Cho con đi bán hàng có gì làm cho người mẹ sung sướng như vậy?
Có đấy! Tạo điều kiện con tự lập, thoát khỏi quyền lực mềm của cha mẹ là món quà cho con. Mong muốn cho các con trải nghiệm những bài học về phục vụ, về tiết kiệm, về tái sử dụng, về tiền, về hợp tác… tất cả đều nằm trong cơ hội cho con trải nghiệm bán hàng. Bán hàng ở chợ trời (flea market) thì còn gì bằng. Vì tử tế được ở chợ trời thì ở đâu con cũng tử tế được, má nghĩ vậy!
Nên bắt đầu bài học này khi nào? Sáu tuổi có vẻ phù hợp vì đây là giai đoạn con đã hình thành gần như mọi khái niệm cơ bản về giá trị sống. Đến lúc bàn chân nhỏ cần bước ra ngoài để học nhiều hơn, đặc biệt là về tiền… Má đã có những trải nghiệm thú vị với Sao và Nhiên lần đầu.
Trải nghiệm 1: Quý những gì mình có
- Sao và Nhiên ơi, mình đi bán hàng nhen!
- Bán gì má, tại sao phải bán?
- Mình sẽ bán những gì mình có, mình đã sử dụng nhưng vẫn còn tốt. Có nhiều người khác cần chúng, còn mình thì có tiền.
- Dạ, vậy là mình sẽ đi bán hàng và có tiền nữa hả má?
Vui quá!
- Tụi con tính bán gì?
- Đồ chơi được không má? Hay sách?
- Quá được. Quần áo cũ còn tốt nè. Các con đi một vòng hỏi thăm các chị trong nhà có gì bán được không?
Chiều đi làm về, má thấy con đã phân loại quần áo, sách báo, băng đĩa, xin được các chị vài món đồ và dán giá sẵn mới ghê chứ. Má và các con cẩn thận đi vòng quanh nhà, tìm thêm. Các con thay nhau hỏi: “Cái này cũng bán được hả má?”, “Theo con, cái này còn tốt không? Cái này mọi người có thích không?”.
Nhờ chuẩn bị bán hàng, hai con trở nên ý thức hơn: “Má à, má đọc sách đừng có gấp lại”. Con biết đồ mình không dùng nữa vẫn có giá trị với người khác cũng như mình hoàn toàn có thể mua đồ tái sử dụng của người khác, rẻ và vui…
Trải nghiệm 2: Lập kế hoạch và hợp tác
Má làm một bản liệt kê những việc cần chuẩn bị. Cả nhà cùng góp ý. Bán gì? Ai phụ trách việc gì? Bán hàng ở đâu? Khi nào đi? Đi lại bằng phương tiện gì? Bán thế nào?
Nhìn thấy cái quần jean cũ mèm giá 100.000đ, trong khi quyển sách mình mua mấy trăm ngàn chỉ có giá 5.000đ… má phản ứng: “Trời, cái quần này cũ lắm, 10.000đ thôi. Quyển sách vầy mà có 5.000đ, chết tui”. Nói xong mới biết mình hớ, áp đặt rồi! Nhưng bọn trẻ đâu có chịu: “Con biết bán thế nào mà”. Chợt nghĩ, ồ, mình cần gì can thiệp. Thực tế sẽ giúp con biết thế nào là hợp lý”.
Sao bê cái máy gắp kẹo mini: “Má mua kẹo bỏ vào, con sẽ mời các bạn, ai mua nhiều sẽ được bóc kẹo”. Ra thực tế, “ổng” mời ráo trọi… Nhờ cái máy vui mà quầy hàng của con thu hút nhiều người.
Má cho biết đi từ nhà đến điểm bán hàng tốn khoảng vài trăm ngàn taxi. Lái xe hơi thì cũng rất lãng phí. Các con bán xong cần tự trả tiền ăn trưa, chi phí đi lại… Vậy mình đi bằng xe buýt, phải đổi vài chặng… các con đồng ý không?
Và thế là các con mỗi đứa một thùng hàng, vui vẻ lên xuống ba chặng xe buýt, hơn 1g30 mới đến nơi, ngủ gục trên xe buýt mà không than vãn câu nào.
Đến nơi, hai bạn tự phân công nhau trong im lặng. Má quan sát sự hợp tác của các con mà ngạc nhiên. Sao và Nhiên lặng lẽ bày hàng. Sao nhường Nhiên ngồi bên trong (chắc biết em hay mắc cỡ hơn mình). Anh đứng ngoài tiếp khách, phục vụ, tiền bán và tiền thối em phụ trách, chẳng phải nói gì nhiều… hay thiệt. Má phải học các con…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trải nghiệm 3: Bước ra khỏi vùng thoải mái
Những vị khách đầu tiên đến, con mắc cỡ không nói gì. Các cô hỏi giá, con cũng ngập ngừng. Người đầu tiên mua, con phấn chấn hơn nhưng vẫn bối rối lắm.
Má khều nhẹ: “Con muốn bán được hàng, mọi người vui vẻ không?”. Con gật.
Má chỉ con cách chào hỏi: “Cô ơi, con cô là con trai hay con gái, bao nhiêu tuổi” rồi giới thiệu món đồ phù hợp. Với bạn nhỏ, con có thể mời bạn kẹo và nói cho bạn nghe con có cái gì hay quyển sách hay như thế nào?
Con ngập ngừng hỏi một cô và giới thiệu máy bay giấy cho con trai cô ấy. Cô khách ngạc nhiên, vui vẻ trả lời. Con bước ra khỏi vùng thoải mái của mình, bắt đầu giao tiếp lanh lẹ với mọi người, lanh lẹ lựa đồ, thu tiền, tính tiền, cảm ơn… Các con còn giới thiệu sách, kể chuyện về những món đồ của mình, kiểu như “sách này con đọc lâu rồi, hay lắm”, “Má mua cho con cái này hồi nhỏ, cái này thích hơp với các bạn nhỏ. Cô mua nha cô”, “mình tặng bạn quyển này nè”
Trải nghiệm 4: Xử lý tình huống
Đúng như má dự đoán, một cô cầm chiếc quần lên: “Trời, quần này 100.000đ hả”. Cái áo gối cũ mèm, hắn cũng dán giá 100.000đ luôn. Sao nhìn phản ứng của cô khách, mắc cỡ, lật đật lột giá, dán lại còn 5.000đ…
Má giải thích: “Con bình tĩnh, nếu cái quần này 5.000đ thì rẻ lắm”.
“Không sao, con thấy vậy được rồi!”.
“Được, con hài lòng là được rồi”. Má không nói “Má nói rồi mà con không nghe”. Lát sau, con tự giác hỏi: “Cái này bán bao nhiêu được má?”. Má đã học được nhiều bài học khi mình tỏ ra mình biết nhiều hơn con, cũng như chỉ trích con vì cái tội không biết nghe lời, con sẽ không thèm hỏi ý kiến mẹ nữa. Lắng nghe, phản hồi và xử lý… Vụng hay khôn từ từ, tùy con… Con làm gì thấy đúng là được, thoát khỏi mặc cảm lo lắng “tôi làm cái này đúng hay sai?” mà bản thân má đã đeo theo mình thuở nhỏ.
Trải nghiệm 5: Tiền và lòng tham
Niềm vui kéo dài đến khoảng hơn 2g trưa. Lúc này hai anh chị đã bắt đầu ham chơi, bỏ cửa hàng, chạy đi tham quan gian hàng đồ chơi “xịn” bên trong. Lúc này má được chứng kiến lòng tham của các con, cũng là bản năng tự nhiên của con người.
- Ủa, sao hai đứa bỏ đi chơi không bán nữa vậy?
- Tụi con có nhiều tiền rồi má (trời, tụi nó bán được gần 700.000đ à), không bán nữa đâu.
- Ừ, có nhiều tiền rồi nhưng mình vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ, bán xong đến 4g mình về.
- Không, con chỉ muốn mua đồ chơi thôi, má cho con lấy tiền mua đồ chơi đi.
- Các con bình tĩnh, tiền của các con bán được hàng, mình sẽ bàn mình làm gì cho hợp lý.
- Con muốn mua đồ chơi! - Hai đứa hét lên.
Chẳng bao giờ hai đứa đòi hỏi cái gì một cách hung hăng như vậy. Có phải các con đã cảm nhận được quyền lực của tiền, tôi có tiền, tôi có quyền?
“Chúng ta sẽ mua đồ chơi, nếu các con quyết định như vậy, nhưng sẽ không phải là bây giờ. Nhiệm vụ bây giờ là bán hàng và ta sẽ bàn bạc dùng tiền như thế nào, các con kiên nhẫn nhé”.
“Các con sẽ ủng hộ cho các bạn nghèo bao nhiêu từ tiền bán hàng của mình?”.
Nhiên lập tức ôm chặt cái túi. Sao thì nhảy tưng tưng”. “Không, không, tụi con sẽ mua đồ chơi. Có phải con sẽ được mua bất cứ cái gì từ tiền của con phải không?”.
Má hơi hoảng, lặp lại: “Mình thống nhất là sau khi bán hàng sẽ đóng góp cho các bạn khó khăn. Sử dụng tiền như thế nào chúng ta sẽ cùng bàn bạc”.
Hai bạn dịu lại, quay lại bán hàng, dọn dẹp và vui vẻ điệp khúc đón xe buýt. Ngày hôm sau, bài học sử dụng tiền áp dụng lại, chia tiền thành năm phần: chi tiêu tự do, học hành, quà tặng, vui chơi/du lịch, tiết kiệm…
Hai bạn nhỏ rất hạnh phúc với việc chi tiêu mà không phải hỏi gì cả trong phần được phép… Phải chăng cả hai đã hiểu muốn tự do phải độc lập và được làm quen với hoạch định tài chính; muốn mua cái gì thì lấy tiền nào…, những điều mà má của các con dở ẹt vì chẳng được dạy từ nhỏ cho đến khi lập gia đình.
Hãy cho con ra chợ trời để học hạnh phúc.
BÙI MINH TÚ