontrol - một đơn vị giám định - cho biết, đó chỉ là giấy giám định hàm lượng amin thơm (formaldehyt) chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo theo quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường và không liên quan gì đến tiêu chuẩn kháng khuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành về khẩu trang y tế. 

Ngoài khẩu trang, trên thị trường cũng đang xuất hiện nhiều sản phẩm kháng và diệt khuẩn như túi, bút, quần áo, giày dép, khăn mặt, nệm, đồ lót. Do được gắn mác kháng khuẩn nên giá được "hét" cao chót vót, gấp 2-3 lần sản phẩm thông thường. Chẳng hạn, khăn mặt gắn mác kháng khuẩn có giá 245.000 đồng/chiếc trong khi khăn mặt thông thường có giá chỉ 70.000 đồng/chiếc.

Tiến sĩ Phan Thế Đồng - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen - cho rằng, các loại túi đeo, bút đeo diệt được khuẩn là do phát tán hợp chất clo. Hợp chất này chỉ diệt khuẩn tốt nếu ở dạng dung dịch, còn ở dạng không khí thì tác dụng rất ít, thậm chí không có nếu người đeo túi ở trong môi trường có gió.

l Hiện các điểm bán rao khẩu trang thương hiệu uy tín, nhưng trên vỏ hộp lại không có thông tin gì về các công ty này. Không ít người khi mua khẩu trang về, kiểm tra thì phát hiện bên trong là khăn giấy ăn chứ không phải là lớp giấy kháng khuẩn như quảng cáo. 

Tinh Châu - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI