PNO - PN - Tình trạng điện giật, cây xanh ngã đổ không ít lần gây ra những cái chết thương tâm cho người đi đường vào mùa mưa bão. TP.HCM đã bắt đầu mùa mưa, và những hiểm họa này vẫn chực chờ.
edf40wrjww2tblPage:Content
Lội mưa trong khi "mạng nhện" dây điện chằng chịt trên đầu - Ảnh: Phùng Huy
Cây xanh chờ… gây tai nạn
Theo phản ánh của bà Trần Ngọc Nương (ở số B148 đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12), gia đình bà đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ cây xanh đổ sập lên đầu lúc nào không hay. Theo bà Nương, cách nay khoảng 20 năm, khi đường Nguyễn Văn Quá chưa mở rộng, bà có trồng hai cây bàng trong sân nhà lấy bóng mát. Cứ đến mùa mưa, gia đình bà chủ động mé nhánh để tránh cây gãy đổ. Vài năm sau, đường Nguyễn Văn Quá mở rộng, hai cây bàng trở thành cây xanh trên vỉa hè, công ty cây xanh đánh số, quản lý. Từ đó, mỗi khi mùa mưa đến, không thấy ai mé nhánh nữa. Nhiều lần gia đình bà Nương định đốn đi thì nhân viên công ty cây xanh cảnh báo: cây do Nhà nước quản lý, không được đụng vào. Trong khi đó, cây ngày càng lớn. Cách nay một tháng, cơn mưa đầu mùa trên địa bàn Q.12 quật gãy sáu nhánh cây liên tiếp, rất may không xảy ra thương vong. Lúc này công ty cây xanh mới cho người đến mé nhánh. Tuy nhiên, thấy cây quá to, đang nghiêng vào nhà và thuộc cây cấm trồng theo quy định của Nhà nước nên bà đề nghị đốn bỏ, thì nhân viên công ty cây xanh lảng tránh: đây là cây… tư nhân, họ không được đốn. “Thật vô lý, lúc bảo của Nhà nước, lúc bảo của tư nhân. Nếu xảy ra ngã đổ thì trách nhiệm của ai?” - bà Nương bức xúc.
Thời gian gần đây, những ai có dịp đi ngang đường Ba Tháng Hai, P.11, Q.10 (đoạn gần góc đường Ba Tháng Hai - Cao Thắng) không khỏi giật mình trước hình ảnh một cây xanh cao gần chục mét, có dấu hiệu đã chết nhưng vẫn đứng sừng sững trên vỉa hè. Hiện phần lớn cành, lá trên cây đã héo khô. Một số đoạn trên thân cây chảy mủ, có dấu hiệu sâu bệnh. Theo người dân, lo sợ cây ngã đổ gây nguy hiểm cho người đi đường, họ đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng, lần nào cũng chỉ nghe hứa cử người đến xử lý nhưng chẳng thấy đâu.
Trên đường Trường Sa (đoạn gần cầu Bông, Q.1), hai cây phượng cao hơn chục mét, đường kính khoảng 20cm đang trở thành cái bẫy treo lơ lửng trên đầu những ai lưu thông ngang đây. Trong đó, một cây đã chết khô. Cây còn lại có một số cành rất to, tán lớn, cũng khô héo, rụng lá. Bà Nguyễn Thị Toàn (một hộ dân nơi đây) cho biết: “Cách nay khoảng hai tháng, một người đi ngang đã bị một cành khô rơi trúng, rất may chỉ bị thương nhẹ”.
Một cây xanh có dấu hiệu đã mục trên đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè
Tương tự, đường Lê Văn Lương và Huỳnh Tấn Phát (nối Q.7 với huyện Nhà Bè) cũng có hàng loạt cây chết khô. Đối diện Trường mầm non Họa Mi (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) là một cây còng cổ thụ với hàng loạt nhánh rất to đã chết từ lúc nào, lá rụng sạch. Cách đó khoảng 2km, một cây bàng cao gần chục mét cũng đã trụi lá. Cây chết quá lâu, nhiều phần trên thân cây vỏ đã bong tróc… Trên đường Huỳnh Tấn Phát, trước số 24/8B xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè có một cây bàng cao đã chết từ lâu, chỉ chờ một cơn gió mạnh là đổ sập.
Không chỉ cây trên đường, ngay cả trong công viên, hiểm họa cây xanh ngã đổ vẫn treo trên đầu người dân. Ngày 22/5, chúng tôi cùng nhiều người đi dạo ở Công viên 23 tháng 9 (Q.1) không khỏi giật mình trước hình ảnh một cây cổ thụ lá khô héo, rụng nhiều, có dấu hiệu đã chết. Nhiều người lắc đầu, chặc lưỡi: “Cây chết khô vậy không đốn đi, chẳng lẽ chờ cây ngã rồi mới đốn?”.
Nguy cơ điện giật, sụp hố
Tình trạng rò rỉ điện từ các cột đèn hay các thiết bị điện dân lập khác đã từng gây ra nhiều cái chết, cứ tưởng là bài học cho các cơ quan quản lý, nhưng hiện nay tình trạng mất an toàn điện vẫn có khắp nơi. Người đi đường không khó để bắt gặp các cột đèn hay các thùng chứa rất nhiều dây điện bên trong không có nắp đậy.
Lâu nay nhiều người đi ngang góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (Q.7) không khỏi ớn lạnh trước hình ảnh một cột đèn tín hiệu không nắp đậy, dây điện xanh, đỏ lộ rõ (ảnh 1). Mỗi khi mưa xuống, dây điện bị ướt, nước trong cột đèn chảy tràn ra. Ông Trần Văn Ba (chạy xe ôm tại đây) chặc lưỡi: “Tui thấy cột đèn này không có nắp đậy gần cả năm nay. Những lúc trời mưa tui không dám đậu xe gần”. Tương tự, dưới chân cầu Tân Thuận (Q.4), cũng có một cột đèn không nắp đậy, dây điện bung ra ngoài. Theo chị Nguyễn Thị Hòa (nhà gần nơi đây), cột đèn này đã “phơi bụng” gần sáu tháng nay. Thấy nguy hiểm, chị đã lấy... băng keo dán tạm để nước mưa không chảy vào gây chập điện.
Rò rỉ điện từ các cột đèn hay các thiết bị điện từng gây ra nhiều cái chết
Trước cổng chợ Bình Tây (Q.6) có một thùng chứa rất nhiều dây dẫn điện nhưng cũng không có nắp. Trước cổng Nhà văn hóa Q.10, một thiết bị cũng tương tự. Người đi đường có thể dễ dàng nhìn thấy các dây dẫn to bằng ngón tay. Theo một người dân nơi đây, hộp chứa không nắp đậy như vậy đã gần một năm.
Tình trạng câu móc điện trái phép trong các khu dân cư, gây nguy cơ rò rỉ điện cũng nhan nhản khắp nơi. Trên đường Cống Quỳnh (trước Bệnh viện Từ Dũ, Q.1) cứ tối đến, hàng chục xe bán thức ăn, nước uống tập trung đến đây. Để thu hút khách mua hàng, mỗi xe đều gắn một bóng đèn. Điện bên trong khu dân cư chuyền ra ngoài nhiều đến mức dây điện chằng chịt như mạng nhện. Nhiều người không câu móc được từ các hộ dân thì câu chuyền từ xe này sang xe khác. Nhiều dây điện sà xuống thấp, người mua hàng phải vén dây điện... chui vào. Trên đường Lý Thái Tổ (trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 1, Q.10), tình trạng câu móc điện cũng diễn ra tương tự.
Tối 18/5, chị Nguyễn Thị Tú đang đi trên đường bất ngờ bị lọt xuống một cống thoát nước trước số nhà 588 đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2. Nguyên nhân do một đoạn cống thoát nước không có nắp đậy. Rất may nạn nhân chỉ bị xây xát nhẹ. Theo người dân nơi đây, nắp cống này đã bị mất gần cả nửa tháng nay nhưng không có đơn vị nào đến khắc phục. Hiện nay, người dân phải dùng một cành cây cắm xuống để mọi người biết tránh
Đoạn cống thoát nước không có nắp đậy khiến chị Tú bị lọt chân, xây xát
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho người đi đường, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Công ty Công viên cây xanh TP.HCM nhưng không gặp được người có trách nhiệm vì “lãnh đạo đi vắng”.
Ông Nguyễn Anh Vũ - Trưởng ban Quan hệ cộng đồng Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết: Việc rà soát, đảm bảo an toàn điện luôn được công ty kiểm tra rất chặt. Đối với những thiết bị chứa nhiều dây dẫn bên trong không có nắp đậy, nhiều khả năng là của các đơn vị viễn thông, không phải của ngành điện. Tất cả các thiết bị của ngành điện đều được khóa cẩn thận. Việc các trụ đèn không có nắp đậy là trách nhiệm của ngành chiếu sáng. Riêng việc câu móc điện không đảm bảo an toàn, thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Thời gian gần đây, ngành điện đã hỗ trợ nhiều địa phương cách câu mắc thiết bị điện dân lập an toàn.
Phan Trí - Ngọc Mai
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn TP.HCM, từ đầu mùa mưa đến nay, TP.HCM đã có tám cây xanh ngã đổ, 24 cây gãy nhánh, làm hai người bị thương, hư hỏng hai xe gắn máy và một trụ sở dân phố.
14g30 ngày 6/1/2025, chuyến bay Vietnam Airlines chở đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vừa giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài.