Mua hàng online, người dân vẫn chuộng "nhận hàng mới trả tiền"

08/08/2024 - 14:41

PNO - Việt Nam có khoảng 61 triệu người dân mua sắm qua thương mại điện tử, đa phần trong số này chọn hình thức nhận hàng mới trả tiền. Điều này do là người dân vẫn chưa tin tưởng vào sản phẩm được quảng cáo trên mạng, nạn mua phải hàng giả hàng nhái vẫn nhiều...

Thông tin trên được ông Lê Anh Tú - đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) chia sẻ tại diễn đàn "Kinh tế số - củng cố và phát triển tài chính ngân hàng và Fintech - dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp" ngày 8/8.

Theo ông Tú, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng dầu thế giới. Trong 61 triệu người tham gia mua sắm qua TMĐT, mỗi người chi bình quân khoảng 300USD mỗi năm.

Trong quý II/2024, ước tính doanh thu trên 5 sàn TMĐT bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop đạt khoảng 85.000 tỉ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023. Còn nếu tính cả 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên 5 sàn trên đạt 156.000 tỉ đồng, tăng 78% so với năm 2023. Người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023.

Người mua hàng vẫn chuộng nhận hàng mới trả tiền - Ảnh: Thanh Hoa
Người mua hàng vẫn chuộng nhận hàng mới trả tiền - Ảnh: Thanh Hoa

Hiện nay, có nhiều giải pháp thanh toán trực tuyến mới cũng đã được phát triển như ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc (NFC, QR code) hoặc ngân hàng điện tử. Trong đó, phương thức thanh toán trên thiết bị di động ngày càng phổ biến, chiếm hơn 80% giá trị giao dịch; nhu cầu thanh toán trả góp, thanh toán xuyên quốc gia đang tăng cao. Tuy nhiên, lượng người dùng chọn phương thức nhận hàng mới trả tiền còn chiếm số lượng cao.

Một báo cáo của Allied Market Research cho thấy tỉ lệ khách hàng mua sắm trên TMĐT chọn thanh toán nhận hàng – trả tiền chiếm tới 80-90%. Lý do là người dân vẫn chưa tin tưởng vào sản phẩm được quảng cáo trên mạng, nạn hàng giả hàng nhái xuất hiện nhiều trên các sàn TMĐT khiến người mua phải trực tiếp nhận hàng và kiểm tra, sau khi yên tâm thì mới trả tiền.

Ông Lê Anh Tú đề xuất, để thúc đẩy kinh tế số, đa dạng dịch vụ thanh toán trên nền tảng TMĐT cần phải nâng cao nhận thức của người dùng về lợi ích của thanh toán điện tử. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu Quốc gia giúp đồng bộ xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền có giá trị hơn 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày giúp ngăn chặn rủi ro lừa đảo, bảo vệ khách hàng khi giao dịch thanh toán trên TMĐT.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) – cho biết, lợi dụng TMĐT phát triển, các đối tượng đã dụ dỗ người dân tham gia làm cộng tác viên xử lý đơn hàng trên TMĐT để hưởng hoa hồng cao. Người tham gia phải đặt đơn hàng và nạp tiền vào tài khoản trên các website do đối tượng tạo ra để nhận hoa hồng, nhưng sau khi nạp tiền người dân không nhận được tiền và mất luôn số tiền đã nạp. Theo ông Giang, nhiều người đã bị mất số tiền lớn, ngay cả bạn của ông cũng mất 200.000USD khi thực hiện xử lý đơn hàng vận tải với người nước ngoài.

Bên cạnh đó, tội phạm mạng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua hàng online trên sàn TMĐT, dẫn dụ họ nhập vào đường dẫn (link) giả mạo và cung cấp mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang khuyến cáo, trước tình hình lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp, người dân cần phải nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia, giao dịch trực tuyến, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản cho bất kỳ ai.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI