Mùa hè và một ngàn lẻ một day dứt

28/05/2016 - 08:34

PNO - Có không gian nào cho trẻ con ở thành phố? Đá bóng dưới lòng đường hay học trồng cây trên bê tông, nuôi các con vật cưng trên sân thượng?

Thế là con gái đã nghỉ hè, nghĩa là không có trường học “quản trị” nó từ 8g sáng đến 5g chiều mỗi ngày, nghĩa là con gái sẽ được ở tuyệt đối giữa gia đình, nghĩa là có đến 1.001 việc để bố-mẹ-con cùng chia sẻ với nhau. Bạn nghe có ngọt ngào không? Tôi thì thấy biết bao kinh khủng.

Như mọi phụ huynh bận rộn và bất lực khác về thời gian, tôi không biết thu xếp làm sao để toàn quyền trông coi con mình 24/24g. Mùa hè, bọn người lớn chúng tôi đâu được nghỉ làm, vứt con ở nhà cho ông bà (nếu may mắn có ông bà) thì ông bà cũng oải lắm, không thể đủ sức vật lộn với đứa trẻ con nghịch phát điên - dư năng lượng và tò mò vô hạn với một đống câu hỏi “vì sao?” mỗi ngày. Trẻ ở nhà đương nhiên sẽ được giao cho ti vi, ipad coi giùm. Đến cuối ngày về nhà nhìn con xơ xác, mặt mũi đờ đẫn vì vùi vào màn hình từ game nọ đến phim kia - thật, thân làm bố mẹ thấy xót ruột như mình vứt con vào trại SOS.

Mua he va mot ngan le mot day dut
Mua he va mot ngan le mot day dut
Hãy dành cho con trẻ một mùa hè xanh, đầy rộn rã, tươi trong - Ảnh: Mẹ O Liu

Nhưng mà không cho ti vi và máy tính, điện thoại ở nhà giữ trẻ hộ, thì biết mang con đi đâu ngoài xách đến công sở. Mẹ làm việc (mẹ thôi, bố thì nhất định không chịu “đính kèm” con ở công sở rồi), con nheo nhóc ngồi cạnh. Chẳng có gì cho một đứa trẻ ở nơi người lớn lo kiếm cơm, nó sẽ lại bơ vơ theo một cách khác, đứng ngồi thừa thãi, thỉnh thoảng được ngó đến qua quýt, rồi thì cuối cùng vẫn là được vứt vào tay một cái điện thoại (hay máy tính) để phụ huynh của nó yên tâm rúc vào công việc.

Có không gian nào cho trẻ con ở thành phố? Đá bóng dưới lòng đường hay học trồng cây trên bê tông, nuôi các con vật cưng trên sân thượng? “Thế quê thì sao? Về quê là mùa hè lý tưởng cho mỗi đứa trẻ mà” - bạn tôi thắc mắc. Tôi cũng ao ước thế. Nhưng đứa trẻ thành phố may mắn có một nơi thiên nhiên thuần khiết với cánh đồng dòng sông bờ tre bụi chuối - để gọi là quê của nó, thì điều gì sẽ đón đợi nó ở quê ấy?

Sông hồ ao chuôm - nơi chốn hiền hòa này giờ đây đính kèm bao nhiêu hiểm họa, khi chúng tôi phải đọc quá nhiều dòng tin về những cuộc ra đi đau đớn đến không tin nổi của bọn trẻ không quen sông nước. Nông thôn cũng không còn an lành nữa, cuộc sống khốn khó và vất vả khiến con người rơi vào một sự mông muội khác, mà trẻ con - vốn yếu ớt và dễ tổn thương nhất - luôn ở nguy cơ bị lạm dụng. Ở quê các ngôi nhà cũng đã rào dậu lại, không chỉ về mặt đất đai, mà lòng người lớn không còn như cánh cổng mở rộng cho bọn trẻ chạy chơi từ nhà nọ sang nhà kia như thể làng chỉ là một ngôi nhà lớn. Ở quê mộc mạc tình, người lớn đã phun thuốc sâu vào những luống rau mà nhà mình không ăn…

Các bố mẹ cứ than vãn là bọn trẻ con bây giờ học sao mà lắm?! Học đến mất hết tuổi thơ, chẳng còn được chơi nhởi, một mẩu tuổi đã bị đè xuống vai biết bao trách nhiệm về chữ nghĩa với điểm số. Than như thể trường học là tội đồ tiêu diệt bầu trời bắng nhắng vô lo của bọn con nít. Nhưng thử rời trường học xem, đến tháng Sáu xem!

Lũ người lớn đang cay nghiệt với nền giáo dục nước nhà, bỗng thấy ân hận hình như mình lỡ lời quá quắt với ân nhân (vẫn trông coi con mình). Và cứu tinh xuất hiện: các khóa học thêm, các trại hè, các lớp âm nhạc - múa - mỹ thuật - nấu ăn - các dịch vụ học làm chú tiểu, chú lính nhí… đua nhau mọc lên như ông Bụt đa năng hiện ra khi phụ huynh thút thít, “vì sao con khóc? Hãy trả phí ta sẽ có phương án”.

Mọi con đường không dẫn đến thành Roma, với bọn trẻ mọi con đường sẽ dẫn đến lớp học kiểu này hay kiểu khác. Không phải học để “ấm vào thân”, mà đó là nơi duy nhất trẻ con có chỗ của mình.

Tôi vẫn nghĩ suốt về một ngàn lẻ một điều bố mẹ muốn chia sẻ cùng con. Nhưng tôi biết đó là sẽ một ngàn lẻ một lời hứa và nỗi day dứt, về những điều tôi không thể thực hiện cùng con.

Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI