Mùa hạnh phúc từ tranh Đông Hồ bước vào thời trang Việt

19/03/2018 - 15:28

PNO - Tôi yêu thích các thể loại nghệ thuật dân gian, truyền thống và luôn suy nghĩ đưa nghệ thuật vào cuộc sống hằng ngày, chứ không chỉ dành cho trưng bày hay biểu diễn.

Những ngày này, nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo của thương hiệu thời trang TSafari đang miệt mài cho bộ sưu tập mới với những họa tiết từ tranh Đông Hồ. Đây không phải lần đầu tiên người phụ nữ này chọn những giá trị từ văn hóa truyền thống Việt làm điểm tựa cho những thiết kế của mình. 

Mua hanh phuc tu tranh Dong Ho buoc vao thoi trang Viet
Dạ Thảo

Phóng viên: Những bộ sưu tập do chị thiết kế thường được nhận định, ngoài tính ứng dụng cao thì phần họa tiết, chất liệu dựa trên truyền thống rất nhiều. Vì sao chị hay chọn các yếu tố văn hóa truyền thống Việt làm điểm tựa cho thiết kế của mình? 

Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo: 

- Từ năm 2005 đến 2009, tôi tham gia rất nhiều chuyến giao lưu quốc tế ở Singapore, vương quốc Anh, Thái Lan... Ở những nơi đó, tôi được gặp nhiều chuyên gia và các bạn bè doanh nhân đến từ nhiều nước. Trong vai trò là người sáng tạo, tôi luôn muốn giới thiệu tinh hoa Việt Nam với bạn bè quốc tế và cũng từ những nơi này, từ những ý tưởng mới manh nha trong suy nghĩ, tôi đã nhận được nhiều chia sẻ về việc giữ gìn, phát triển những giá trị truyền thống nước nhà.

Mỗi bộ sưu tập là một hành trình dài tôi tự tìm kiếm nguồn gốc của các yếu tố truyền thống, đưa nó vào thiết kế để phù hợp với người tiêu dùng. Nhiều nhà thiết kế trẻ hiện cũng áp dụng phương thức này, được nhiều khách hàng trong, ngoài nước yêu thích.

* Tại sao trong hành trình tìm về truyền thống đó chị lại chọn họa tiết cung đình, sen của cố đô Huế làm điểm trở về đầu tiên? 

- Theo tôi, bộ ba họa tiết: sen - rồng - đường diềm cung đình rất đậm dấu ấn Việt Nam. Tất cả trang phục TSafari đều ẩn hiện những họa tiết này. Tôi muốn đây không chỉ là sự nhận diện cho thương hiệu của mình mà còn để nhận diện hình ảnh thời trang Việt. Tôi dành tặng riêng bộ sưu tập Nàng sen cho phụ nữ Huế, như một cách âm thầm tôn vinh người phụ nữ Việt Nam vốn chịu nhiều nhọc nhằn, vươn lên và khẳng định nữ quyền như ngày nay.

* Được biết chị đang thực hiện bộ sưu tập từ tranh Đông Hồ - vốn không phải là kiểu họa tiết mới trong thời trang, nhưng tại sao chị vẫn chọn? 

- Khoảng năm 2009-2010, tôi đã khai thác tranh Đông Hồ vào trang phục ứng dụng dạ tiệc và triển lãm tại Bangkok (Thái Lan). Thời ấy, tôi ra tận làng Đông Hồ tìm hiểu và khai thác các bản sắc làm tranh, tìm hiểu những câu chuyện ý nghĩa… chứ không thiết kế hời hợt lấy thông tin từ mạng. Giai đoạn đầu, nhiều người thấy lạ và hoài nghi. Sau đó, nhìn thấy hình ảnh tranh Đông Hồ được nhiều người khai thác như một trào lưu, tôi rất vui. 

Bây giờ, sau gần 10 năm, tôi trở lại với Đông Hồ trong diện mạo mới, mang câu chuyện mới vào mỗi tác phẩm. Tôi tin "ngôn ngữ" Đông Hồ trong trang phục của mình bây giờ xứng đáng mang tên Mùa hạnh phúc bởi nó nằm ngoài những trào lưu nhưng sẽ bước vào đời sống bằng trang phục hiện đại.

* Rất nhiều nhà thiết kế chọn văn hóa truyền thống cho các bộ sưu tập nhưng hầu hết là để trình diễn, ít tính ứng dụng, chị thì ngược lại. Để dung hòa tính ứng dụng trên nền tảng cổ điển, họa tiết xưa có khó khăn?

- Tôi yêu thích các thể loại nghệ thuật dân gian, truyền thống và luôn suy nghĩ đưa nghệ thuật vào cuộc sống hằng ngày, chứ không chỉ dành cho trưng bày hay biểu diễn. Có như vậy, những giá trị truyền thống mới được lan tỏa, truyền cảm hứng cho mọi người, nhất là giới trẻ. Với tâm nguyện đó, tôi kết hợp thêm về chiến lược, hiểu khách hàng, khả năng sáng tạo được cập nhật liên tục xu hướng quốc tế và trải nghiệm thực tiễn.

Mỗi năm, tôi đều đi châu Âu tham khảo các nhà thiết kế tên tuổi trên thế giới để tạo ra những bộ sưu tập ứng dụng và độc đáo. Như ở bộ sưu tập Mùa hạnh phúc từ tranh Đông Hồ, tôi áp dụng công nghệ đồ họa và in lên vải để dễ giặt ủi (thậm chí giặt máy), đưa hình ảnh từ nguyên thủy trên khung gỗ và màu bột nguyên thủy vào sản phẩm.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

  Cát Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI