Mùa hè xanh, vấn vương bao yêu thương

22/04/2024 - 05:57

PNO - Nhắc về Sài Gòn - TPHCM, nhắc về những năm tháng thanh xuân, những sinh viên thế hệ 8X như tôi không thể nào quên chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh.

Tình nguyện để trưởng thành

Năm 2000, tôi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh do Thành đoàn TPHCM tổ chức. Là sinh viên chân ướt chân ráo đến Sài Gòn nhưng với sự háo hức trải nghiệm, tôi đã hào hứng đăng ký tham gia. Cha mẹ tôi càm ràm: “Đi chi cực khổ vậy con? Ở đó lạ nước lạ cái”. Tôi thuyết phục: “Thầy cô, các anh chị, bạn bè luôn bên cạnh con, nên cha mẹ đừng lo”. Cuối cùng, tôi đã khoác chiếc áo xanh tình nguyện, cùng đồng đội từ thành phố mang tên Bác lên đường đến tỉnh Gia Lai.

Tôi nhớ hôm ấy, Gia Lai đón những đứa con Sài Gòn bằng cái nắng, cái gió và núi rừng bạt ngàn, cộng thêm bụi đất đỏ. Đó là dấu ấn ban đầu của tôi - một sinh viên vùng đồng bằng, chỉ biết được cao nguyên lộng gió qua bài hát Lá đỏ hào hùng: “Gặp em, trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ…”.

Chiến dịch Mùa hè xanh là một phần không thể thiếu của các thế hệ thanh niên TPHCM vào mỗi mùa hè - ẢNH: P.L.
Chiến dịch Mùa hè xanh là một phần không thể thiếu của các thế hệ thanh niên TPHCM vào mỗi mùa hè - Ảnh: P.L.

Bước chân vào chiến dịch, tôi mới nếm trải thế nào là sự thiếu thốn, khó khăn, vất vả mà tôi không lường trước. Ăn nhờ, ở tạm nhà dân trong suốt mùa chiến dịch, đi đến từng nhà thuyết phục các bạn nhỏ đến trụ sở thôn, xã để học ban đêm, có hôm phải lội bùn đất sình lầy. Đặc biệt, đất đỏ vào mùa mưa không như ở vùng đồng bằng, luôn hằn vết trên áo quần như một kỷ niệm khó phai.

Tôi cùng đám bạn, đứa thì sốt li bì, đứa lại bị ghẻ lở do không quen nước, có đứa ăn uống thất thường nên bị đau dạ dày… Đủ mọi tình huống xảy ra nhưng nhìn lại, tôi tự nhủ, như thế cũng chẳng thấm gì so với cuộc sống vất vả của người dân nơi đây. Cái nghèo như bám lấy họ từ ăn đến mặc, thiếu thốn trăm bề. Từ lúc ấy, tôi thấy mình thật may mắn với tình thương yêu, chăm sóc trọn vẹn từ gia đình.

Những thanh niên tình nguyện từ TPHCM mang sức trẻ, mang con chữ và những kiến thức hữu ích về cuộc sống văn minh, an toàn sức khỏe đến với bà con dân bản. Tôi cùng bạn bè không chỉ được trải nghiệm thực tế đời sống đồng bào dân tộc mà còn được lớn lên từng ngày qua những va chạm trong công việc, trong cách ứng xử, giao tiếp, cách hỗ trợ đồng đội, cách sống vì mọi người.

Lặn lội từ sáng đến tối, ăn uống qua loa nhưng món quà lớn mà chúng tôi được nhận lại là tình yêu thương, những nụ cười và cả những câu chuyện sẻ chia chân tình. Người dân ở những nơi chúng tôi đến xem chúng tôi như con cháu trong nhà. Chính tình yêu thương đã khỏa lấp hết mọi buồn phiền, giúp chúng tôi khuất phục hết mọi gian nan, thử thách. Từng ánh mắt trẻ thơ, từng cái ôm nồng ấm đã thắp lên ngọn lửa tin yêu và lòng nhiệt huyết của thanh niên TPHCM nói riêng và những người con từ mọi miền đất nước tề tựu về đây học tập nói chung. Và rồi mùa hè nối tiếp những mùa hè, cứ hết lượt này đến lượt khác, các thế hệ thanh niên, đều hồ hởi, phấn chấn lên đường làm nhiệm vụ. Có người đi suốt 4 năm đại học, như một điều không thể thiếu. Qua những ngày tháng như vậy, lớp trẻ chúng tôi lại yêu thêm quê hương, đất nước mình.

Lan toả tình yêu thương

Tôi nhớ như in về một em nhỏ ở Chư Prông. Cha mẹ em mất sớm, nhà chỉ còn em và người bà hơn 60 tuổi. Em lang thang bán vé số để giúp bà có chút thu nhập trang trải cuộc sống. 7 tuổi mà trông em lọt thỏm trong bộ đồ đúng tuổi do chúng tôi mang tặng. Em nói: “Em trông mỗi năm có các anh chị về để em được đi học chữ buổi tối, có quần áo mới. Ban ngày, em đi bán nên không có thời gian đi học. Biết được chữ, em giúp ngoại đi nhận tiền trợ cấp của thôn, đọc truyện cho bà nghe… Em ước được đi học để sau này đỡ đần ngoại nhiều hơn, em cũng mong cuộc sống sau này của 2 bà cháu tốt hơn”.

Đôi mắt rơm rớm nhưng sáng bừng niềm hy vọng của em khiến lòng tôi chợt chùng lại. Là sinh viên nhưng nhiều lúc, tôi thấy mình không suy nghĩ được như em. Tôi đã ôm em vào lòng, thật chặt, thay một lời động viên. Trong 1 tháng của chiến dịch, tôi dành nhiều thời gian để dạy em viết và đọc. Em tỉ mẩn rèn từng nét chữ, chăm chú đọc những quyển truyện nhỏ và trân quý chúng như của báu. Có hôm đã khuya, em vẫn cố gắng luyện viết để sáng hôm sau, trên đường bán vé số, mang đến nhờ tôi xem đã tốt chưa. Thậm chí, em viết những câu thơ, câu châm ngôn từ tờ lịch nào đó cho tôi xem.

Chiến dịch Mùa hè xanh trở thành một phần không thể thiếu của các thế hệ thanh niên TPHCM vào mỗi mùa hè. Dù đã trải qua khá lâu nhưng mỗi khi nhắc đến, trong tôi lại dậy lên bao cảm xúc. Đôi lần về quê hay đi trên đường, bắt gặp những chiếc áo xanh tình nguyện, lòng tôi lại rạo rực ngân vang câu hát năm nào: “Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre/ Mùa hè xanh xôn xao nâng bước chân ta về…”. (*)

Qua tháng ngày của Mùa hè xanh, những lớp trẻ  lại thêm yêu quê hương, đất nước mình
Qua tháng ngày của Mùa hè xanh, những lớp trẻ lại thêm yêu quê hương, đất nước mình

Không chỉ ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa mà ở các quận, huyện của TPHCM, vẫn đều đặn có sinh viên tình nguyện góp công làm cho diện mạo thành phố thêm xanh, sạch, đẹp. Theo dấu chân tình nguyện, phố phường như khoác áo mới. Bà con lại có cái nhìn thiện cảm hơn, “thương tụi nhỏ vất vả” mà không ít lần xắn tay cùng làm. Chú Tư - cựu dân quân ở quận Bình Thạnh - nói: “Mỗi khi có mấy con về thì khu này hết nhếch nhác, không còn rác rến bừa bãi. Mấy con về làm sạch mương, hướng dẫn đổ rác, giăng băng rôn, vận động hằng ngày nên mọi thứ đi vào nền nếp”.

Âm vang đâu đây những lời động viên, những tình cảm thương yêu mà người trẻ Sài Gòn được nhận sau khi kết thúc một mùa chiến dịch. Thậm chí, ở những nơi này, chúng tôi có thêm những người mẹ, người cha, những người thân thuộc như gia đình thứ hai. Bằng cách này hay cách khác, tình cảm ấm áp đó sẽ kéo dài và ngân vang trong lòng mỗi chúng ta.

Mỗi năm, theo sự phát triển của xã hội, nội dung của chiến dịch được nâng tầm hơn, mang đến ý nghĩa ngày càng thiết thực hơn. Nào là làm đường sá, cầu cống, nào là phòng chống dịch bệnh, tệ nạn, bảo vệ mỹ quan đô thị, xây dựng nông thôn mới… Đó chính là cái tình và tấm lòng thơm thảo của sức trẻ Sài Gòn - TPHCM dành cho đồng bào ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S này.

(*) Bài hát Mùa hè xanh của nhạc sĩ Vũ Hoàng

Trinh Huỳnh (TP Thủ Đức, TPHCM)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài dự thi: 31/12/2024

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI