Múa jazz lên tiếng

18/03/2013 - 21:38

PNO - PN - Không ở nhà hát lớn, mà chỉ trong khán phòng vài trăm chỗ của Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM, bên ngoài lại có một sự kiện lấn át về quy mô, nhưng ba suất (15 - 17/3) múa mang tên Jazz! do Trung tâm múa Dancenter và vũ đoàn Urban Dance Group...

Dài hơn một giờ, chương trình chuyển tải cơ bản câu chuyện về múa jazz từ khi hình thành đến hôm nay mà Giám đốc nghệ thuật Linh Rateau nói rằng “chỉ là một cái nhìn sơ lược về lịch sử múa jazz, vì nếu muốn kể toàn bộ câu chuyện về jazz với tất cả các chi tiết cụ thể thì sẽ mất cả đêm!”. Thực tế, người xem không quá chú ý những chi tiết về mặt thời gian, tư liệu, khi đã bị hút vào câu chuyện được kể hấp dẫn bằng động tác, tiết tấu của các điệu múa. Đó là phong cách jazz paradox sử dụng các kỹ thuật của ballet để thể hiện các bước chuyển động trượt dài và các đường vòng uyển chuyển. Đó còn là phong cách gospel có nguồn gốc từ các màn nhảy hoang dã mang về từ lục địa đen của những người Mỹ gốc Phi. Hay đó là điệu tap kết hợp ballet với jazz để cho ra những bước nhảy mà người biểu diễn luôn toát lên vẻ lịch lãm…

Mua jazz len tieng

Trích đoạn vở nhạc kịch Cabaret trong chương trình múa Jazz!

Chương trình còn đưa người xem đến với không khí của sân khấu nhạc kịch Broadway (Mỹ) bằng trích đoạn của những vở diễn nổi tiếng có múa jazz như Cabaret, Cats, West side story, Fame… Được các biên đạo John Huy Trần, Nguyễn Nhật Anh tái dựng, tuy không để bất kỳ một sự so sánh nào với bản gốc, nhất là về quy mô, song những nghệ sĩ Việt đã thể hiện được sự đặc sắc, chẳng hạn của vở Chorus line, để khán giả cảm nhận được vì sao nó trở thành vở được diễn lâu nhất trên sân khấu Broadway từ năm 1975 đến nay.

Phần trình diễn múa jazz với biến thể thành những nhánh khác nhau phù hợp với cuộc sống hiện đại, chính là lúc làm khán phòng bừng dậy. Màn múa thể loại afro jazz là một điểm nhấn. Dàn nam nữ vũ công trong các động tác “mượn” từ những cánh rừng già châu Phi pha lẫn vùng Caribê đã làm nóng sân khấu, như đưa khán giả về với lễ hội rực rỡ nào đó của thổ dân miền nhiệt đới.

Đến pop jazz và street jazz, mà chỉ với tên gọi, cũng đã hiểu nó có đủ sức “bứng” khán giả trẻ khỏi ghế hay không. Những nữ vũ công nóng bỏng của vũ đoàn UDG trong màn pop jazz đã làm được điều đó. Khán giả vẫn nán lại khán phòng dù phần “khuyến mãi” ngoài chương trình bằng các màn “solo” đặc sắc nhất của từng vũ công cũng đã kết thúc. Đó là hình ảnh cho thấy “tiếng nói” của múa jazz nói riêng và sức hút thú vị của nghệ thuật múa nói chung.

V. Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI