Mua hàng online: 'Té ngửa' vì khuyến mãi nhíp gắp mụn giá 80.000 đồng thành cây nặn mụn giá 3.000 đồng

07/05/2017 - 06:52

PNO - Thấy quảng cáo trên mạng bán mặt nạ ngũ hoa làm trắng da giá chỉ 250.000 đồng, lại được tặng cây nhíp gắp mụn giá 80.000 đồng, chị Nguyệt liền đặt mua. Đến khi nhận hàng mới té ngửa vì người bán “treo đầu dê, bán thịt...

Thấy quảng cáo trên mạng bán mặt nạ ngũ hoa làm trắng da giá chỉ 250.000 đồng, lại được tặng cây nhíp gắp mụn giá 80.000 đồng, chị Nguyệt liền đặt mua. Đến khi nhận hàng mới té ngửa vì người bán “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân, chị Nguyệt, ngụ Long An cho biết mình đã bị người bán lừa gạt quá dễ dàng. Chị thấy người bán đăng quảng cáo mặt nạ ngũ hoa làm trắng da giá là 250.000 đồng/gói (một gói gồm sáu gói nhỏ) nên mua về xài thử. Cộng thêm việc người bán khuyến mãi tặng kèm cây nhíp gắp mụn trị giá 80.000 đồng khiến chị Nguyệt không ngại ngần mà bỏ tiền mua.

Nào ngờ, khi người bán giao hàng qua bưu điện, chị mở ra thì mới biết thực ra ngũ hoa mà người bán quảng cáo chính là loại hạt có tên là hạt đình lịch.

Mua hang online: 'Te ngua' vi khuyen mai nhip gap mun gia 80.000 dong thanh cay nan mun gia 3.000 dong
Khi mua hàng online, cần kiểm tra kỹ hàng trước khi trả tiền vì việc khiếu nại sau khi đã thanh toán sẽ không dễ dàng.

“Hạt đình lịch này ngoài tiệm thuốc bắc bán đầy, giá có 20.000 đồng/100g thôi, nếu biết chỗ mua thì giá còn rẻ hơn nữa. Thế nhưng người này bán cho mình gói hạt chỉ chừng 200g mà đến 250.000 đồng. Mình không biết vì họ gọi tên ngũ hoa hạt. Nhưng chuyện giá mắc rẻ mình chưa nói, cái khiến mình bực nhất là chuyện người bán nói tặng cây nhíp gắp mụn giá 80.000 đồng mà lại tặng cây nặn mụn giá có… 3.000 đồng”, chị Nguyệt kể.

Tiền thì chị Nguyệt đã thanh toán cho nhân viên giao hàng hàng. Chị liên hệ lại số điện thoại người bán để phản ánh thì không được giải quyết với lý do chị đã không kiểm tra hàng trước khi trả tiền. Chị Nguyệt cho biết, nhân viên bưu điện không đồng ý cho chị mở hàng trước khi thanh toán nên chị không thể kiểm tra được; đồng thời yêu cầu người bán giải quyết trường hợp của chị.

“Sau khi mình yêu cầu giải quyết, người bán bảo sẽ kiểm tra lại và làm việc với bên bưu điện, rồi biến mất luôn. Mình liên hệ lại, vào facebook bán hàng để nhắn tin thì bị xóa, chặn. Mình dùng facebook của người khác vào thì lại được. Xem như mình bị lừa, nhưng mình cũng muốn chia sẻ để nhiều người không rơi vào trường hợp giống mình chứ lừa mỗi người 200.000 đồng là đã đủ giàu rồi. Mọi người đừng dại dột như mình, tin vào quảng cáo mà không kiểm chứng thì chỉ có tiền mất tật mang thôi, nhất là các loại mỹ phẩm làm đẹp thì càng cần phải cẩn thận trước khi trả tiền”, chị Nguyệt bức xúc.

Trường hợp của chị Nguyệt không phải hiếm trong bối cảnh người người, nhà nhà kinh doanh qua mạng như hiện nay. Nhiều khách hàng đã “khóc dở, mếu dở” vì hình ảnh quảng cáo trên trang bán hàng thuyết phục bao nhiêu thì đến khi cầm sản phẩm thực tế trên tay lại thất vọng bấy nhiêu.

Chị Trâm, chủ một shop bán trà bắc kể, do sản phẩm chị bán cần đóng gói nên một lần nhìn thấy quảng cáo máy hàn miệng túi trên facebook chị đã đặt mua. Theo quảng cáo của người bán thì chiếc máy hàn miệng túi này có xuất xứ từ Nhật Bản, dễ sử dụng, mà lại rất hiệu quả, đồng thời còn có clip trải nghiệm sản phẩm để người dùng dễ hình dung. Ưng ý, chị Trâm đã đặt mua chiếc máy này với giá 250.000 đồng. Sau vài ngày chờ, chị Trâm đã nhận được một chiếc máy hàn miệng túi nhưng theo chị đánh giá thì giá trị thật của nó không quá… 30.000 đồng.

“Nó cũng là cái máy ép túi cầm tay, nhưng không như quảng cáo đâu, cầm lên nó lỏng lẽo, không mượt mà đâu. Mình nghĩ đây là hàng nhái, giá trị của nó không đáng 30.000 đồng chứ đừng nói 250.000 đồng. Mình có gọi phản ánh thì bên bán bảo sản phẩm đúng như quảng cáo, khi mình nói muốn trả lại và được hoàn tiền thì người bán tắt và chặn số máy luôn, nhắn tin trên facebook bán hàng thì bị xóa ngay. Thôi thì coi như một bài học cho mình, lần sau mình phải cân nhắc thật kỹ nếu muốn mua hàng online”, chị Trâm cho hay.

Mua hang online: 'Te ngua' vi khuyen mai nhip gap mun gia 80.000 dong thanh cay nan mun gia 3.000 dong
Hàng hóa được rao bán trên Facebook hiện nay "vàng thau lẫn lộn", khách hàng rất dễ mua lầm hàng giả, nhái.

Rất nhiều sản phẩm được bán online bị làm giá lên rất cao, nếu người mua không có kinh nghiệm mua hàng thì rất dễ bị “dính bẫy”. Bên cạnh đó, người bán rất biết cách đánh lừa thị giác của khách hàng khi sử dụng hình ảnh quảng cáo đẹp long lanh, có thể là từ thương hiệu nổi tiếng nào đó để làm hình ảnh đại diện cho sản phẩm của mình hòng lừa người dùng bỏ tiền ra mua hàng nhái. Lúc đó chính khách hàng lại mất tiền oan vì hàng không sử dụng được.

“Có lần tôi mua cái áo đầm giá 250.000 đồng, ban đầu nhìn áo qua ảnh người bán quảng cáo thì nó rất đẹp, bắt mắt lắm. Tôi cũng hỏi cặn kẽ người bán là hình thật không, chất liệu vải có giống hình không,… thì người bán nói là cứ yên tâm, chất lượng và kiểu dáng y hình. Đến khi cầm hàng thật trên tay thì ôi thôi, nó chỉ na ná thôi chứ làm gì y hình, chất liệu áo thì không mềm, mịn như mình nhìn thấy trong hình, đến khi mặc vào thì mình quyết định là tìm người cho luôn chứ không muốn mặc nữa”, chị Phương Thanh, ngụ quận Tân Bình nói.

Do vậy, để mua hàng online đáng đồng tiền, bạn cần phải hết sức tỉnh táo. Đừng bị hình ảnh đánh lừa, nên tìm mua những nơi uy tín, và phải luôn luôn nhớ rằng “tiền nào của đó” chứ không có chuyện hàng đẹp mà giá rẻ. Bên cạnh đó, phải kiểm tra thật kỹ hàng hóa trước khi quyết định trả tiền cho người giao hàng.

Hoàng Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI