|
Mong sao hết hè |
Không biết từ khi nào mà mùa nghỉ hè của con trẻ lại trở thành mùa “điên đầu” với hầu hết cha mẹ. Họ phải nghĩ mọi cách để “cõng” con qua những ngày hè.
Xoay tua giữ trẻ
Trường vừa thông báo cho học sinh nghỉ hè, chị Ái Trinh (Q.8. TP.HCM) và nhóm bạn lập tức gọi nhau họp khẩn cấp bàn cách… quản con. Bốn mẹ giải bài toán khó khi bảy đứa trẻ đồng loạt nghỉ hè.
Trường công nghỉ theo lịch chung; trường tư nhận trẻ học hè có giá vừa phải nhưng không đáp ứng mong muốn; trường tư thỏa điều kiện của cha mẹ thì học phí cao hơn thu nhập; các khóa học kỹ năng ngắn hạn, các tour trại hè tiếng Anh ở nước ngoài thì phí cao như... sao trên trời. “Tất cả các phương án thông thường đều không khả thi.
Bí quá, nhóm mình nghĩ ra cách kết nối với các mẹ cũng có con nhỏ, ở gần nhau, cùng quan điểm nuôi dạy con và nhất định phải... rảnh rỗi thay phiên nhau giữ các bé”, chị Ái Trinh chia sẻ.
Vậy là nhóm bà mẹ bỉm sữa ở các quận 5, 7, 8 lao vào chia lịch, thay phiên nhau giữ con cho những người còn lại đi làm. Thời gian biểu được lên phải đảm bảo mỗi ngày có ít nhất hai mẹ thu xếp công việc để trông trẻ. Mỗi mẹ phụ trách giữ con mình và gánh thêm một-hai bé của các mẹ còn lại. “Do công việc của mình không cố định thời gian nên thường mỗi tuần mình chỉ có thể sắp xếp giữ trẻ được một ngày.
|
Xoay tua giữ con |
Các ngày còn lại mình mang bé đi gửi cho mẹ khác. Tuy lên lịch cố định, nhưng nếu bận đột xuất có thể báo lại nhóm vào chiều tối hôm trước để các mẹ khác sắp xếp. Trước khi đi làm mình sẽ chuẩn bị quần áo, sữa, thức ăn cho con rồi mang qua gửi các mẹ. Chiều làm việc xong thì qua đón con về”, chị Như Ngọc, một mẹ thuộc nhóm “xoay tua giữ con”, cho biết.
Anh Ngô Phú Vinh (chung cư Ehome, Q.Bình Tân) trở thành… xe ôm công cộng khi con nghỉ hè. Muốn cho con có mùa hè trọn vẹn, anh Vinh cùng vài phụ huynh trong chung cư “nói không” với học thêm, học hè, thay vào đó lập thành nhóm “xe ôm” đưa trẻ đi chơi. Đội “các ông bố xe ôm” được phân công rất bài bản.
Anh Vinh kể: “Vợ tụi bạn bán hàng online tại nhà nên phụ trách giữ các con vào ngày bình thường. Cuối tuần, vợ tui và một chị nữa nghỉ việc từ chiều thứ Sáu thì phụ trách dẫn các bé đi siêu thị chơi trò chơi, mua sắm, đi công viên, sở thú… Có tuần, cả bốn gia đình đều không ai rảnh, liền đăng ký cho cả nhóm vào học lớp ngoại khóa ở nhà thiếu nhi thành phố. Tui và các ông bố thay nhau làm xe ôm đưa đón, sáng anh bạn đưa đi thì chiều tui rước về hoặc ngược lại. Bọn mình cứ xoay tua để các con được vui chơi thoải mái. Cố gắng được ngày nào đỡ ngày nấy”.
Theo các mẹ, có rất nhiều thuận lợi khi xoay tua giữ con cho nhau, đó là cho con được nghỉ hè thoải mái, ít tốn kém vì các bố mẹ làm trên tinh thần hỗ trợ nhau là chính. Hơn nữa, bố mẹ cũng yên tâm đi làm khi tin chắc con ở nhà các mẹ khác cũng an toàn và thoải mái như ở nhà…
“Vấn nạn” mùa hè
Dù là một giải pháp tốt giải quyết bài toán giữ con trong hè, nhưng cũng có lúc phương án xoay tua trở nên... bí rị, nhất là khi các nhóm cha mẹ liên kết theo kiểu tự phát. Chị Ái Trinh chia sẻ: “Trong sáu mẹ, mình là người phải gửi con nhiều hơn nên đôi lúc ngại lắm.
Thêm vào đó, bởi vì là nhóm tự phát nên đôi lúc các mẹ cũng lúng túng. Mỗi bé mỗi nếp nhà, thói quen ăn uống, ngủ nghỉ cũng khác nhau, nên khi phải giữ con cho mẹ khác thì các mẹ lúng túng nếu bé “trở chứng”, khóc quấy, nhất là khi hai-ba bé giành đồ chơi, đánh nhau, cùng gào lên”.
Không thể chọn cách xoay tua, gia đình anh Lê Hồng Phong (Thủ Đức) phải tốn gần 20 triệu đồng để gửi cậu nhóc con về Nghệ An với ông bà ngoại. Cả hai vợ chồng đều đi làm suốt tuần, không thể san sẻ thời gian để thay phiên giữ trẻ như các gia đình khác. Cứ gần hè, gia đình anh phải tính toán, gom góp để đủ chi phí nhờ người nhà vào đón cháu về quê. Hết hè lại đưa vào đi học.
Không biết từ khi nào, chuyện trẻ được nghỉ hè hai-ba tháng lại trở thành chuyện rất hệ trọng với các gia đình tại các thành phố lớn. Họ tìm đủ giải pháp để giải quyết “vấn nạn nghỉ hè” của con trẻ. Dù ở trường hợp nào, tất cả đều cùng một nhu cầu là “quản” con trong những ngày hè. Với bố mẹ Việt ngày nay, con mà nghỉ hè thì chỉ có… điên cái đầu.
Tiêu Hà
Cho trẻ tự do chọn cách chơi hè
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy khuyến cáo: Mục đích quan trọng của kỳ nghỉ hè là trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, giúp trẻ phát triển toàn diện và tiếp thêm năng lượng. Một mùa hè được thỏa sức vận động, thích thú với học và chơi, đứa trẻ lớn lên trông thấy về thể chất và tâm hồn. Không đứa trẻ nào thích học hè, do đó, chúng thường căng thẳng, mệt mỏi và có tới trường cũng chỉ là để đối phó.
Thay vì đẩy con vào lớp học hè hoặc cha mẹ phải gồng mình “cõng” con qua hết mùa hè, TS Thúy khuyên phụ huynh để con mình tự do chọn các phương án hợp lý và trẻ thích thú nhất. Như thế, cha mẹ cũng đỡ áp lực hơn trong việc quản con. “Tôi vẫn hay mua sách năm sau để con tham khảo.
Không hề ép, tôi mua để đó, nếu con hứng thú thì tìm hiểu, lật những chỗ thích xem. Thời gian còn lại tôi cho con theo các khóa học mà chúng ham thích như khám phá khoa học, lắp ghép robot… để con phát triển sở thích, năng khiếu, có thêm mối quan hệ với bạn bè”.
Tuyết Dân