Văn hóa dân gian không phải là chuyện riêng của những nghệ nhân hay những người muôn năm cũ. Mọi em nhỏ, ở đâu cũng có thể tham dự, nếu được người lớn giới thiệu.
|
Trẻ em Hà Nội tìm hiểu, trải nghiệm sáng tạo trên tranh Kim Hoàng |
Mùa hè chơi tranh, chơi trò chơi dân gian
Vừa qua, hàng trăm em nhỏ ở Hà Nội đã có cơ hội trải nghiệm, sáng tạo cùng tranh dân gian Kim Hoàng. Sự kiện nằm trong dự án Cùng bé sáng tạo do Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam và làng nghề tranh dân gian Kim Hoàng tổ chức tại Nhà Triển lãm Thành phố, nhân Festival đường phố, diễn ra từ ngày 15-17/6.
Chương trình đậm màu sắc văn hóa cổ truyền với các hoạt động giới thiệu tranh dân gian Kim Hoàng - một trong những dòng tranh dân gian độc đáo ở miền Bắc Việt Nam, đồng thời kích thích sáng tạo, giúp các em hiểu hơn về một nét đẹp của dân tộc. Cuộc thi Cùng bé sáng tạo và tìm hiểu tranh dân gian Kim Hoàng cũng được phát động trên toàn quốc dành cho các em từ 5-15 tuổi, bắt đầu từ ngày 15-30/8.
Hè này, các trường học tại Đà Nẵng sẽ tổ chức các trò chơi dân gian như rồng rắn lên mây, múa sạp, nhảy dây, kéo co, ô ăn quan, cướp cờ, dung dăng dung dẻ... tăng cường tập luyện và biểu diễn các làn điệu dân ca khu V, bài chòi… cho các em. Trong các năm học tới, ngành giáo dục Đà Nẵng sẽ tăng cường đưa trò chơi dân gian vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa ở trường học.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.Đà Nẵng - cho biết, lý do dẫn tới sự thay đổi này bắt nguồn từ “thực trạng ngày càng ít học sinh biết và chơi các trò chơi dân gian, đặc biệt trước những tác hại đáng báo động của trò chơi trực tuyến”.
Ông Vĩnh nói thêm, trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi dành cho trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Sân chơi này “nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo và còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước”.
Tìm về miền ký ức
Cứ vào dịp hè, các bậc phụ huynh (nhất là ở thành thị) lại đau đầu chuyện tìm sân chơi cho con em. Tình trạng thiếu sân chơi đã được báo chí phản ánh nhiều, dù ở thời buổi công nghệ hóa không gian vui chơi của trẻ, những sân chơi, trò chơi mang tính tiêu khiển không phải hiếm.
Với điều kiện kinh tế ngày càng nâng cao, phụ huynh cũng có nhiều lựa chọn cho con tham dự các khóa học trải nghiệm mùa hè khác nhau. Tuy nhiên, những sân chơi, không gian trải nghiệm mang tính văn hóa - nghệ thuật, nhất là gắn với văn hóa truyền thống, dường như bị lép vế hẳn.
Mùa hè, kéo trẻ về với tranh, với các trò chơi dân gian cũng là để các em gặp lại tuổi thơ của ông bà, cha mẹ, để cả gia đình đoàn tụ trong ký ức chung mộc mạc, gần gũi. Về với văn hóa dân gian, cũng là về với nguồn cội, với những tình cảm mà một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh không thể tạo ra được.
Đậu Dung
PGS-TS Trang Thanh Hiền, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm dự án :
“Đói những sân chơi văn hóa - nghệ thuật cho trẻ”
Phóng viên: Chị nghĩ thế nào về chuyện thiếu sân chơi cho trẻ?
PGS-TS Trang Thanh Hiền: Thực ra không phải thiếu sân chơi cho trẻ con, mà là thiếu những sân chơi văn hóa, nghệ thuật cho các bạn nhỏ. Những người làm kinh doanh hiện nay có rất nhiều trò chơi mang tính thể chất cho các bé, nhưng các sân chơi mang lại kiến thức sâu hơn về văn hóa nghệ thuật truyền thống thì quá ít.
Thi thoảng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng tổ chức một số chương trình liên quan đến nghệ thuật truyền thống như in tranh dân gian, nhưng do kinh phí có hạn, việc tiếp cận đối với nghệ thuật cũng chỉ dừng lại ở một số nhóm trẻ quen thuộc, không mở rộng được phạm vi.
* Giữa thời công nghệ số, việc kéo trẻ về với văn hóa truyền thống có ý nghĩa ra sao?
- Văn hóa dân gian không nhạt dần mà luôn vận động, đồng hành cùng cuộc sống. Nó biến đổi để thích ứng và trong những hình thức tồn tại mới, ý nghĩa văn hóa vẫn còn. Biểu tượng văn hóa giống như một thứ hồn cốt, để duy trì mạch nguồn. Bên cạnh tạo dựng một nền tảng thẩm mỹ tốt, việc tiếp xúc với văn hóa dân tộc từ sớm sẽ góp phần bồi đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước, giúp các em hiểu hơn về giá trị của hai chữ “bản sắc”.
Ý thức về bản sắc sẽ là hành trang để các em có thể sống trong sự đa dạng văn hóa khi bước ra bên ngoài. Kiến thức văn hóa thế giới, văn hóa đương đại cần thiết bao nhiêu thì kiến thức về cội nguồn cũng cần thiết bấy nhiêu để có được một đời sống tinh thần đủ đầy.
Du Nguyên (ghi)