Mùa hoa sơn tra ở bản làng cao nhất Việt Nam

29/03/2025 - 06:29

PNO - Tháng Ba, khi những cơn mưa phùn cuối xuân vừa dứt, Nậm Nghiệp bừng tỉnh trong sắc trắng tinh khôi của hoa sơn tra (táo mèo). Những triền núi mờ sương như khoác lên mình một tấm áo choàng mềm mại, thấp thoáng giữa màu xanh thẫm của rừng già. Ai đã từng đặt chân đến đây vào độ hoa nở, hẳn sẽ mang theo trong lòng một nỗi nhớ, như thể còn luyến tiếc một giấc mơ.

Hoa nở, lòng người cũng rộn ràng

Nậm Nghiệp là một bản làng nhỏ nằm cheo leo giữa những ngọn núi của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nằm ở độ cao gần 2.500m so với mực nước biển, Nậm Nghiệp là bản làng cao nhất Việt Nam. Bốn mùa ở Nâm Nghiệp đều khoác lên mình cảnh sắc riêng, nhưng có lẽ, đẹp nhất vẫn là mùa hoa sơn tra.

Hoa sơn tra nở trắng các sườn núi. Ảnh: Nung Lý
Hoa sơn tra nở trắng các sườn núi - Ảnh: Nung Lý

Hoa sơn tra trắng tinh khôi. Ảnh: A Thếnh
Hoa sơn tra trắng tinh khôi - Ảnh: A Thếnh

Loài hoa của núi rừng này không rực rỡ khoe sắc, mà dịu dàng, e ấp tựa vạt mây trắng vắt ngang sườn núi. Khi hoa sơn tra nở, cả không gian như bừng sáng, những chùm hoa nhỏ li ti kết thành mảng trắng bồng bềnh, nổi bật trên nền trời xanh biếc.

Buổi sớm, mặt trời còn chưa kịp lên cao, lớp sương mỏng vấn vít quanh từng nhành cây, đọng thành những hạt long lanh trên cánh hoa. Gió khe khẽ lay, hương sơn tra tỏa nhẹ, hòa lẫn vào mùi đất đồi và vị gió rừng, tạo nên hương thơm tinh khiết, khoan khoái, dịu êm. Đứng giữa rừng hoa, ngỡ như đang lạc vào cõi mộng.

Một gốc sơn tra cổ thụ. Ảnh: Quyên Quyên
Một gốc sơn tra cổ thụ trong khuôn viên nhà dân - Ảnh: Quyên Quyên

Với người dân Nậm Nghiệp, mùa hoa sơn tra không chỉ là mùa của cái đẹp, mà còn là mùa của những niềm vui. Hoa báo hiệu một vụ táo mèo bội thu sắp đến. Những cây sơn tra trăm năm tuổi, rễ bám sâu vào lòng đất, cứ thế mà nở hoa, cứ thế mà kết trái, như một lời hẹn ước bền bỉ của thiên nhiên với con người.

Mỗi mùa hoa về, lũ trẻ trong bản lại tung tăng đùa nghịch dưới những tán cây phủ dày hoa trắng, những bàn tay bé nhỏ vươn lên chạm vào những chùm muốt mềm rồi cười rúc rích. Các bà, các mẹ tranh thủ hái những bông hoa đẹp nhất về phơi khô, dùng để hãm trà. Trà hoa sơn tra có vị chua nhẹ, hương thơm dìu dịu, giúp thanh nhiệt, dễ ngủ.

Một gia đình nhỏ tung tăng bên cụ sơn tra. Ảnh: Quyên Quyên
Một gia đình nhỏ tung tăng bên "cụ" sơn tra - Ảnh: Quyên Quyên

Trong bản, người ta cũng tranh thủ chụp lại những bức ảnh kỷ niệm với rừng hoa. Các cô, các chị mặc váy xòe thổ cẩm, đứng giữa nền hoa trắng, nét dịu dàng như hòa vào sắc trắng tinh khôi. Những chàng trai vai đeo gùi, mỉm cười ngước nhìn những chùm hoa, bàn tay đã sẵn sàng cho mùa thu hoạch sắp tới. Mùa hoa nở, lòng người cũng nở theo, hân hoan và ắp đầy hy vọng.

Đêm cắm trại dưới gốc sơn tra

Nậm Nghiệp đang phát triển du lịch. Trong bản có nhiều homestay, song không ít du khách chọn dịch vụ ngủ lều. Giữa núi rừng lặng lẽ, những túp lều nhỏ nép mình dưới tán sơn tra rì rào gió. Đêm buông, vạn vật chìm vào màn sương mỏng, chỉ còn ánh đèn le lói, hắt những vệt sáng dịu dàng lên từng cánh hoa trắng ngần. Một đốm lửa nhỏ bập bùng cháy, tỏa hơi ấm cho những kẻ lữ hành ngồi quây quần bên nhau, kể chuyện của rừng, của người, của những mùa hoa đã đi qua.

Du khách dựng lều qua đêm dưới tán rừng sơn tra. Ảnh: Quyên Quyên
Du khách dựng lều qua đêm dưới tán rừng sơn tra - Ảnh: Quyên Quyên

Ban ngày, rừng sơn tra dịu dàng như một bức tranh chấm phá, những cánh hoa trắng rơi đầy trên lều, trên tóc, trên những bàn tay vô tình đưa ra hứng lấy chút tinh khôi. Người ta ngồi dưới gốc cây, nhâm nhi chén trà nóng, lắng nghe tiếng chim gọi bạn từ xa vọng lại. Giữa không gian ấy, lòng người nhẹ bẫng, như thể mọi muộn phiền đã được gió cuốn vào thinh không.

Cắm trại dưới tán sơn tra cổ thụ không đơn thuần là một cuộc rong chơi, mà còn là một cuộc trở về - với thiên nhiên, với nhịp sống chậm rãi, nơi chẳng có những tiếng ồn ào của phố thị, chỉ có hương hoa, tiếng cười và những phút giây tĩnh tại để lặng nghe chính mình.

Khi những cánh hoa rơi

Mùa hoa sơn tra kéo dài không lâu, chỉ chừng một tháng là hoa bắt đầu rụng, nhường chỗ cho chồi non xanh mướt. Những cánh hoa trắng theo gió bay bay, vương trên lối mòn, trên mái hiên nhà, trên những tảng đá già ven suối. Cảnh tượng ấy vừa đẹp, vừa man mác buồn, như thể núi rừng đang lưu luyến một giấc mơ hoa, như thể thời gian cũng chậm lại để nhân gian có thêm cơ hội đắm mình, ngắm nhìn mùa hoa trôi.

Hai mẹ con người H'Mông bên hoa sơn tra. Ảnh: Nung Lý
Hai mẹ con người H'Mông bên hoa sơn tra - Ảnh: Nung Lý

Những ngày cuối mùa, người trong bản lại tất bật chuẩn bị cho vụ táo mèo sắp đến. Hoa rụng rồi, nhưng những gì còn lại là lời hứa của mùa màng. Những trái táo mèo xanh non đang dần lớn, để đến mùa thu sẽ chín vàng, mang theo vị chua chát đặc trưng. Người ta luôn chắc mẩm, cây sơn tra càng ra nhiều hoa, trái càng sai, vụ mùa sẽ càng tốt. Thế nên, dù mùa hoa ngắn ngủi, nhưng niềm vui mà nó mang lại thì kéo dài mãi đến những mùa sau.

Mùa hoa sơn tra cũng là mùa Nậm Nghiệp đông khách du lịch nhất. Ảnh: A Thếnh
Mùa hoa sơn tra cũng là mùa Nậm Nghiệp đông khách du lịch nhất - Ảnh: A Thếnh

Với người Nậm Nghiệp cũng như người lữ khách, sơn tra không chỉ là một loài cây, mà còn là một phần của đời sống, là ký ức của tuổi thơ, là giấc mơ của những người con xa quê. Mỗi khi nhớ về bản làng, người ta lại nhớ đến mùa hoa sơn tra, nhớ những buổi sáng tinh sương, nhớ con đường mòn trắng hoa, nhớ mùi hương ngan ngát len lỏi trong gió.

Và thế là, dù có đi đâu, dù có xa cách bao lâu, mỗi khi mùa hoa sơn tra đến, lòng người lại hướng về Nậm Nghiệp - nơi những triền núi vẫn phủ trắng một màu hoa, nơi mùa xuân vẫn luôn dịu dàng, và nơi những cánh hoa - dù rơi cũng vẫn giữ lại một phần hồn của rừng núi.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI