Mua hàng rao vặt qua mạng: Dễ 'dính chưởng'

17/06/2015 - 11:38

PNO - PN - Thận trọng với sản phẩm có giá thấp đáng ngờ, kiểm tra hàng trước khi trả tiền; với các mặt hàng có giá trị cao, yêu cầu giấy tờ chứng minh sở hữu mặt hàng... là những điều người tiêu dùng cần lưu ý.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tưởng rẻ hóa đắt

Dương, sinh viên năm thứ 4 Đại học Kiến trúc TP.HCM cho biết, sau khi đọc lời rao “cần bán điện thoại iPhone 5S mới 99%, do được tặng, không có nhu cầu sử dụng” từ một trang rao vặt, với giá bán 7,4 triệu đồng, anh liên lạc đặt mua. Mức giá này, Dương tìm hiểu, thấy rẻ hơn giá thị trường từ 1,5-2 triệu đồng. Trước khi hẹn gặp người rao bán, Dương đã hỏi bạn bè có chút kinh nghiệm mua điện thoại cũ. Sau khi kiểm tra, anh thấy vỏ máy còn mới đúng như quảng cáo, cảm ứng nhạy, nút nguồn khởi động bật-tắt tốt, âm thanh loa tốt... Nghi ngờ duy nhất của Dương là ốc vít đã bị mở, nhưng khi nghe người bán giải thích do vệ sinh máy, người bán còn hứa có thể trả lại nếu trong vòng một tuần xảy ra trục trặc, Dương quyết định mua.

Sau bốn ngày dùng, điện thoại bắt đầu có vấn đề, màn hình chớp liên tục, các ứng dụng tự động bật rồi tắt, mỗi lần mất nguồn phải khởi động nhiều lần máy mới nhận sim. Lúc này, Dương điện thoại cho người bán thì không liên lạc được. Mang điện thoại ra cửa hàng sửa chữa, Dương tá hỏa khi biết đã mua phải “hàng dựng” (điện thoại đã qua sử dụng, máy móc có vấn đề được sửa lại và thay vỏ mới). Rất nhiều khách hàng mắc phải chiêu lừa tương tự.

Trường hợp khác, chị Nguyễn Kim Phượng, ngụ tại đường Trần Quốc Toản (Q.3, TP.HCM) cho biết, chị ở trọ, muốn mua chiếc tủ lạnh cũ. Tìm trên các thông tin rao vặt, thấy tin rao bán tủ lạnh cũ của người ngụ ở đường Thạch Thị Thanh (Q.1), chị Phượng liền liên hệ. Khi đến xem, chị Phượng thấy tủ còn mới, cắm điện thì hoạt động bình thường. Chị đồng ý mua với giá 1,5 triệu đồng. Thế nhưng, sử dụng chưa đầy một tháng, tủ vẫn “chạy” nhưng trở thành “tủ nóng”. Tưởng tủ lạnh hết gas, chị gọi thợ đến nhà kiểm tra. Sau hai lần bơm gas, sửa chữa mất thêm một triệu đồng, lần thứ ba, chị được thông báo cần thay bộ phận làm lạnh với giá 1,3 triệu đồng. Lo ngại không có gì đảm bảo sau mỗi lần sửa chữa, chị Phượng đành... bán ve chai chiếc tủ mua và sửa mất gần bốn triệu đồng. Thử liên lạc người bán, chị Phượng “té ngửa” khi nhận được trả lời tỉnh bơ: “Chủ nhà gửi bán chứ không có trách nhiệm”.

Hiện có khá nhiều website rao vặt như muaban, raovat, chotot... thậm chí những diễn đàn trực tuyến cũng tổ chức mục rao vặt, mua bán, khai thác đối tượng khách hàng là những người có sản phẩm, tài sản đã qua sử dụng, đồ dư thừa muốn bán lại. Những người không có đủ tiền để mua hàng mới hoặc chuộng đồ cũ giá rẻ thường lên những trang này để tìm kiếm sản phẩm. Người mua, kẻ bán qua các “chợ” này có thể liên lạc trực tiếp để giao dịch mua bán.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp do không có kinh nghiệm sử dụng hình thức mua bán từ những trang rao vặt trực tuyến, nên đã mua phải “hàng dựng”, sao đó lại đưa lý do là “cần tiền muốn bán gấp, giá rẻ”, hay “mới mua nhưng không thích, muốn bán lại”... Xe máy, ô tô, điện thoại, đồ điện gia dụng... đã qua sử dụng là những mặt hàng dễ bị các đối tượng mang ra “lừa bịp” người mua.

Mua hang rao vat qua mang: De 'dinh chuong'

Khó “nắm kẻ trọc đầu”

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM cho hay, người tiêu dùng bị lừa gạt với thủ đoạn và hình thức như trên không hiếm. Đã có rất nhiều trường hợp phản ánh đến Hội, nhưng Hội không thể can thiệp. Nếu mua từ một cửa hàng, hay từ một website mua bán trực tuyến có hóa đơn, biên lai... thì người mua còn có căn cứ để khiếu nại. Trong khi đó, đa phần người mua, người bán trao đổi trực tiếp một lần, và người bán “bốc hơi” ngay sau khi giao dịch nên “để tìm ra người bán lừa đảo chỉ có thể là công an”.

Theo ông Bryan Teo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chợ Tốt (chotot.vn), trong khi nhiều nước hạn chế sim điện thoại rác, mỗi cá nhân thường chỉ được đăng ký một số thuê bao cố định, gắn với các giao dịch cá nhân thì ở Việt Nam, việc quản lý này chưa nghiêm ngặt, góp phần nảy sinh các chiêu trò lừa gạt qua rao vặt hay mua bán trực tuyến. Mỗi ngày Chợ Tốt có tới một triệu lượt người truy cập và khoảng 10 triệu người dùng (người đăng ký tài khoản trên website) mỗi tháng. Lượng tin đăng mới mỗi ngày tại trang giao dịch này lên đến 20.000 tin. Người giao dịch chào bán từ những vật dụng có giá trị vài chục ngàn đồng đến những chiếc siêu xe lên tới 40-50 tỷ đồng, trong đó có khoảng 3.000 giao dịch thành công. Riêng đội ngũ kiểm duyệt thông tin chào bán lên đến hàng trăm người, nhằm giảm thiểu các trường hợp lừa đảo. Căn cứ để kiểm duyệt là các tin đăng sản phẩm có giá thấp đáng ngờ, các sản phẩm trái phép, loại bỏ các tin đăng tuyển dụng đa cấp, tin đăng không hợp pháp, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, tin có dấu hiệu lừa đảo... Nếu nghi ngờ về tính trung thực của thông tin rao vặt hay sản phẩm, người mua có thể gọi điện nhờ bộ phận chăm sóc khách hàng kiểm chứng. Tuy nhiên, khi giao dịch giữa người mua và người bán diễn ra trực tiếp, bên ngoài sự can thiệp của website, thì vẫn không tránh khỏi những trường hợp khách hàng bị lừa gạt.

Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương), hiện có hơn 40 triệu người dùng internet, 58% trong số đó dùng internet để mua sắm trực tuyến. 36% người Việt Nam dùng điện thoại thông minh, có thể truy cập internet dễ dàng nên đây là một trong những điều kiện thúc đẩy mua sắm, giao dịch qua mạng. Bà Trương Thị Hồng Hà, Trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng của Chợ Tốt khuyên, người mua và người bán nên gặp trực tiếp ở nơi quen thuộc để giao dịch, nên đi cùng với người có kinh nghiệm, hiểu biết về sản phẩm mình muốn mua. Khi gặp tin giới thiệu sản phẩm đáng ngờ, nên dùng chức năng “báo tin không hợp lệ”, liên hệ với trang tin giao dịch để được hỗ trợ thẩm định thông tin.

 ĐĂNG THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI