Mộc thật 100%!
V. đang bán hợp đồng lao động cho phóng viên
Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua HĐLĐ để nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) một lần, một người tên V., chuyên mua bán HĐLĐ cảnh giác: “Trước đây em có làm nhưng dạo này cơ quan chức năng “đánh hơi” thấy nên em giải nghệ rồi. Mà chị ở quận nào? Muốn làm HĐLĐ công việc gì? Nếu chị cần gấp em có thể tìm người rồi giới thiệu cho chị sau”. Viện cớ đang rất cần HĐLĐ để lãnh BHTN một lần, sau 30 phút năn nỉ qua điện thoại, V. gật đầu đồng ý, yêu cầu tôi cung cấp thông tin cá nhân người cần mua HĐLĐ và ra giá 600.000đ/bộ.
Hôm sau, V. hẹn tôi ra một quán café ở Hàng Xanh. Vừa nói chuyện, V. vừa đảo mắt liên tục. V. nói: "Bán cái này cũng hơi ớn nên khi chị gọi, em phải nói là giải nghệ rồi. Khi nào biết chắc chắn người có nhu cầu mua thực sự em mới dám bán”. V. lôi trong ba lô đưa cho chúng tôi xem một HĐLĐ của Công ty CP dệt may T.L., Q.Tân Phú, có đầy đủ các thông tin, chế độ làm việc, thời hạn công việc, mộc đỏ của công ty cùng chữ ký của người sử dụng lao động.
V. nói, nếu chị lấy một bộ em giảm cho chị 500.000đ/bộ. Sau này chị tìm được người mua, giới thiệu cho em, em chỉ lấy 300.000đ/bộ. HĐLĐ này có thật không? Sao chữ ký giống giả thế?, V. cười: "Mộc thật 100% chị ơi. Em làm nhiều lắm rồi, ai cũng trót lọt hết. Nếu chị nộp HĐLĐ này mà không nhận được tiền, em sẽ trả tiền lại cho chị”. V. “bật mí”, "Nếu chị quen thân doanh nghiệp (DN) nào đó thì rất dễ, nhưng đừng bao giờ xin một HĐLĐ, sẽ rất mất thời gian. Nên xin 10 cái một lúc. Chị chỉ cần thân quen với người chuyên đóng mộc ở công ty đó, xin họ đóng cộp 10 cái mộc vào giấy trắng. Sau đó về cân chỉnh chữ cho khít với con dấu. Còn chữ ký thì dễ ợt, nhại lại là xong”.
Nếu bên BHXH phát hiện có sao không?, V. trấn an: "Chị đừng bao giờ xin liên tục một công ty, một tháng ba, bốn người là đủ. BHXH sẽ nghi ngờ nếu người lao động (NLĐ) được tuyển mới liên tục. Nếu bị phát hiện, cùng lắm nhận mua là xong. Cái này chỉ rắc rối cho DN nếu bị phát hiện. Thế nên, bên em chỉ chuyên làm HĐLĐ với mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng, công việc công nhân là dễ nhất. Chứ chức danh, công việc nhiều tiền, xin ở các công ty lớn khó lắm".
HĐLĐ rao bán trên mạng
Tại TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) TP - đơn vị tiếp nhận hồ sơ BHTN cho biết: trong quá trình giải quyết chế độ, đã phát hiện 14 trường hợp nghi ngờ hồ sơ giả. TT đã làm văn bản đề nghị công ty xác nhận có thuê lao động làm việc hay không, đồng thời có văn bản kiến nghị với Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và Cục Việc làm.
Tương tự, tại Đồng Nai, Phòng BHTN thuộc TTGTVL tỉnh nhận thấy có dấu hiệu bất thường về hồ sơ hưởng thất nghiệp một lần của nhiều NLĐ tại một DN. Do đó, TT đã đề nghị Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai hỗ trợ thanh tra DN này. Dù DN có con dấu và tên tuổi rõ ràng nhưng không thể tìm được địa chỉ vì đây là DN không có thật. Mở rộng kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 151 hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp một lần có HĐLĐ của những DN không có thật tương tự. Phần lớn tên của các DN tự bịa này được lấy địa chỉ “ma” tại Biên Hòa, Đồng Nai như: Công ty nhựa Anh Nam, Công ty TNHH may mặc Ánh Dương, Công ty dịch vụ bảo vệ Hoàng Sơn, Công ty TNHH gỗ mỹ nghệ Tuấn Phương, Công ty TNHH MTV may mặc Sao Việt Á, Công ty TNHH quốc tế Bo Go. Ngoài ra, có hai địa chỉ ở Bình Dương là Công ty TNHH Fashion Elime Wang Stell và Công ty TNHH Exir Ricos Light.
Trong số 151 hồ sơ đã tiếp nhận trên, TTGTVL Đồng Nai đã xử lý và trình lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai ký quyết định hưởng trợ cấp một lần là 85 quyết định với tổng số tiền trên 722 triệu đồng. Khi có quyết định, số tiền này đã được cơ quan BHXH chi trả. Còn lại 66 hồ sơ TTGTVL đã thông báo cho NLĐ biết là công ty ký hợp đồng tuyển dụng mới cho họ là không có thật và hồ sơ sẽ không được giải quyết.
V. đang bán HĐLĐ cho PV - ảnh: Phùng Huy
Doanh nghiệp phải thông báo tình hình biến động lao động
Khi bị phát hiện, một số NLĐ thừa nhận đã mua HĐLĐ với giá 300.000 đến ba triệu đồng tùy số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều hay ít từ một người tên Nguyên (số điện thoại 093444..., 0983888…). Nguyên thường xuyên đến cổng các DN có lao động nghỉ việc nhiều, đề cập trực tiếp chuyện mua bán với những NLĐ nghỉ việc hoặc sắp nghỉ việc. Táo tợn hơn, Nguyên còn công khai làm dịch vụ lãnh BHTN một lần cho NLĐ đăng trên một số trang web như: vieclam.info, raovat30s.com, muabanhanoi.vn…
Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc TTGTVL TP.HCM cho biết: Có nhận BHTN hàng tháng hay nhận một lần thì tiền quỹ BHXH vẫn không mất đi vì thực tế số tiền trên vẫn là của NLĐ. Họ có đủ thời gian đóng BHTN và làm thủ tục để hưởng chế độ, nhưng thay vì hưởng hàng tháng, họ lại tìm cách hưởng một lần. Chính do lười đến thông báo tình trạng việc làm nên họ mới bị cò dụ dỗ mua HĐLĐ khống. Theo ông Thắng, đối với 14 HĐLĐ mà TT nghi ngờ, khi TT gửi văn bản đề nghị DN xác nhận thì có năm DN không trả lời, số còn lại NLĐ thừa nhận đã bỏ tiền mua.
Nhiều NLĐ cho rằng, chính những bất cập trong quy định, các thủ tục quá rườm rà và phức tạp nên mới “đẻ” ra việc làm HĐLĐ khống. Ông Thắng khẳng định: “Thủ tục không hề rườm rà. Khi đã thất nghiệp, NLĐ phải tích cực đi tìm việc làm. Hàng tháng họ đến TTGTVL để được tư vấn học nghề, nâng cao kỹ năng và giới thiệu nhiều đầu việc để lựa chọn. Đó là quyền lợi thiết thực của NLĐ. Anh đang thất nghiệp mà anh nói không có thời gian để lên thông báo tình trạng việc làm là quá vô lý”.
Ông Thắng cho biết thêm, việc sử dụng HĐLĐ khống mới xuất hiện khoảng hai tháng nay. TT thấy nghi ngờ khi phát hiện các công ty trong thời gian ngắn mà tuyển dụng liên tục. Hiện TT đã dán thông báo cảnh báo NLĐ tại các chi nhánh là không nên mua HĐLĐ vì ngoài ảnh hưởng tới quyền lợi của mình còn phải đối diện với pháp luật. Để hạn chế tình trạng trên, TT đã kiến nghị lên Sở về việc thông báo tình hình sử dụng lao động trên địa bàn TP.HCM. Mới đây, Sở cũng đã công văn gửi Ban quản lý các KCX- KCN, các DN, các TTGTVL trên địa bàn TP. Theo đó, đối với những đơn vị thành lập sau ngày 15/4/2013, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập phải thông báo cho TTGTVL TP về số LĐ đang làm việc. Trước ngày 25 hàng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo về TT về tình hình biến động lao động tại đơn vị. Trường hợp người sử dụng lao động giảm 50 lao động trở lên phải thông báo ngay với TT. “Hiện đã có hơn 200 DN với 40.000 lao động đã báo cáo về TT. Đây cũng là “kênh” giúp chúng tôi có thể kiểm soát số lượng lao động một cách dễ dàng hơn”. Ông Thắng cho biết.
● Theo quy định, NLĐ kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với TTGTVL mà chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc sẽ được hưởng BHTN. Để được hưởng chế độ, hàng tháng họ phải đến TTGTVL thông báo về tình trạng việc làm mới được nhận BHTN của tháng đó. Nhiều lao động cho biết, để được lãnh sáu tháng BHTN họ phải đi tới lui ít nhất 12 lần giữa TTGTVL và BHXH, nên chấp nhận bỏ tiền ra mua HĐLĐ giả để chứng minh là có việc làm và được nhận BHTN một lần. |
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Trần Hồng Thái - Phó phòng Hành chính nhân sự Công ty CP dệt may Thắng Lợi cho biết: “Công ty CP Dệt may Thắng Lợi là công ty có uy tín lâu năm, chúng tôi làm việc rất đàng hoàng và nghiêm túc. Hiện phòng Nhân sự chỉ có hai người đóng dấu, chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ nên không bao giờ có chuyện làm HĐLĐ khống như vậy. Mới đây, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã gửi một HĐLĐ như báo đề cập và yêu cầu Công ty trả lời. Qua đối chiếu xác minh, chúng tôi thấy trên HĐLĐ con dấu có tên Công ty Thắng Lợi nhưng mã số doanh nghiệp, các điều khoản, nội dung trong hợp đồng không phải của Công ty Thắng Lợi. Sau khi xác minh và có văn bản trả lời Sở LĐ-TB-XH, Công ty rất mong thanh tra Sở LĐ-TB-XH làm rõ để trả lại uy tín cho Công ty”. |
Quỳnh Mai - Thanh Sơn