Ca dao có câu: “Bao giờ cho đến Giêng Hai/ Cho làng vào đám, cho ai xem chèo”. Giêng Hai ấy là khoảng thời gian rất đặc biệt trong năm, nó dập dình nửa xuân nửa hạ, mưa xuân vẫn phơi phới bay. Mưa Giêng Hai thậm chí sương mù cứ lãng đãng, bồng bềnh như mây, như khói. Tục ngữ thì có: “Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc” nên cây cối Giêng Hai như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, trổ đầy chồi non, lá biếc.
|
Hoa bưởi đẹp nhất là lúc hàm tiếu, hương còn giấu bên trong |
Giêng Hai khiến con người cảm thấy thảnh thơi hơn khi những ngày hối hả tết nhất đã qua, công việc nhà nông đã hết những bận rộn, hối hả của mùa gieo hạt. Ngoài đồng, mạ đã lên xanh. Cái rét chỉ còn se se lúc sáng sớm và tối muộn, đủ để “khăn san bay lả lơi trên vai ai”.
Giêng Hai là lúc hoa đào đã tàn, quất đã rụng và mai đã nhạt cánh nhưng bù lại, Giêng Hai là mùa hoa sưa, hoa xoan, hoa gạo và nhất là hoa bưởi - loài hoa có hương thơm thanh cao, trong trẻo vô ngần. Mưa xuân khiến những cây bưởi đâm chồi nảy lộc, hoa bưởi trắng muốt trĩu trịt trên cành.
Trước đây, chỉ về các miền quê hay vào làng Phú Diễn mới thấy hoa bưởi, nhưng mấy năm trở lại đây, hoa bưởi được mang ra Hà Nội bán rất nhiều. Giêng Hai, Hà Nội trắng tinh khôi với những chiếc xe đạp, xe thồ chở những mẹt hoa bưởi. Hoa bưởi dịu dàng tỏa hương thầm lặng lẽ.
Vậy nhưng mỗi khi có cơn gió thoảng qua, cả con phố dài lại thơm nức mùi hoa. Hoa thì đương nhiên có nhiều loại, nhưng với tôi, hương của hoa bưởi là tuyệt nhất. Nó thơm đến mức khiến lòng bối rối. Ai giấu một bông hoa bưởi trong túi áo, thế nào cũng bị người bên cạnh hít hà phát hiện ra rồi tấm tắc “đúng là có mùi hoa bưởi đâu đây”.
Không rực rỡ như hoa đào, không quý phái như hoa mai, không rực rỡ màu sắc như hoa hồng, hoa cúc, hoa bưởi đẹp mộc mạc, dịu dàng và kín đáo. Đó là thứ hoa giản dị của đồng quê nhưng cũng là loài hoa chưa thấy hình đã cảm nhận được hương, chưa thấy bóng hoa đã ngây ngất với cái mùi thanh tân quyến rũ. Bọn ong bướm thật tinh tường. Giêng Hai cũng là lúc hoa xoan, hoa gạo bừng nở nhưng chỉ có hương bưởi mới gọi được ong bướm đến. Vì mùi hương đặc biệt ấy mà hoa bưởi rất có giá trị kinh tế.
Những loài hoa khác bán theo cành, theo chục, theo bó, riêng hoa bưởi một mình một kiểu - được bán theo lạng, theo ký. Khởi đầu là 50.000 đồng rồi giảm dần đến 20.000 đồng một lạng. Vị chi một ký hoa bưởi đầu mùa có giá trung bình 300.000 - 400.000 đồng. Thế nên nó được coi là loài hoa xa xỉ bậc nhất.
Đắt đỏ mà lại đỏng đảnh, một bình hoa bưởi muốn tươi, 30 phút phải xịt nước một lần nhưng cũng chỉ tồn tại khoảng hai ngày. Nụ hoa khác cắm nước sẽ to dần rồi nở nhưng hoa bưởi thì không, nụ bộp còn có thể nở nhưng nụ bé thì xong. Đắt vậy, đỏng đảnh vậy nhưng hoa bưởi vẫn bán chạy bởi mùa hoa bưởi chỉ rộ lên tầm hơn tháng, quay đi quay lại đã qua mất rồi.
Hiếm thấy loài hoa nào được người mua nâng niu mà người bán cũng rất đỗi nhẹ nhàng chăm chút như vậy. Để lựa được những cành hoa đẹp nhất, người bán phải thức dậy cắt cành từ 4 - 5 giờ sáng, khi sương vẫn còn đọng trên lá, vương trên hoa rồi chở đi bán. Hoa bưởi đẹp nhất là lúc hàm tiếu, hương còn giấu bên trong. Thứ hoa này phải cắt tầm đó mới đượm hương.
|
Món bánh chay làm từ nước đường hoa bưởi |
Sớm nay mua được ký hoa bưởi ở chỗ người quen mà lòng hân hoan như gặp lại người tình cũ. Hoa bưởi mang về, chọn mấy cành đẹp nhất vừa hoa vừa nụ dâng lên bàn thờ mời các vị thần linh, tổ tiên thưởng lãm. Hương hoa hòa cùng hương trầm phảng phất từ từ lan tỏa khắp phòng thật tuyệt. Chỗ hoa bưởi còn lại được lần lượt làm thành từng thứ.
Trước tiên là làm lọ nước đường hoa bưởi. Hoa bưởi gỡ từng cánh, khẽ khàng rửa sạch, để thật ráo. Mấy chiếc lọ thủy tinh luộc nước sôi lau khô. Cứ một lớp cánh hoa, một lớp đường kính cho đến khi đầy lọ rồi vặn thật chặt, để nơi khô ráo ít hôm cho đến khi đường tan ra ôm trọn hương hoa.
Vớt cánh hoa ra là được lọ nước đường tuyệt diệu để nấu chè đường xôi vò, tàu hũ, chè sen, chè đậu đen, thạch và nhất là làm bánh trôi, bánh chay tết Hàn thực.
Bứt ít cánh hoa cho vào âu sứ cùng nhúm trà ngon rồi đậy nắp kín, đến chiều tối sẽ có ấm trà ngát hương.
Còn gì nữa nhỉ? Ôi trời, suýt quên một món trứ danh: mía ướp hoa bưởi. Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, vội chạy ra chợ, may hàng mía vẫn còn.
Mía để ướp hoa bưởi xưa hay dùng mía xương gà, mía lau nhưng tôi thích giống mía tím Hòa Bình màu tím thẫm, thân bóng mịn, lóng dài; trong đó nổi tiếng nhất là mía Phong Phú ở huyện Tân Lạc. Loại mía tím này ít mắt, mềm, ngọt mà không gắt, có mùi thơm đặc trưng.
Mía ướp hoa bưởi phải lấy khúc giữa mới ngọt, mềm. Khúc ngọn sẽ nhạt, khúc gốc thì cứng và chua. Nhẩn nha róc vỏ, tiện mía thành từng khúc, nhẹ nhàng bứt rời những cánh hoa bưởi trắng nõn rắc lên khay mía. Sau đó, mía lẫn cánh hoa được cho vào liễn sứ đậy thật kín để ủ hương.
Tự dưng tôi lại nhớ đến căn nhà xưa của ông bà ngoại ở làng Ngọc Hà. Vườn nhà có cây bưởi rất to và mấy bụi mía. Khi bưởi ra hoa, bao giờ bà cũng hái ít hoa và ra vườn chặt mía để làm món mía ướp hoa bưởi cho cả nhà thưởng thức.
Hoa bưởi ướp mía chỉ lấy cánh và điểm thêm một số nụ to nguyên bông chứ không ướp cả đài hoa. Bà bảo ướp cả đài hoa sẽ đắng và phấn hoa màu vàng dính ra mía trông sẽ lem nhem.
Thế đấy, món ăn của Hà Nội dù đơn giản vẫn phải ngon và đẹp. Hồi ấy chưa có tủ lạnh, mía ướp xong cho vào túi ni-lông bọc hai lớp thật kín rồi cho vào gầu thả xuống giếng. Mấy tiếng sau nhấc gầu lên lấy ra, miếng mía mát lạnh như vừa ướp đá. Giờ thì quá đơn giản. Năm nào trời ấm thì cho liễn mía vào tủ lạnh nửa ngày là dùng được. Ăn miếng mía mềm, ngọt lịm, mát lạnh thoảng hương hoa bưởi cứ gọi là sướng tê người.
Tối nay trời trở lạnh, tôi làm mía hấp hoa bưởi. Thay vì cất vào tủ lạnh, liễn mía được cho vào nồi to hấp cách thủy. Rưới lên liễn mía một ít nước rồi bật bếp, đang hấp mà một mùi hương ngọt ngào đã lan khắp nhà.
Thong thả pha ấm trà ướp hoa bưởi, nhấp một ngụm trà, tôi rón tay nhặt một khúc mía nghi ngút khói thổi phù cho đỡ nóng rồi khẽ cắn một miếng. Nước mía ngọt sắc, thoảng hương bưởi, tự dưng khiến tôi có cảm giác như đang ăn trọn Giêng Hai.
|
Mía hấp hoa bưởi |
Trong bài Hương thầm nổi tiếng, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối”. Thực ra, thong thả nhấp ngụm trà, nhẩn nha ăn khẩu mía thơm nức sẽ không thấy bối rối mà ngược lại, ta sẽ thấy lòng dịu dàng và bình yên vô cùng, kệ ngoài kia “rét mướt luồn trong gió”, tạm quên cái bộn bề của thành phố đông đúc, tạm gác lại nỗi lo về con số F0 ngày một nhiều.
Lại nhớ đến mấy câu thơ của tác giả nào đó ngày xưa chép vào sổ tay mà giờ không nhớ nổi: “Giêng Hai - Giêng Hai về/ Thời gian thao thiết chảy/ Anh vẫn anh ngày ấy/ Em có còn em xưa?”. Đúng là sự lãng mạn của nhà thơ!
Thực tế anh và em đều đã khác xưa rồi, chỉ có Giêng Hai và hoa bưởi là vẫn còn như cũ. Giêng Hai vẫn nhẹ tênh với “Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời”. Và hoa bưởi vẫn bung tỏa “hương thầm” nồng nàn như muốn nói hộ lời yêu.
Bài và ảnh: Vĩnh Quyên