Mùa hè, uống nước sao cho đúng?

09/06/2024 - 16:28

PNO - Việc uống nước quá nhiều và không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Mùa hè nóng bức khiến cơ thể mất nước nhiều do đổ mồ hôi, dẫn đến tình trạng khát nước. Bổ sung nước đầy đủ là việc vô cùng quan trọng để cơ thể điều hòa nhiệt độ, vận chuyển chất dinh dưỡng, loại bỏ độc tố và duy trì các chức năng sống thiết yếu. Tuy nhiên, việc uống nước quá nhiều và không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Một số trường hợp cần được bác sĩ tư vấn để kiểm soát lượng nước bổ sung mỗi ngày, tránh tình trạng làm bệnh tình thêm trầm trọng
Một số trường hợp cần được bác sĩ tư vấn để kiểm soát lượng nước bổ sung mỗi ngày, tránh tình trạng làm bệnh tình thêm trầm trọng

Hệ lụy vì uống nước phản khoa học

Chị Nguyễn Thị Lan (42 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết gần đây do thời tiết vô cùng nóng bức, chị rất khát và uống rất nhiều nước. Chị Lan còn có thói quen uống nhiều nước trước khi đi ngủ bởi nếu không uống, chị sẽ cảm thấy khát và khó ngủ. Bên cạnh đó, chị lo lắng về việc thiếu nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trong mùa hè. Đêm nào chị cũng phải thức dậy đi vệ sinh 2-3 lần. Việc đi tiểu đêm nhiều lần khiến chị không thể quay lại giấc ngủ. Tình trạng luôn thiếu ngủ khiến chị cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, dễ nổi cáu, ảnh hưởng tới năng suất làm việc. Thiếu ngủ và mệt mỏi kéo dài khiến chị Lan không có đủ năng lượng để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí và dành thời gian cho gia đình.

Không chỉ chị Lan phải gánh chịu hệ lụy vì hiểu chưa đúng về việc bổ sung nước cho cơ thể trong ngày nắng nóng, ông Lê Văn Nam (65 tuổi, ngụ Đồng Nai) cũng là một trường hợp tương tự.

Ông Nam có thói quen uống nhiều nước từ lâu do quan niệm rằng điều này tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, ông Nam bị bệnh tim mạch, phải uống thuốc điều trị lâu dài. Ông không hiểu rõ những nguy cơ của việc uống quá nhiều nước đối với bệnh nhân tim mạch. Dù đã được bác sĩ dặn dò nhưng ông cho rằng bản thân vẫn khỏe mạnh và có thể tự quyết định việc uống nước của mình. Việc uống quá nhiều nước khiến tim ông phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến tình trạng suy tim, khó thở, phù nề. Suy tim là bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Do tình trạng suy tim nặng, ông Nam phải nhập viện điều trị thường xuyên.

Thêm một trường hợp nữa là bà Trần Thị Mến (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM). Bà Mến bị suy thận mạn và phải lọc máu định kỳ. Chức năng thận suy yếu, khả năng bài tiết nước của bà bị hạn chế. Gần đây, do nắng nóng, bà Mến uống nhiều nước hơn bình thường. Việc uống quá nhiều nước khiến lượng nước dư thừa trong cơ thể bà không thể bài tiết ra ngoài, dẫn đến tình trạng phù nề, đặc biệt là ở mặt, tay, chân, bụng. Bên cạnh đó, bà còn bị tăng huyết áp. Phù nề do uống quá nhiều nước có thể dẫn đến tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ cao gây ra các bệnh tim mạch và đột quỵ.

Uống nhiều nước làm tăng gánh nặng bệnh lý?

Trên đây chỉ là 3 trường hợp điển hình, thực tế còn rất nhiều trường hợp khác với những hậu quả nghiêm trọng do uống nước quá nhiều. Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Khôi Nguyên - Khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đưa ra cảnh báo về việc lượng nước bổ sung mỗi ngày đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân suy thận mạn và tim mạch, đái tháo nhạt. Vì thế, việc uống bao nhiêu nước ở những bệnh nhân này cần được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.

Lượng nước cần thiết mỗi ngày cho mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất, điều kiện khí hậu...
Lượng nước cần thiết mỗi ngày cho mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất, điều kiện khí hậu...

Trước tiên, đối với người bị suy thận mạn, lượng nước được khuyến cáo tùy vào từng mức độ của bệnh. Suy thận mạn được chia làm 5 độ. Ở độ 1-2, bệnh nhân vẫn có thể uống nước theo nhu cầu nhưng cần theo dõi lượng nước tiểu để đảm bảo cân bằng. Ở độ 3-4, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước bổ sung mỗi ngày để được chỉ dẫn phù hợp. Bổ sung bao nhiêu nước là đủ còn phụ thuộc vào khả năng đi tiểu của bệnh nhân.

Ở độ 5, bệnh nhân cần chạy thận nên phải kiểm soát rất chặt chẽ lượng nước uống. Việc uống quá nhiều nước có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Trước tiên phải kể tới là hiện tượng phù nề do nước dư thừa tích tụ trong cơ thể gây sưng tấy, khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Không những thế, cơ thể dư thừa nước sẽ gây ứ nước tim, phổi, tạo áp lực lên tim và phổi. Khi đó, bệnh nhân sẽ khó thở, suy tim và xảy ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm. Thừa nước còn làm rối loạn điện giải. Cụ thể là sự mất cân bằng các chất điện giải quan trọng như kali, natri, ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và cơ bắp.

Đối với bệnh nhân đái tháo nhạt, cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu dẫn đến tình trạng khát nước quá mức. Bệnh nhân có thể uống tới 8 lít nước mỗi ngày gây hậu quả mất nước bởi lượng nước tiểu quá nhiều dẫn đến mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, táo bón và nguy hiểm hơn là sốc. Họ cũng có thể bị rối loạn điện giải, mất nước và mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến chức năng tim, cơ bắp, hệ thần kinh…

Tóm lại, bệnh nhân suy thận mạn cần theo dõi lượng nước uống và lượng nước tiểu mỗi ngày để báo lại cho bác sĩ nhằm được tư vấn kịp thời. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về lượng nước phù hợp cho từng giai đoạn bệnh. Những bệnh nhân suy thận mạn nặng và đái tháo nhạt tránh uống nước quá nhiều. Quan trọng nhất là cần biết lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy khát nhiều bất thường, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bệnh nhân tim mạch cần hạn chế lượng nước uống, đặc biệt là những người có tình trạng suy tim, cao huyết áp hoặc phù nề. Lượng nước phù hợp thường được bác sĩ khuyến cáo dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Uống quá nhiều nước làm tăng gánh nặng cho tim. Khi lượng nước trong cơ thể dư thừa, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến suy tim. Bên cạnh đó, lượng nước dư thừa có thể làm tăng lượng natri trong máu dẫn đến tăng huyết áp. Nước dư thừa tích tụ trong cơ thể gây sưng tấy, đặc biệt là ở mắt, chân và tay (phù nề). Vì vậy, bệnh nhân tim mạch còn cần theo dõi cân nặng thường xuyên để phát hiện dấu hiệu phù nề và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay đồ uống lợi tiểu nào. Những bệnh nhân này cần chọn thực phẩm ít muối để giảm lượng natri trong cơ thể, tránh đồ uống có gas, cà phê và rượu bia vì có thể làm tăng lượng nước.

Bệnh nhân đái tháo nhạt nên uống nước lọc hoặc nước lọc hương vị trái cây để tránh mất nước và giảm cảm giác khát. Lượng nước phù hợp mỗi ngày cần được tham khảo ý kiến bác sĩ dựa trên tình trạng sức khỏe mỗi người.

Uống nước là nhu cầu thiết yếu cho cơ thể con người, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng sống. Tuy nhiên, việc uống nước không đúng cách có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Lượng nước cần thiết mỗi ngày cho mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất, điều kiện khí hậu... Theo khuyến cáo chung, người trưởng thành khỏe mạnh nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, tương đương 8 ly nước. Nên uống nước đều đặn trong cả ngày, không nên đợi đến khi khát mới uống. Một số thời điểm quan trọng để uống nước bao gồm sau khi ngủ dậy (uống một ly nước ấm giúp thanh lọc cơ thể sau một giấc ngủ dài) và trước bữa ăn khoảng 30 phút giúp tạo cảm giác no và hỗ trợ tiêu hóa.

Trâm Anh

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI