Khi tuổi tác càng lúc càng nhiều hơn, thời gian lưu trú ở tại vùng đất yên bình, không xe cộ tấp nập, không đua chen với đồng tiền, thị phi mỗi ngày lại tăng thêm. Ban đầu là 2 ngày cuối tuần, dần dần thành 4 ngày, rồi thành 5 ngày, 7 ngày và 10 ngày,…
Tôi thường chọn đến biển, thuê phòng nghỉ ở cùng với người dân địa phương thay vì chọn khách sạn hay resort sang trọng. Từ TP.HCM có thể đi được rất nhiều tỉnh có biển lân cận nhưng không phải nơi nào cũng thật sự mang đến cho tôi cảm giác buông bỏ thật sự như khi đến biển.
Tôi từng đến biển tại Vũng Tàu, Cần Giờ, Lagi, Phan Rang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên,… nhưng cuối cùng vẫn quay lại với vùng biển ở Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tôi nghĩ đó là cái duyên mà không phải với vùng biển nào mình cũng có được.
Chính gia đình tôi từng ở cùng lần đầu tiên như khách trọ cách đây 4 năm, dần dần lại trở thành người thân của tôi mỗi khi muốn đến đây nghỉ ngơi.
Một ngôi nhà giáp bờ biển, có hai vợ chồng già cũng mưu sinh thời tuổi trẻ tại thành phố, và đến tuổi già quyết định chuyển về Mũi Né sống quãng đời còn lại. Từ ngôi nhà giản dị này, tôi chỉ cần đi bộ dọc theo hàng dừa sai trái gần 50m đã có thể tắm biển hoặc đi dạo thỏa thích trên bãi biển.
Trái ngược với một TP.HCM năng động, náo nhiệt và có phần bức bối, Mũi Né là nơi hoàn toàn yên bình, tĩnh lặng. Hành trình từ TP.CM đến Mũi Né không quá xa, vất vả…
Trung tâm Phan Thiết cách trung tâm hành chính TP.HCM 183 km về hướng đông bắc, từ đây, bạn di chuyển gần 20km sẽ đến Mũi Né.
Đây là địa danh nổi tiếng ở thành phố biển Phan Thiết (Bình Thuận). Những năm gần đây, nơi này trở thành địa điểm du lịch được nhiều người lựa chọn.
Đến Mũi Né vào thời gian nào?
Mũi Né có khí hậu nóng quanh năm, nhiều gió, ít bão, bạn có thể du lịch bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, tháng 4, 5 là thời gian nóng nhất trong năm, tháng 7, 8, 9 thường có mưa bất chợt nên biển sẽ không trong xanh và sóng êm như các tháng còn lại.
Đến Mũi Né bằng cách nào?
Nếu bạn chọn đi tàu sẽ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ, chuyến đầu tiên mỗi ngày khởi hành vào lúc 7 giờ sáng, giá vé từ 100.000 đồng trở lên. Ngay trên tàu, nhân viên sẽ bán vé xe buýt để đi đến Mũi Né nên bạn có thể mua để thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Giá vé 30.000 đồng/người.
Tôi thích cảm giác ngồi tàu nhất trong số các phương tiện được chọn đến Mũi Né. Bởi đây là cơ hội ngồi thư giãn, buông lõng tâm thế, chỉ nhìn ngắm từng con đường, từng nhóm người tấp nập mưu sinh, từng góc phố quen thuộc dần dần bị bỏ lại phía sau.
Rồi trong mắt tôi sẽ xuất hiện hình ảnh những vườn thanh long rộng bạt ngàn, những ngôi nhà lẻ loi giữa khoảng đất rộng chỉ có nắng và gió,… tâm tư nặng trĩu của bạn sẽ dần bình ổn. Tôi sẽ không bị chi phối bởi phải tập trung lái xe, phải rẽ sang đường này hay quẹo qua đường khác như đi xe máy hay ô tô.
Nếu bạn di chuyển bằng xe máy, ô tô sẽ có hai lộ trình. Một là chặng đường đi theo hướng quốc lộ 1A để đến ngã ba Suối Cát để đến Phan Thiết. Bạn tiếp tục đi theo tỉnh lộ 706 là sẽ đến đươc Mũi Né.
Cung đường này dài khoảng 209 km. Đường đi thẳng, bằng phẳng, dễ đi nhưng khá nhiều phương tiện giao thông tham gia cùng nhau nên có nhiều xe tải, container,… bạn nên đi đúng luật và theo quy định của luật giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và không bị phạt.
Hai là cung đường khác khá đẹp, ít xe lớn, độ dài của tuyến đường 242 km. Bạn có thể vừa đi vừa ngắm cảnh và ghé đến những địa danh như Mũi Kê Gà - nơi có cảnh đẹp như tranh vẽ để chụp hình. Việc vừa đi vừa nghỉ ngơi, thư giãn sẽ giúp cho bạn đỡ bị mệt mỏi và có cảm giác như đường đi gần hơn.
Nếu bạn di chuyển bằng xe khách, tại TP.HCM có rất nhiều hãng xe chạy tuyến Sài Gòn - Mũi Né. Bạn có thể chọn một số hãng xe chất lượng cao đi đến Phan Thiết, xuất phát từ bến xe miền Đông hoặc đường Đề Thám, Quận 1. Giá vé xe khách giao động chỉ khoảng 120.000 đồng đến 150.000 đồng, tùy từng hãng.
Đối tượng khách đến Mũi Né phần lớn là các gia đình cùng nhau đi nghỉ dưỡng, cặp đôi yêu nhau cùng hưởng kỳ nghỉ lãng mạn, các công ty, đoàn thể tổ chức nghỉ ngơi – vui chơi,…
Đặc biệt khách du lịch là người nước ngoài tại Nga, Đức, Pháp,… thường chọn đến Mũi Né vào mùa đông tại nước họ hoặc mùa nghỉ lễ dài ngày. Ngoài ra, một lượng lớn khách du lịch là người cao tuổi đi nghỉ dưỡng cũng lựa chọn Mũi Né là điểm đến lý tưởng.
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ cảm thấy bề mặt Mũi Né như một khu phố tây thu nhỏ. Dọc đường đi là hình ảnh người nước ngoài lái xe đạp, xe máy, đi bộ dọc theo con đường hai bên đều là dịch vụ khách sạn, resort, ăn uống, vui chơi với nhiều ngôn ngữ như Nga, Anh, Trung,...
Còn bên trong khu nghỉ dưỡng hay các khách sạn sát bờ biển lại là những du khách yêu thích sự tĩnh lặng. Họ chọn biển bởi muốn ngắm cảnh bình yên, nằm phơi nắng trên bờ biển và trên tay họ luôn là một cuốn sách.
Đến Mũi Né chơi gì?
Mũi Né sở hữu vẻ đẹp trong lành, có bãi biển xanh, cát trắng, sóng vỗ rì rào, lại có những cồn cát bao la. Dù trong tuần hay cuối tuần, đặc biệt là kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, nếu bạn không có kế hoạch cụ thể, việc tìm phòng nghỉ, khách sạn, resort sẽ gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn khách và các công ty du lịch đều đặt trước phòng.
Ngoài kế hoạch dạo chơi trên bãi biển, tắm biển, tham gia các trò chơi trên biển như lướt cano, lướt sóng,… Các điểm vui chơi, tham quan cũng có 2 khu vực cho bạn lựa chọn là trung tâm thành phố Phan Thiết và quanh Mũi Né.
1. Trường Dục Thanh: Được xây dựng từ năm 1907 để hưởng ứng phong trào duy Tân, ngôi trường này đã ghi dấu khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy học tại đây cho các sĩ phu yêu nước.
2. Lầu Ông Hoàng: Địa điểm gắn với tên tuổi nhà thơ Hàn Mạc Tử. Lầu Ông Hoàng từng là nơi hẹn hò giữa Hàn Mạc Tử và Mộng Cầm – người tình của nhà thơ.
3. Dinh Vạn Thủy Tú: Đền thờ Cá Ông (thần Nam Hải) trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng.
4. Tháp Chàm Poshanư: Tháp Chàm này là di tích của Vương quốc Chăm-pa xưa còn sót lại mang lối kiến trúc Hoa lai đặc sắc.
5. Hòn Rơm: Có những bãi tắm đẹp như Hòn Rơm 1, Hòn Rơm 2, Thùy Trang…. Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm.
6. Bãi Rạng: là bãi tắm đẹp nhất của TP. Phan Thiết. Bãi Rạng cách trung tâm thành phố khoảng 15 km về phía Bắc, nằm dưới những rặng dừa dày đặc, trông giống khu rừng dừa rất đẹp.
7 Hòn Ghềnh: Cách Mũi Né chưa đầy 1 km, còn khá nguyên sơ, nước biển trong veo, có thể nhìn thấy những tán san hô dưới đáy.
8. Đồi Cát Bay ở Mũi Né: Bạn có thể tham gia trò chơi trượt cát vô cùng thích thú. Tuy nhiên, bạn nên đến sau 4h chiều vì ở đây khá nắng và nóng.
9. Bàu trắng – Bàu sen: hai hồ nước ngọt nằm giữa những đồi cát trắng với những bông sen nở rộ và mặt hồ xanh thẳm.
10. Suối Tiên: là một khe nước nhỏ nằm bên cạnh Hòn Rơm, đây là suối đi bộ với thung lũng cát rất đẹp. Bên cạnh suối là những đồi nhũ đá tự nhiên có màu đỏ và trắng. Do sự bào mòn của thời gian nên tạo ra những nhũ đá có hình thù kỳ lạ tự nhiên.
Đến Mũi Né ăn gì?
Giống như các vùng biển khác, du khách đến Mũi Né phần lớn lựa chọn ăn uống các món hải sản như tôm, cua, ghẹ, các loại ốc,… Khu vực khách du lịch thường chọn ăn hải sản nổi tiếng tại Mũi Né là bờ gành, nhà hàng, quán ven biển. Nơi đây phục vụ hải sản tươi sống, hoạt động từ 16h đến 23-24h mỗi ngày.
Với khách muốn mua hải sản nhờ dân địa phương chế biến, lưu ý nên đi chợ hải sản vào mỗi sáng sớm khoảng 4-6h sáng. Đây là thời điểm tàu thuyền đánh cá đưa hải sản vào bờ.
Bên cạnh hải sản, bạn có thể thưởng thức những món đặc trưng của Phan Thiết như các món làm từ con dong (nướng, rô ti, hấp, chả dông, gỏi, cháo và dông nấu dưa hồng), bánh canh cá, bánh tráng mắm ruốc, bánh tráng cuốn dẻo, lẩu thả, bánh xèo, bánh căn, mỳ quảng,…
Nếu bạn muốn lựa chọn quán ngon và được người dân địa phương lẫn du khách yêu thích, nên hỏi thăm người dân bản địa hoặc lễ tân tại khách sạn bạn ở để được hướng dẫn cụ thể và tìm chính xác điểm đến.
Trái cây tại Mũi Né, Phan Thiết dễ tìm và thường xuyên xuất hiện trong thực đơn của du khách là thanh long, xoài, dưa hấu, nho, dừa tươi, dứa… Trong đó, thanh long được xem là đặc sản của vùng đất này.
Vũ An