PNO - Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, người mua có thể sở hữu tấm bằng chính quy, được giao tận nhà như món hàng thông thường. Hiện trên nhiều trang mạng, từ chứng chỉ nghề, thạc sĩ, tiến sĩ đều được rao bán công khai.
Nhiều loại giấy tờ giả hiện đang được làm với kỹ thuật cao, trông giống như thật, được rao bán công khai. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đã choáng váng trước thực trạng làm giả và mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả.
Làm giả công khai, minh bạch và… hợp pháp?
Hàng loạt tin nhắn được công khai gửi tới số điện thoại cá nhân, email, thậm chí là nhóm sinh hoạt cộng đồng. DAVID NGỌC DUONG (0913.549…) ngang nhiên chọn cách tiếp thị như vậy. Người này nhận làm đủ loại bằng, từ trung học phổ thông (THPT) đến tiến sĩ với giá được “niêm yết” cụ thể: bằng tiến sĩ giá 6 triệu đồng; thạc sĩ 5 triệu đồng; bằng đại học 4 triệu đồng; cao đẳng 3,5 triệu đồng; trung cấp 2 triệu đồng; bằng THPT 2 triệu đồng. DAVID NGOC DUONG còn “cung cấp” các loại giấy tờ khác, như giấy chứng nhận miễn (hoãn) nghĩa vụ quân sự, passport, visa du học, visa định cư, con dấu...
Đặc biệt, DAVID NGOC DUONG thầu nhiều “dịch vụ” như chạy điểm thi các môn bị trượt đủ các bậc trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học. Nhà cung cấp dịch vụ gian dối chuyên nghiệp này còn năng động nhận thi hộ cho các sinh viên ở các kỳ thi: chuyển cấp, tuyển sinh vào trường chuyên, tuyển sinh đại học, cao học... Người này không ngại cam kết có dữ liệu điểm, mã số ngay trong trường để kiểm tra; bằng, học bạ đều thật và có hồ sơ gốc lưu tại trường; phôi thật 100%, mộc đỏ đóng là mộc nổi, tem bảy màu của Bộ GD-ĐT, “bao” công chứng trên toàn quốc.
Một tổ chức chuyên làm bằng giả trắng trợn khác là những người đứng sau trang www.chuyenlambangdaihoc.com, và người túc trực để giao dịch tên là Hải. Dù chuyên bán bằng giả nhưng trên web này quảng bá : “Làm bằng đại học có hồ sơ gốc là lựa chọn thắp lửa cho niềm đam mê của bạn, giúp bạn vượt qua những rào cản về bằng cấp và mang lại cơ hội phát triển thuận lợi hơn. Nhiệm vụ của bạn bây giờ là tìm kiếm địa chỉ cung cấp đáng tin cậy để làm bằng. Tại đây giá rẻ và chuyên nghiệp, đáp ứng mọi nhu cầu cần làm bằng cấp của khách hàng. Nhận làm bằng giá rẻ có hồ sơ gốc và đặc biệt không cần đặt cọc, tránh các trường hợp lừa đảo. Bạn không cần đặt cọc hay đưa tiền trước, đây chính là điểm khác biệt giữa một dịch vụ làm bằng lừa đảo và uy tín. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, sẽ tiến hành làm bằng ngay”.
Làm bằng giả, chạy điểm… đều vi phạm pháp luật, nhưng một số “lò” như www.chuyenlambangdaihoc.com khẳng định mình làm bằng giả vì… đam mê, vì muốn giúp người có nhu cầu đỡ tốn thời gian, tiền bạc, đỡ phải học hành vất vả.
Nắm được tâm lý xấu hổ của khách hàng khi mua bằng giả, các đối tượng cung cấp bằng trên trang web này trấn an: “Chúng tôi chỉ giúp cho những bạn có ý định tìm việc làm chứ không ủng hộ những trường hợp lợi dụng bằng giả để làm việc xấu. Không làm các bằng đại học liên quan đến các ngành y tế, cảnh sát hay quân đội, chứng minh thư giả, giấy tờ nhà đất, sổ đỏ… liên quan đến pháp luật Việt Nam”. Thế nhưng, khi chúng tôi ngỏ ý có người quen muốn làm bằng bác sĩ đa khoa, Hải liền gật đầu đồng ý.
Sở hữu bằng thạc sĩ chỉ sau... một ngày
Sau khi khảo sát một số băng nhóm làm bằng giả công khai, sáng 22/11, chúng tôi quyết định gọi cho Hải, người đóng vai trò như là quản trị (admin) của website www.chuyenlambangdaihoc.com theo số 012276… Khi nghe hỏi “bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Trường đại học Kinh tế TP.HCM năm 2012 khó lấy, anh làm nổi không?”, Hải khẳng định chắc nịch: “Đảm bảo với em, chỗ anh là phôi bằng thật. Từ trong trường tuồn ra nên chắc chắn là bằng thật. Anh bao luôn công chứng bằng và bảng điểm, giá 5 triệu”.
Chúng tôi kỳ kèo, đòi giảm giá, Hải quả quyết: “Của anh là bằng thật em ơi, giá này rẻ rồi. Mấy chỗ khác họ bán toàn bằng scan mà còn lấy cao hơn. Anh còn làm được hồ sơ gốc lưu trong trường. Anh làm bằng giả vì muốn giúp mọi người sống đúng đam mê thôi. Em lên website sẽ thấy uy tín của anh”.
Sau cuộc gọi, trao đổi thông tin qua email, chúng tôi “quăng cục lơ”. Ngày hôm sau, Hải sốt sắng gọi lại: “Khi nào em lấy bằng? Lính anh đã làm xong, có thể giao cho em ngay trong ngày, chỗ anh là chính chủ, làm một ngày là có, em cần lấy liền trong chiều nay cũng có, không qua cò lái”. Chúng tôi đồng ý giá 5 triệu đồng và hẹn ngày nhận bằng.
Nam khẳng định: “Anh làm rẻ nhất rồi, bên anh làm bằng tốt nghiệp THPT cũng chỉ 3 triệu; TOEIC, cao đẳng, đại học chỉ làm có 4 triệu. Thôi, anh bớt em 500.000 đồng làm quen. Anh làm bao công chứng và “bảo hành” trọn đời, cần công chứng gì cứ gọi lại anh giúp miễn phí, làm gì có chỗ nào dám bảo đảm vậy với em”.Khác với lối hoạt động “công khai một cách bất chấp” của Hải, một số nhóm làm bằng giả khác hoạt động tinh vi hơn, như trường hợp của Nam (có số điện thoại 09675…). Tay này “ẩn mình” trong website www. tochucmungsinhnhat. com. Chúng tôi gọi nhiều lần nhưng Nam không nghe máy. Khi thấy chúng tôi để lại tin nhắn và địa chỉ email với lời lẽ tha thiết, Nam mới chủ động gọi lại, đòi giá 6 triệu đồng/bằng thạc sĩ, 8 triệu đồng/bằng tiến sĩ.
Tương tự , một tay làm bằng giả khác tên Hoàng Duy (điện thoại 09123…) rao bán bằng tại www.hoangduy460.jweb.vn cũng không nghe máy, mà cẩn thận gọi sau khi chúng tôi để lại thông tin. Ngoài việc cam kết phôi thật, tem thật bảy màu và có sáu cánh, mộc in nổi, “bao” soi, Duy còn chỉ tôi cách “qua mặt” công chứng: “Em để chừng một tháng cho bằng cũ đi, mới dễ công chứng trót lọt. Công chứng ở phường hoặc phòng công chứng tư chứ đừng đến phòng công chứng quận vì họ cẩn thận lắm. Mà anh công chứng sẵn hết rồi, em chỉ cần dùng nó nộp vào chỗ làm là được”.
Khi thấy tôi đắn đo, đòi phải cùng đi công chứng mới lấy bằng, Duy liền thoái thác, kèm theo lời cam đoan chắc nịch: “Nguyên tắc giao dịch là anh và em không thể đi chung như vậy. Em cần gì thì gọi, anh đem đi công chứng cho, như vậy sướng hơn không? Anh không chạy đâu mà lo, website anh còn đó, chẳng lẽ ăn một cái bằng rồi biến mất!”. Tôi chấp nhận giá 7,5 triệu đồng/ bằng tiến sĩ kèm theo yêu cầu phải gửi mẫu coi trước. Duy đồng ý, in mẫu và hẹn ngày gặp.
Giáp mặt những "con ma làm bằng giả"
Chiều 29/11, đến hẹn nhận bằng, có người gọi điện thoại cho chúng tôi, bảo: “Em là shipper (người giao hàng), có anh Phong gửi bộ hồ sơ cho em”. Chúng tôi vặn: “Gửi đồ gì? Em không biết ai tên Phong”. Đầu dây bên kia trả lời: “Em không biết, em chỉ là xe ôm thôi. Chị cứ ra nhận rồi tự coi nhe”. Tôi không đồng ý, cúp máy.
Liền sau đó , tên Hải liền gọi lại: “Lính của anh vừa gọi em. Anh tên thật là Phong chứ không phải Hải”. Chúng tôi tỏ vẻ phật ý , Hải liền xuống nước: “Anh là chủ nên không thể đi gặp khách hàng, em gặp nó đi, đồng ý thì lấy, không thì thôi chứ có đưa cọc gì đâu mà sợ . Lính anh chứ không phải xe ôm gì đâu”.
Chúng tôi được tên Phong hẹn ở một quán cà phê tại góc đường Trương Định - Rạch Bùng Binh (Q.3, TP.HCM). Người giao hàng là một thanh niên trẻ , đến quán với vẻ khẩn trương và ánh mắt cảnh giác. Ban đầu, người này cho biết mình chỉ là xe ôm. Sau khi chúng tôi chê bằng nhìn không giống như thật, mộc nhìn giả chứ không như cam kết mộc nổi ban đầu, người này liền “quên” vai diễn xe ôm, mở lời giải thích: “Nhiều người cũng như anh chị, khi nhận bằng lo xài không được, sợ bị phát hiện. Vậy mà xài luôn tới giờ có sao đâu. Em giao nhiều lắm rồi”. Chúng tôi kiên quyết trả lại bằng, yêu cầu chỉnh sửa lại, hắn liền gọi về “cấp trên” rồi đột ngột dồn hết mớ bằng giả vào túi, đứng bật dậy, phóng nhanh theo hướng ngược chiều đường Trương Định để “cắt đuôi”.
Duy cũng cử một người đàn ông trung niên xưng là xe ôm đến giao bằng. Với lý do bằng sai tên hiệu trưởng, tôi không đồng ý mua bằng của Duy. Qua điện thoại, Duy ép: “Anh đã gửi em coi, em đồng ý, anh mới in. Giờ em nói không lấy, đâu có được”. Chúng tôi nhất định không nhận, Duy tức tối gọi “nhân viên” quay về.
Người đàn ông trung niên giao bằng giả nhưng tự xưng là xe ôm
Từ một quán cà phê gần Bệnh viện Bình Dân (đường Điện Biên Phủ , Q.3), chúng tôi theo dấu “xe ôm” (xe có biển số 55P1 0625), nhưng người này rất kín kẽ , “dẫn” chúng tôi đi lòng vòng hết đường Cách Mạng Tháng Tám, vòng ngược vào đường Lý Thường Kiệt rồi đột nhiên trở đầu xe, tăng tốc ngược chiều và biến mất trong một con hẻm ở đường Lý Thường Kiệt (Q.10).
Ma mãnh hơn, trước khi giao bằng giả , Nam đã cử một người giọng miền Nam gọi điện, xưng là xe ôm giao hồ sơ. “Có phải chị là H, chị có dặn gửi cho chị một bộ hồ sơ phải không?”. Tôi đồng ý gặp mặt. Khoảng 10 phút sau, lại có một người giọng miền Trung gọi đến với nội dung tương tự. Chúng tôi làm bộ phản ứng: “Bên em phiền quá, sao tùm lum người gọi vậy? Chị không nhận nữa”. Lúc này, Nam mới thừa nhận: “Vừa rồi cũng chính em gọi chị chứ ai. Bên em xài nhiều số và có thể nói giọng cả ba miền, chỉ muốn kiểm tra cho chắc ăn. Vậy em ra chỗ chị nhé ”.
Đến nơi giao bằng là một thanh niên chừng ngoài 20 tuổi, chạy chiếc xe Wave (biển số 52X1 2506). Tay này cũng chỉ nhận mình là xe ôm chứ không liên quan gì đến Nam. Thế nhưng, khi chúng tôi chê bai không chịu nhận bằng và gọi lại Nam không được, tay “xe ôm” này liền gọi cho Nam, trách móc: “Mẹ, khách chê gì kìa, nói chuyện với khách đi”. Chúng tôi hỏi khéo: “Xe ôm mà biết số riêng để gọi hay quá hen”, hắn ngượng ngập.
Người đàn ông này cầm trong tay một xấp bằng giả , tự xưng là xe ôm
Sau cùng, giá được chốt 5 triệu đồng cho bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Tấm bằng thạc sĩ giả mà chúng tôi mua được trông không khác gì bằng thật. Không chỉ bản chính, “nhà sản xuất” còn khuyến mãi cho chúng tôi cả chục bản sao có công chứng, kèm theo bảng điểm được đóng dấu như thật.
Trao bằng, vừa đếm tiền xong , tay “xe ôm” vụt đứng lên, lao đi, trên xe là bọc ni lông màu đen, treo lủng lẳng một xấp “hàng”.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...